06/02/2023 09:22 GMT+7

Thơ hay vẫn chạm đến con người

Ngày hội thơ Việt Nam lần thứ 21 năm 2023 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra ngày cuối tuần (5-2) không đông vui như kỳ vọng vì nhiều lý do. Nhưng nhiều người đến đây đã ấm lòng với những câu thơ thật đẹp...

Thơ hay vẫn chạm đến con người - Ảnh 1.

Khách dạo đường thơ ở Ngày thơ Việt Nam tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhiều bạn đọc xúc động khi bắt gặp câu thơ đẹp của nhà thơ Tô Thùy Yên ở đường thơ: "Cảm ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi". Được bắt gặp một hình ảnh cảm động: ông già đi dọc đường thơ, chép những câu thơ được chọn trưng bày vào sổ tay.

Nhà ký ức thơ: nét mới của ngày thơ

Ngày thơ Việt Nam năm nay lần đầu tiên diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long, một không gian rộng rãi, đẹp, lần đầu tiên có tài trợ để đầu tư trang trí bối cảnh, mở sân khấu thơ hoành tráng, với tổng đạo diễn là đạo diễn sân khấu Lê Quý Dương...

Đặc biệt có Nhà ký ức thơ để khách có cái xem, có đường sách cho bạn đọc ghé chân, có đường thơ với nhiều câu thơ được chọn lọc.

Những câu thơ được lựa chọn đưa vào đường thơ không phải tất cả đều đặc sắc, nhưng đã chọn tôn vinh thơ của những nhà thơ "trầm luân" như Phùng Cung, Phùng Quán, Lê Đạt, Tô Thùy Yên... Nhà ký ức thơ khá hấp dẫn với những gương mặt thơ từng được cho là "gai góc" như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... được giới thiệu bên cạnh các nhà thơ cách mạng.

Tuy nhiên, đường sách rất ít thơ nhưng phản ánh đúng tình trạng kinh doanh sách: các nhà sách "không dại" mà bán thơ, thơ in nhiều nhưng chủ yếu để tác giả biếu tặng.

Điều đáng tiếc là tuy diễn ra vào cuối tuần nhưng bầu trời xám xịt ngày xuân, đôi lúc mưa phùn cũng làm giảm sự lộng lẫy của hội thơ. Mưa (buổi sáng) cũng là nguyên nhân khiến ngày thơ năm nay vắng teo (buổi chiều đông hơn), sự kiện chính lại diễn ra vào buổi tối ở sân khấu ngoài trời lạnh lẽo, không hợp lắm với độc giả yêu ngày thơ vốn đa phần là người lớn tuổi.

Khung cảnh ngày thơ năm nay thật khác xa với những Ngày thơ Việt Nam nhiều năm trước ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đúng cảnh hội hè đông vui chen chúc. Tất nhiên cũng do hội thơ những năm đó chỉ tập trung tổ chức gọn trong một buổi sáng chứ không kéo dài cả ngày như năm nay.

Người viết thơ đông mà bạn đọc lại không có!

Hội thơ năm nay đã tổ chức tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay (sáng 5-2) - một hoạt động trước đây không có. Nhưng đó lại là buổi tọa đàm để các nhà thơ, nhà phê bình mổ xẻ vì sao bạn đọc ngày nay quay lưng lại với thơ - một chủ đề buồn cho thơ ca hiện nay.

Các nhà thơ, nhà phê bình đều thống nhất góc nhìn rằng hiện nay người viết thơ đông quá, mà bạn đọc thơ lại không có, xã hội lạnh nhạt với thơ. Nhà thơ Trần Anh Thái - chủ tịch Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) - ngao ngán trước hiện thực có lẽ nước ta đang có hàng chục ngàn người làm thơ, "nơi nào có người là có thơ, câu lạc bộ thơ" nhưng bạn đọc lại ghẻ lạnh với thơ. 

Nguyên nhân bởi những người viết tự bằng lòng với chính mình. Các tờ báo, nhà xuất bản, các cơ quan quản lý văn hóa thì dễ dãi, nuông chiều thơ non yếu.

"Họ không dám sử dụng quyền được từ chối để khước từ thơ non yếu, gạt bỏ cái ấu trĩ, tầm thường ra khỏi đời sống thơ ca lành mạnh. Chính vì vậy thơ chất lượng thấp có cơ hội lên ngôi. Thơ chưa đạt chất lượng không bị khước từ thì đương nhiên, một đất nước thơ ca như chúng ta, đâu đâu cũng gặp nhà thơ, đâu đâu cũng có giải thưởng, danh hiệu thơ, thì thơ không bị bạn đọc lạnh nhạt mới là chuyện lạ", ông Thái cắt nghĩa.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu lý giải nguyên do bạn đọc chán thơ là bởi "thơ vui giả, buồn giả, như một thứ hàng giả", chẳng đi vào những đau khổ kiếp người, không làm bạn đọc kinh ngạc và rung động vì những vần thơ chứa đựng những suy cảm mới, tư duy thẩm mỹ mới...

Ngoài lý do nằm ở chính thơ ca này, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu nói thêm lý do thời đại là bởi sự suy sụp của văn hóa đọc trong thời văn hóa nghe nhìn lên ngôi. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến góp thêm một lý giải khác đó là "sự lạm phát đến quá tải", đến bão hòa của thơ tình (loại không hay) đã gây cảm giác nhàm chán, làm người đọc thất vọng và làm công chúng quay lưng lại với thơ.

Ngoài ra, một số người tuyên bố đổi mới thơ nhưng lại chỉ tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho bạn đọc ngoài sự mù mờ, rắc rối.

Tìm lối thoát cho thơ ca

TS Nguyễn Thanh Tâm tổng kết những nguyên nhân khiến thơ đang "vô ích quá" trong lòng bạn đọc bằng bốn cái suy: Thứ nhất, thơ bị suy về tư tưởng. Thơ hiện nay đa phần "nông cạn và hời hợt ngay trong dáng vẻ tỏ ra cầu kỳ bí hiểm của nó".

Thứ hai, là bối cảnh suy văn hóa thơ khiến nhiều người làm thơ nhưng dường như không ai đọc ai, hoặc đọc hời hợt, thậm chí là dễ dàng xem thường thơ và xem thường lẫn nhau. 

Thứ ba, nhiều người làm thơ, mượn thơ như một hình thức bày tỏ cái tôi cá nhân - bất kể có chạm gặp hay giao tiếp được với cộng đồng hay không.

Thứ tư, sự lên ngôi của các hệ giá trị đại chúng đã lôi cuốn, cho phép hoặc vô tình dung dưỡng những thực hành thơ có phần dễ dãi, thậm chí tùy tiện, khiến phản ứng của cộng đồng, nhất là cộng đồng tinh hoa là chán nản. Thơ bị suy vì những giá trị đại chúng mà chính nhà thơ để mình bị nhiễm.

Những mổ xẻ trên, cùng với lời phát biểu đề dẫn tọa đàm của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, "Khi đại dịch qua đi, đường phố lại trở lại nhịp đông cuồn cuộn, tôi lại nghĩ thơ ca có giúp cho dòng người đang cuồng nhiệt chảy kia giảm tốc độ lại không? Thơ có giúp con người sau cơn đại dịch ghê gớm như thế có đủ bình tĩnh nhìn ra vẻ đẹp của người bên cạnh hay không?", thơ vẫn cần lắm những phân tích, hành động ngõ hầu tìm ra "lối thoát" cho thơ ca.

Ngày thơ Việt Nam 2023 tại TP.HCM

Ông Phan Nguyễn Như Khuê đánh trống khaimạc Ngày thơ Việt Nam 2023 - Ảnh: TRẦN MẶC

Sáng 5-2, với chủ đề Khát vọng phương Nam, Ngày thơ Việt Nam 2023 đã diễn ra tại khuôn viên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (quận 3, TP.HCM).

Chương trình có sự tham dự của các khách mời: ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam...

Nói về chủ đề của ngày thơ năm nay, nhà văn Bích Ngân cho biết: "Khát vọng phương Nam là khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca, để hướng tới chân trời sáng tạo rộng mở và bất tận. Khát vọng phương Nam cũng là khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng chân ái và khát vọng cái đẹp luôn được nảy nở, sinh sôi".

Để tôn vinh Ngày thơ Việt Nam năm nay, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị liên quan thơ. Có thể kể đến tọa đàm Dòng thơ giữa phố được tổ chức vào sáng 4-2; hoạt động dựng lều thơ để thu hút khách nghe thơ, thưởng thơ; hoạt động ngâm thơ kết hợp ca múa nhạc...

Đánh giá về Ngày thơ Việt Nam 2023 tại TP.HCM, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Ngày thơ hôm nay là một tín hiệu kỳ diệu cho thấy sức sống đang hồi sinh mạnh mẽ và tràn ngập trên TP.HCM. Điều quan trọng là sức sống trong tâm hồn đang được lấp đầy bởi thi ca và những vẻ đẹp nhân tính mà văn học mang lại". (TRẦN MẶC)

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Thơ phải vươn ra khỏi địa giới quốc giaÔng Nguyễn Trọng Nghĩa: Thơ phải vươn ra khỏi địa giới quốc gia

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ mong muốn thơ vươn ra khỏi địa giới quốc gia để sánh vai và hòa mình với văn học thế giới, trong chương trình Ngày thơ Việt Nam tối 5-2 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp