13/02/2008 16:02 GMT+7

Thở cùng nhịp với trẻ thơ

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TTO - Ngày tết, tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP.HCM) có hàng trăm bệnh nhi bị bệnh nặng phải nằm viện điều trị.

fnEi2ifD.jpgPhóng to
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa cấp cứu BV Nhi Đồng I đang hồi sức cho bé N.Y. 6 tháng tuổi - Ảnh L.TH.H. (chụp lúc 19g30 mồng 1 tết)

Gia đình các bé phấp phỏng lo âu, không được cùng người thân vui tết. Còn các y bác sĩ vì nhiệm vụ thiêng liêng cứu người cũng phải đón xuân trong BV.

Liên tục cấp cứu

19g tối 7-2 (mồng 1 tết), từ ngoài cổng BV Nhi Đồng I đã thấy ánh đèn từ phòng cấp cứu sáng trưng. Trong phòng, các bác sĩ (BS) đang hối hả cấp cứu bé P.T.N.Y. (6 tháng tuổi, Tây Ninh). Bé N.Y. nhập viện cấp cứu lúc 18g. Người bé nhỏ xíu, nằm bất động trên giường bệnh vì bị viêm phổi, bệnh tim bẩm sinh nặng (bất thường tĩnh mạch phổi về tim toàn phần, hở van ba lá, hở van động mạch, cao áp động mạch phổi…).

BS Nguyễn Minh Tiến - phó khoa hồi sức cấp cứu, BS Huyền, BS Phương, điều dưỡng Hồng…người thì bóp bóng giúp thở, người lo đặt ống nội khí quản, người xoa ấn tim ngoài lồng ngực, chích thuốc trợ tim…Những giọt mồ hôi rịn trên trán, trên áo các BS, điều dưỡng. Những ánh mắt chăm chú quan sát màn hình theo dõi độ bão hòa oxy trong máu và nhịp tim của bé N.Y.. Cả hai thông số cứ nhảy nhót lên xuống ở mức báo động, rồi tụt xuống và mất hẳn.

BS Huyền cố hết sức dùng hai tay liên tục xoa ấn tim ngoài lồng ngực cho bé N.Y.. Màn hình báo độ bão hòa oxy trong máu và nhịp tim đã lên được 81-176. Nhưng chưa đầy một phút sau các chỉ số này lại tụt xuống bằng 0. Không nản lòng, các BS vẫn tiếp tục các biện pháp hồi sức. Nhưng tình trạng bé vẫn không cải thiện. Các thông số cứ nằm bất động ở con số 0. Tất cả buồn bã nhìn nhau lắc đầu. Tôi cũng không nén được lòng mình khi thấy gương mặt bé cứ trắng bệch dần…

BS Huyền mời chị Nguyễn Thị Lộc - mẹ bé N.Y., vào phòng cấp cứu thông báo bé đã tử vong. Chị Lộc chạy vội ra ngoài òa khóc với chồng. Chị nói với tôi trong nước mắt, bé N.Y. bị bệnh tim bẩm sinh nặng, đã có chỉ định mổ. Chị đã vay mượn nhiều nơi để có đủ 2.500 USD đóng tiền mổ cho con ở Viện Tim TP.HCM. Tiền đóng đã gần hai tháng nhưng đợi hoài vẫn chưa đến ngày mổ.

Trong lúc các BS lo cấp cứu bé N.Y., tiếng còi xe cấp cứu từ ngoài cổng lại hối hả chạy vào. Một bé gái chưa đầy tuổi được Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (Q.Tân Phú) chuyển đến vì sốt cao, co giật. Các BS xoay qua thăm khám ngay cho bé. Ở giường bên cạnh, bé T.N. (6,5 tháng, Q.Bình Tân) cũng đang được theo dõi bệnh viêm màng não. BS Huyền cho biết chỉ hơn ba giờ vào ca trực, tua của chị đã tiếp nhận sáu bệnh nhân (BN) bị bệnh nặng.

23g cùng ngày, tại khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 2 có bốn BN đang nằm điều trị. BS Bùi Văn Đỡ - phó khoa cấp cứu, cho biết chỉ trong nửa ngày khoa đã tiếp nhận cấp cứu 18 BN.Đáng thương nhất là bé Nguyễn Thị Thùy (14 tuổi, Q.4) bị phù não đã rơi vào hôn mê, phải thở máy. BS Đỡ bùi ngùi kể: “Bệnh của bé Thùy khó qua khỏi. Từ nhỏ bé đã thường xuyên bị chảy mủ lỗ tai. Do nhà quá nghèo, mẹ bé chưa bao giờ đưa con đi BV điều trị. Trước khi vào cấp cứu một tuần, bé có biểu hiện biến chứng lên não nhưng gia đình không biết. Đến chiều mồng 1 tết, khi bé lơ mơ, gọi hỏi không biết gì gia đình mới đưa đi cấp cứu…”.

zK5s392M.jpgPhóng to
BS Bùi Văn Đỡ - phó khoa cấp cứu BV Nhi đồng 2 đang theo dõi sức khỏe cho bệnh nhi Nguyễn Thị Thùy - Ảnh L.TH.H (chụp lúc 23g đêm mùng 1 tết)
Quá nhiều bệnh nặng

Trong khi đó tại khoa hồi sức tăng cường BV Nhi Đồng 1, tua trực gồm hai BS, năm điều dưỡng cũng luôn tất bật với 17 BN đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh” từ nhiều tỉnh thành... chuyển tới.

Các BN này bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp, lao phổi, sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa nặng, viêm phổi, tổn thương tủy, viêm phổi sinh non…đang phải thở máy. Mệt mỏi, phờ phạc bên mỗi giường bệnh là cha mẹ hoặc bà ngoại, bà nội của các BN. 21g chúng tôi đến khoa phỏng chỉnh hình. Tại đây có chín BN bị phỏng rất nặng không thể về nhà trong những ngày tết.

Ở khoa hồi sức sơ sinh, tua trực gồm chín BS, điều dưỡng cũng không ngơi tay với 20 trẻ sơ sinh trên dưới một tháng tuổi bị bệnh nặng. Đa số các bé đều phải thở máy. Có bé mới được phẫu thuật cấp cứu ngay chiều mồng 1 tết vì không có hậu môn bẩm sinh. Có bé bị viêm phúc mạc do vỡ dạ dày, bị teo thực quản bẩm sinh…

Dù đã 22g đêm nhưng các điều dưỡng vẫn liên tục đến từng giường bệnh, cần mẫn theo dõi các chỉ số sinh tồn của trẻ và ghi vào phiếu điều dưỡng. Trong khi đó, BS Chương - trưởng tua trực - đi từng giường bệnh khám cho BN. Thấy bụng bé Tuấn Cường (20 ngày tuổi) trướng căng, BS yêu cầu cho siêu âm ngay. Chỉ một chút sau, BS Nhật Thúy đưa máy vào tận giường siêu âm cho bé Cường. Lo cho bé Cường xong, BS Chương đứng rất lâu bóp bóng qua nội khí quản giúp thở cho một bé khác. Theo dõi chức năng thở của bé hồi lâu, BS Chương quay ra gọi điều dưỡng: “Chuẩn bị ngay một máy thở nhé”.

24g đêm mồng 1 tết chúng tôi có mặt ở khoa hồi sức BV Nhi Đồng 2. Trong phòng hồi sức ánh đèn sáng choang. Những chiếc áo xanh đi lại liên tục giữa các giường bệnh. BS Vũ Hiệp Phát - trưởng tua trực, cho biết tại khoa đang điều trị 18 bé sơ sinh bệnh nặng, trong đó có 11 ca phải thở máy. Sức khỏe của các bé hầu hết đều trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhiều bé là trẻ sơ sinh non tháng, quá yếu (có sáu bé cân nặng dưới 1,3kg), là trẻ bị dị tật bẩm sinh phải mổ cấp cứu…Do các bé quá nhỏ, quá yếu, nên BS, điều dưỡng phải theo dõi, chăm sóc rất chặt chẽ. Tùy theo tình trạng bệnh của từng bé mà cứ mỗi 15-30 phút hay 2-3 giờ lại phải thăm khám một lần. Chỉ cần một bé có biểu hiện bất thường về sức khỏe, có nguy cơ tử vong là cả tua trực không ai có thể ngồi yên. BS Phát thuộc lòng tình trạng bệnh, ngày nhập viện của từng bé. Anh đưa tôi đến bên giường bệnh của một bé sơ sinh tên là Nguyễn Thị Hai 1, sinh ngày 13-1, bị gia đình bỏ rơi.

BS Phát cho biết Nguyễn Thị Hai là tên người mẹ. Người mẹ này sinh non hai bé có cân nặng 1.000g và 800g. Hai bé được dì đưa đến BV Nhi Đồng 2 rồi bỏ đi luôn tới nay không quay lại. Để phân biệt hai bé, các BS đã thêm vào số 1 và 2 sau tên mẹ các bé. Bé Hai 2 (800g) đã tử vong, còn bé Hai 1 vẫn đang được các y bác sĩ từng giờ nâng niu chăm sóc, từng ngày giành giật với tử thần để cứu mạng bé.

sYxAUzBu.jpgPhóng to
Điều dưỡng Lan, khoa hồi sức BV Nhi Đồng 2, đang hút đàm nhớt cho một bệnh nhi - Ảnh L.TH.H. (chụp lúc hơn 24g mồng 1 tết)
Ba mẹ có ở nhà không?

Hầu hết các BS, điều dưỡng mà tôi gặp ở BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 trong đêm trực mồng 1 tết đều có con nhỏ. Họ có bao nhiêu năm thâm niên công tác ở BV thì cũng có gần từng ấy năm trực cấp cứu trong những ngày tết. Nhiều người, cả hai vợ chồng đều là BS, có khi đi trực phải gửi các con sang nhà ngoại, nhà nội trông giùm.

BS Minh Tiến, phó khoa hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1, cho biết trực ở BV ngày tết anh rất nhớ con (anh có một con trai 12 tháng) nhưng nhìn các BN phải nằm BV điều trị không được ăn tết, nhìn ánh mắt thất thần của cha, mẹ các bé anh vẫn phải động viên, an ủi. Khi BN có tiến triển sức khỏe tốt, anh lại vội vàng thông báo cho người nhà để họ có thêm hi vọng.

BS Kim Ngân, khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 2, có một bé trai 5 tuổi và một bé gái 3 tuổi. Chồng chị công tác ở BV Chấn thương chỉnh hình TP. Đã hai ngày vợ chồng chị không gặp nhau, vì anh trực BV ngày 30 tết, còn chị trực mồng 1. Các con chị đã quen với cảnh thường xuyên vắng mặt cha, hoặc mẹ ở nhà nên mỗi khi gặp cha mẹ các bé lại hỏi: hôm nay mẹ có về nhà không, hôm nay ba có ở nhà không? Khi chị nói phải đi trực, các bé thơ ngây hỏi tại sao phải đi trực? Những lúc đó, chị chỉ biết ôm con vào lòng, giải thích: “Nếu ba mẹ không đi trực, không có người khám bệnh cho BN…”.

Điều dưỡng Thúy Hồng, khoa phỏng chỉnh hình BV Nhi Đồng 2, có một con trai 8 tuổi, kể: bình thường mỗi tuần chị trực hai đêm, ngày mồng 1 tết thấy chị đi trực, con trai chị ỉu xìu: “Mẹ đi hoài, tết cũng không ở nhà với con. Con buồn lắm”. Thương con nhiều nhưng hình ảnh những BN bị phỏng nặng ở BV đã giúp chị quên đi tình cảm riêng của mình. “Các bé bị phỏng rất đau đớn. Mỗi khi thay băng các cháu sợ lắm. Chúng tôi phải cố gắng nhẹ nhàng chăm sóc các bé, hỏi thăm người nhà để họ bớt bị áp lực tinh thần trước tình cảnh bi đát của con mình” - chị Thúy Hồng tâm sự.

Gần 1g sáng mồng 2 tết tôi rời BV Nhi Đồng 2. Lòng thầm cảm ơn những y bác sĩ đã hi sinh những tình cảm riêng tư để cấp cứu, điều trị cho những BN bé bỏng. Tết đến, không chỉ gia đình BN, mà tất cả các thầy thuốc tôi gặp đều chỉ nói: “Cầu mong sang năm mới các BN mau hết bệnh để về nhà”.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp