Tuy nhiên, một số người đổ xô đến đây để cúng kiếng mê tín dị đoan.
Phóng to |
Theo chân dòng người len lỏi lên núi Heo - một trong ba ngọn núi bên cạnh núi Bà Đen, chúng tôi bắt gặp nhiều tảng đá lớn trên núi được vẽ hình Phật, hình rồng với những lư hương đầy chân nhang dọc theo sườn núi.
"Điều nguy hiểm nhất mà xã và các cơ quan chức năng lo lắng vẫn là tình trạng đốt nhang, đốt vàng mã có thể gây cháy rừng bất cứ lúc nào vì đây là mùa khô" Ông Lâm Hoàng Trong (chủ tịch UBND xã Thạnh Tân) |
Khu vực nhiều người tìm đến nhất là một cái hang được gọi là “động năm cô” ở đỉnh núi. Gặp chúng tôi ở lưng chừng núi, một phụ nữ ở huyện Tân Châu cho biết nghe “động năm cô” trên đỉnh núi rất thiêng nên mới rủ một số người hàng xóm đi cùng. Tuy nhiên, muốn lên đó phải có người dắt đi và vào hang phải có đèn pin. Nghe chúng tôi nóng lòng và có vẻ thành khẩn, một người đàn ông trung niên cho biết sẽ dẫn đường.
Sau khi leo một quãng đường khá xa đến đỉnh núi, người đàn ông cầm cây đèn pin sạc điện nhanh chóng thoăn thoắt chui xuống cái hang chỉ cỡ một người qua, khách muốn vào phải bỏ đồ đạc bên ngoài. Hang sâu cỡ 30m và dưới đáy chỉ rộng cỡ 10m2 nhưng đã được người dân xây kệ thờ năm tượng nữ thần và một tượng Phật Bà Quan Âm với lư hương nghi ngút khói. Người đàn ông trung niên lúc này mới bảo: “Năm cô thiêng lắm, ai muốn xin quẻ thì gieo đi” và hướng dẫn một cô gái trong đoàn gieo quẻ. Khi thấy chúng tôi không đặt tiền gieo quẻ, ông có vẻ bực tức và giục chúng tôi leo lên. Vừa leo lên cửa hang, đoàn người do người phụ nữ ở Tân Châu dẫn đầu cũng chuẩn bị xuống hang dù chúng tôi cảnh báo hang rất tối và dễ trượt chân. Người phụ nữ này nói: “Tôi đến đây để khấn thì khó khăn gì cũng phải viếng năm cô”.
Cũng như núi Heo, khu vực Hàm Rồng khá nổi tiếng với “cậu trạng trắng” chuyên xem bói, trị bệnh bằng nhang và bùa chú, thu hút khá nhiều người mê tín dị đoan tìm đến.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng thờ cúng dị đoan trên núi Heo và núi Hàm Rồng, ông Lâm Hoàng Trong - chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh - cho biết xã đã nhiều lần cử người phối hợp với công an lên khuyên răn người hành hương cũng như gỡ bỏ, bôi xóa những chỗ thờ cúng trái phép trên núi. Tuy nhiên, việc khuyên nhủ rất khó vì các đối tượng thờ cúng là người nơi khác đến. “Thậm chí, khi cán bộ xã đến chân núi gửi xe thì đã có người lên báo và họ tự giải tán nên cũng chẳng gặp ai để khuyên răn, xử lý và xã chưa thể xử lý trường hợp vi phạm nào” - ông Trong nói.
Theo ông Trong, sắp tới xã sẽ xin phép cơ quan chức năng có biện pháp kiên quyết hơn nữa để xử lý những trường hợp mê tín dị đoan ở đây.
Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ vào mùa lễ hội (tháng giêng, tháng hai âm lịch) tình trạng lộn xộn bát nháo, chèo kéo, “móc túi” du khách ở các điểm đến, người dân đi lễ chen chúc, dâng lễ vật xa xỉ, đốt nhiều vàng mã, rải tiền lẻ, nhét tiền vào lư hương, tượng Phật... lại tiếp diễn như một thứ “bệnh cũ tái phát”. Theo ông Vũ Xuân Thành - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, “để thay đổi tình trạng này chắc phải cần đến một cuộc cách mạng về ý thức người dân” (Tuổi Trẻ ngày 19-2). Ý kiến của ông hoàn toàn xác đáng. Nhưng “cuộc cách mạng về ý thức người dân” này không thể từ trên trời rơi xuống mà cần một quá trình giáo dục có ý thức về tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu chúng ta để ý tìm hiểu thì có thể thấy đa số người đi lễ là theo phong trào, theo sự a dua và mê tín dị đoan, với những mưu cầu vật chất thực dụng. Số người đi lễ để cầu nguyện vì đức tin, cầu nguyện để tâm hồn mình thanh thản trên cơ sở những hiểu biết, giác ngộ về tín ngưỡng, tôn giáo mình thờ phụng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Những người này khi được hỏi chuyện, cho biết rằng khi đi lễ đền, chùa họ không bao giờ dâng lễ vật lớn hay nhét tiền bạc vào tượng Phật, cũng không bao giờ cầu lợi lộc vật chất cho riêng mình. Như vậy, có thể nói sự kém hiểu biết, sự nhận thức không đúng về tín ngưỡng, sự mê tín dị đoan cũng như những mưu cầu, tham vọng vượt quá khả năng của mình trong số đông những người đi lễ đền, chùa và những hệ quả ăn theo của nó đã dẫn tới tình trạng lộn xộn, bát nháo, buôn thần bán thánh ngày càng trầm trọng tại các lễ hội trên khắp đất nước hiện nay. Vậy tại sao sự hiểu biết về tín ngưỡng trong đa số người dân ở nước ta lại hạn chế, thậm chí kém hơn rất nhiều so với các nước xung quanh như Thái Lan, Lào, Campuchia... trong khi trình độ dân trí của đa số người dân ở các nước này không cao hơn so với nước ta? Phải chăng ở ta do lâu nay việc giáo dục tín ngưỡng trong nhân dân chưa được chú trọng. Tìm hiểu về giáo dục tôn giáo, tín ngưỡng ở Thái Lan, có thể thấy người Thái họ đã hiểu và thấm nhuần sâu sắc đạo và đời gắn bó với nhau mật thiết như thế nào để giáo dục và giữ vững truyền thống tôn giáo cũng như đức tin hay tín ngưỡng trong nhân dân. Có đức tin ấy, người ta luôn phải tu dưỡng, phải tự rèn luyện nhân cách, tránh làm những việc xấu xa dù không ai biết, không ai thấy vì họ luôn tin rằng Phật ở trong tâm, dõi theo họ từng hành vi, cử chỉ... Nhận thức được những mặt tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo và giáo dục định hướng cho người dân tự do tín ngưỡng một cách đúng đắn sẽ góp phần loại bỏ những hiện tượng tiêu cực và tạo nên nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận