12/01/2012 15:28 GMT+7

Thổ cẩm làng Teng vào mùa tết

Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU

TTO - Cả tháng rồi, những mẹ già, những cô gái người H’Rê ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào mùa dệt thổ cẩm. Họ làm đêm, làm ngày để dệt những tấm thổ cẩm bán cho đồng bào dân tộc H’Rê trong vùng và huyện Kon Rẫy, Komplông (Kon Tum).

YymunnDG.jpgPhóng to
Thổ cẩm làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi)

Chị Phạm Thị Tỵ, dân tộc H’Rê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tay thoăn thoắt bên khung dệt. Chị nói: “Cả tháng rồi, mình cứ ngồi “lì” ở đây. Năm nay, đồng bào mình nhiều người khai thác rừng nguyên liệu, bán củ mì, bán mía có nhiều tiền nên mua thổ cẩm nhiều hơn…".

Dệt ngày, dệt đêm

Những năm trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, trong những dịp giáp tết, chị Tỵ ở nhà dệt được chừng mươi tấm thổ cẩm là chị lại bỏ vào gùi, gùi lên tận vùng Ba Xa, Ba Tiêu cách làng trên 30km để bán. Những hộ không có tiền mặt thì phải đổi bằng heo gà. Có khi chị đánh bạo, gùi hàng vượt trên 100km qua đèo Viôlắc đến bán ở tận các bản làng người H’Rê ở huyện Kon Rẫy, Komplông (Kon Tum). Đường xa đèo dốc cực nhọc nhưng bán được thì mới có tiền sắm sửa trong gia đình.

Có năm trời lạnh giá trâu chết ngoài đồng, lúa nước và lúa rẫy cũng chỉ đủ ăn, thổ cẩm ít người mua nên người làng chỉ làm cầm chừng. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi nguồn thu nhập từ việc trồng rừng nguyên liệu được cải thiện, không chỉ riêng chị mà cả làng thi nhau dệt thổ cẩm, hết ngày đến đêm. Người dệt nhanh, vài ngày một tấm, người dệt chậm phải mất đến ba ngày.

Một tấm thổ cẩm tính tiền mua chỉ màu mất 350.000 đồng, dệt xong bán 500.000-600.000 đồng một tấm. Tính ra mỗi ngày công chỉ được 50.000-70.000 đồng là không cao, nhưng với người làng Teng cuộc sống còn khó khăn, nguồn thu nhập như thế là cũng khá rồi. Chị Phạm Thị Viên vừa mới bán được 10 tấm thổ cẩm, phấn khởi nói: “Bán thổ cẩm có tiền cũng sắm sanh đôi chút, chứ năm hết tết cũng sắp đến rồi”.

Nhớ tết xưa

Bà Phạm Thị Thêu đã ngoài 70 tuổi, cả đời sống bằng nghề dệt. Thấy thổ cẩm có nhiều người mua nên bà vui lắm. Hết sang nhà người này bà lại sang nhà người khác kể chuyện dệt thổ cẩm ngày xưa.

Theo lời bà, từ xa xưa người làng Teng đã biết trồng bông kéo sợi, rồi vào núi lấy đá, rễ cây đem về đập nhỏ nấu nước để ngâm sợi. Khung dệt là những thanh lồ ô chặt bên suối để dệt thành tấm thổ cẩm.

U0u6NiEH.jpgPhóng to
Những cô gái làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đang dệt thổ cẩm

Trước tết H’tênd (tết mừng năm mới của người H’Rê) được tổ chức vào cuối tháng 2, đến đầu tháng 3 âm lịch, làng nhộn nhịp lắm. Những người mẹ, người chị ở làng Teng đêm ngày xe sợi, sau đó kéo nhau xuống những lò nhuộm ở xã Ba Cung để nhuộm màu rồi đem về dệt.

Bằng đôi tay vén khéo, người làng đã dệt được nhiều sản phẩm có những hoa văn, họa tiết đậm nét văn hóa của dân tộc mình như: tấm váy cho phụ nữ (đồng bào gọi là tấm kà tu) khố cho đàn ông (ka pen), tấm địu con (ka tăh), khăn đội đầu (mul), khăn gói trầu cau hoặc gói lễ vật (ta gól), mền đắp (veixan).

Ngày tết đến người làng xúng xính trong những bộ trang phục mới, cùng nhau làm lễ cúng trong nhà để xua đuổi tà ma, lễ cúng sức khỏe cho con trâu mà cũng như người Kinh, đồng bào cho là “đầu cơ nghiệp”.

Sau đó, người làng quây quần bên những món ăn của dân tộc mình như thịt trâu nướng, thịt trâu luộc chấm muối ớt uống rượu cần.

Sau khi chếnh choáng men say người làng lại chơi đàn Vroot, đàn Krâu, gõ túc chinh.

Bây giờ ngày tết H’tênd, đồng bào dân tộc H’Rê vẫn cứ duy trì. Nhưng đồng bào cũng đón thêm cái Tết Nguyên đán của người Kinh. Người làng cố gắng dệt để có tiền mua sắm. Nhưng sâu xa hơn là để giữ một nghề xưa mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

Bài, ảnh: VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp