
Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU - Ảnh: TÙNG ĐINH
Thông tin này được TS Đào Văn Cường, đại diện Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết như vậy tại hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU do đơn vị này phối hợp cùng báo Nông Nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 24-2.
Theo ông Cường, "thực phẩm mới" có nghĩa là bất kỳ thực phẩm nào chưa được con người tiêu thụ ở mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15-5-1997. Ví dụ nước ngọt có chứa hạt é (bị EU cảnh báo), theo quy định của EU thì hạt é được coi là thực phẩm mới do không được tiêu thụ nhiều trước năm 1997.
Ngoài ra EU quy định "thực phẩm mới" là thực phẩm truyền thống đến từ quốc gia ngoài EU. Đơn cử, các món ăn truyền thống làm từ côn trùng như muồm muỗm, châu chấu, dế... ở các nước Đông Nam Á khi xuất khẩu sang EU thì họ coi là thực phẩm mới.
Hay thịt ốc bươu xuất khẩu từ Việt Nam cũng nhận cảnh báo từ EU với lý do "thực phẩm mới chưa được cấp phép" vì đây là thức ăn truyền thống từ quốc gia ngoài EU, do đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng chưa được sử dụng tại thị trường châu Âu.
"Tất cả các loại thực phẩm mới đều cần phải trải qua đánh giá, báo cáo chứng minh tiêu thụ an toàn trong ít nhất 25 năm thì mới được xuất khẩu vào EU" - ông Cường nhấn mạnh.
Để xuất khẩu thực phẩm mới vào EU thì thực phẩm này phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không gây tác động đến chế độ ăn uống của con người, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Chuẩn bị hồ sơ cấp phép thực phẩm mới thì thực phẩm cần có chứng minh về nguồn gốc, quy trình sản xuất, bằng chứng về mức độ tiêu thụ trước đây và có đánh giá an toàn thực phẩm theo quy định của EU như đánh giá thành phần dinh dưỡng, tác động sinh học, độc tính và đề xuất cách sử dụng, dán nhãn theo quy định của EU.
Sau khi nộp hồ sơ, cơ quan an toàn thực phẩm của EU sẽ đánh giá an toàn, có thể kéo dài trong 6 - 18 tháng, nếu đạt yêu cầu mới được phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận