16/08/2011 09:56 GMT+7

Thịt nhập tăng hơn gấp đôi

Chinhphu.vn - A.H.
Chinhphu.vn - A.H.

TT - Lượng thịt đông lạnh nhập khẩu tăng lên trong tháng 7- 2011. Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cho biết diễn biến trái chiều của giá thịt nhập khẩu (giảm) so với giá thực phẩm trong nước tăng liên tục trong một thời gian dài vừa qua đã giúp thịt đông lạnh tái chiếm thị trường.

RoSz9oo1.jpgPhóng to
Lượng thịt nhập khẩu về khu vực phía Nam Nguồn: Cơ quan thú y vùng VI - Đồ họa: VĨ CƯỜNG - - Ảnh: T.T.D.

Kênh tiêu thụ của mặt hàng này hiện nay là bếp ăn công nghiệp, hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ và sử dụng làm nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm.

Thịt nhập bán chạy hơn thịt nội

Trưa 15-8, khảo sát mặt hàng thịt gà tại một số chợ bán lẻ ở TP.HCM như Tân Định (Q.1), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Gò Vấp (Q.Gò Vấp), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)... cho thấy hàng còn tồn đến cuối buổi chủ yếu là thịt gà giết mổ trong nước. Theo các tiểu thương, cánh gà, đùi gà góc tư và đùi tỏi đông lạnh nhập khẩu thường bán hết ngay vào buổi sáng do giá mềm hơn thịt gà tươi. Giá hàng nào hợp lý hơn sẽ bán chạy.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, bán hàng ở chợ Gò Vấp, cho biết cánh gà tươi bán tới 88.000 đồng/kg, trong khi cánh gà nhập khẩu bán lẻ khoảng 65.000 đồng/kg. “Cùng một sản phẩm nhưng giá rẻ hơn tới 23.000 đồng/kg, người mua có lợi mà người bán cũng lời hơn tí xíu” - bà Tuyết so sánh. Theo bà Tuyết, cũng vì giá rẻ nên hàng thường hết rất sớm. Hiện hai mặt hàng bán chạy nhất là đùi tỏi và cánh gà.

Ưu tiên cho vay đối với cơ sở chăn nuôi

Ngày 15-8, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số bộ, ngành liên quan về bình ổn thị trường.

Sau khi nghe các bộ báo cáo về tình hình thị trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương tập trung sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường từ nay đến hết Tết 2012. Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung, thịt nói riêng trong sáu tháng cuối năm sẽ tăng 3-5% so với sáu tháng đầu năm. Nhu cầu tiêu dùng trong cả nước sáu tháng cuối năm ước khoảng 2,4-2,5 triệu tấn thịt hơi, so với lượng cung dự kiến đạt 2,265- 2,38 triệu tấn.

Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ưu tiên cho vay đối với cơ sở chăn nuôi, các dự án, phương án sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Theo các đầu mối bán sỉ thịt nhập khẩu, trong khoảng năm tháng đầu năm nay, kênh bán lẻ qua chợ và cửa hàng gần như không được duy trì hoặc có lượng hàng bán ra chỉ cầm chừng, nhỏ giọt do giá thịt nhập khẩu tăng khoảng 15%. Lượng hàng những tháng đầu năm về vừa đủ cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp và một phần rất nhỏ ra chợ lẻ. Do đó, theo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, lượng thịt nhập trong tháng 7 tăng mạnh phần lớn tiêu thụ vào kênh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng.

Ông Đoàn Ngọc Thơ, giám đốc Công ty thương mại dịch vụ THO, cho biết giá đùi gà góc tư hiện nay khoảng 29.000 đồng/kg, cánh gà 62.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với thịt gà giết mổ trong nước. Có thời điểm giá đùi gà nhập chỉ bằng một nửa đùi gà nội.

Tăng 115%

Theo tổng giám đốc một công ty thương mại tại TP.HCM, giá thịt nhập hiện giảm khoảng 20% so với tháng 5, trong khi giá thực phẩm trong nước tăng mạnh trong tháng 6, tháng 7. Bối cảnh giá cả như vậy đã giúp lượng tiêu thụ thịt nhập khẩu tăng. Nhân cơ hội này, doanh nghiệp tăng lượng nhập khẩu đưa ra kênh tiêu thụ lẻ, giúp người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn sản phẩm rẻ hơn. Trong khoảng một tháng trước đây, công ty này đã nhập khẩu khoảng 1.000 tấn thịt gà, thịt heo các loại.

Theo Cơ quan thú y vùng VI, trong bảy tháng đầu năm có khoảng 50.500 tấn thịt nhập khẩu đã làm thủ tục kiểm dịch và được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để thông quan hàng. Ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, cho biết thịt nhập khẩu về rất nhiều trong tháng 7, chủ yếu qua các cảng tại TP.HCM, với hơn 14.000 tấn. Như vậy, lượng thịt nhập trong tháng 7 tăng tới 115% so với tháng 6. Trong đó thịt gà nhập khẩu tăng gấp đôi.

Đáng chú ý, thịt heo nhập tới 1.300 tấn, trong khi tháng 6 chỉ 300 tấn và các tháng trước đó hầu như không có doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo. Ông T., giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thực phẩm, cho biết thịt heo nhập về chủ yếu cung cấp cho các công ty chế biến thực phẩm. Có khoảng 4-5 đơn vị chế biến thực phẩm, trong đó có các công ty lớn ở TP.HCM sử dụng nguyên liệu do công ty này cung cấp. Các đơn vị này sử dụng thịt heo nhập rẻ hơn rất nhiều so với thịt tươi trong nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Gia Truyền, thịt đùi heo nhập sẽ có cả xương. Tuy nhiên, khi đã lọc xương, theo tính toán giá vẫn khoảng 65.000-70.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt đùi mua tại các cơ sở giết mổ trong nước hiện khoảng 86.000-87.000 đồng/kg, có thời điểm lên trên 90.000 đồng/kg. Nếu sử dụng nguồn thịt này thì công ty lỗ vốn. Thay thế nguyên liệu bằng thịt nhập là biện pháp đã được nhiều đơn vị trong ngành sử dụng.

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh, hiện quy định kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt đông lạnh vẫn được thực hiện khá gắt gao. Hàng vẫn bị giữ tại cảng để kiểm nghiệm, đạt mới được thông quan. Lô nào không đạt buộc phải tái xuất. Đây cũng là mặt hàng vẫn phải xin giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công thương. Hiện thuế nhập khẩu thịt gà - mặt hàng nhập khẩu chủ yếu - vẫn là 20% và 5% thuế giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết sáu tháng đầu năm, lượng thịt gà nhập chiếm trên 80% (trong tổng số trên 50.000 tấn thịt đông lạnh các loại). Việc thịt đông lạnh nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 7 do sự chênh lệch cao giữa giá thịt nhập và thịt trong nước chứ không phải do nới lỏng quy định nhập khẩu mặt hàng này. Do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2010 và đầu năm 2011 nên lượng thịt heo cung cấp ra thị trường thiếu hụt so với nhu cầu, dẫn đến giá thịt heo tăng rất mạnh trong những tháng qua.

Về ngắn hạn, thịt nhập khẩu với giá rẻ hơn sẽ góp phần bổ sung nguồn cung thịt trong nước, qua đó giảm giá thịt trên thị trường nội địa. Tuy nhiên về lâu dài, nếu thịt đông lạnh nhập về nhiều sẽ ảnh hưởng tâm lý đến khả năng tái đàn và phát triển đàn vật nuôi của người dân. Trước mắt ngành chăn nuôi chưa có ý định đề xuất biện pháp hạn chế nhập khẩu thịt hay thay đổi thuế nhập khẩu mà sẽ cùng các cơ quan chức năng liên quan tập trung giám sát nhập khẩu thịt bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi nguồn cung hồi phục, giá cả sẽ trở về mức ổn định. Khi đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải cân nhắc giữa giá nhập khẩu và giá bán trong nước, khi giá thịt trong nước giảm thì thịt nhập sẽ giảm theo.

Chinhphu.vn - A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp