08/07/2015 21:50 GMT+7

Thiếu vốn đối ứng, dự án ODA kéo dài 10 năm

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - "Tỉnh cũng xin trung ương là khi có các dự án ODA hay các dự án khác cấp luôn cho tỉnh vốn đối ứng chứ tỉnh không cân đối được" - bà Mai Hoan Niê Kđăm, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nói.

Bà Mai Hoan Niê Kđăm – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: “Không có vốn đối ứng, các chương trình ODA giảm hiệu quả, kéo dài. Tỉnh rất khó khăn về vấn đề này” - Ảnh: Hà Bình
Bà Mai Hoan Niê Kđăm, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: “Không có vốn đối ứng, các chương trình ODA giảm hiệu quả, kéo dài. Tỉnh rất khó khăn về vấn đề này” - Ảnh: Hà Bình

Sáng 8-7, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để đánh giá chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án ODA và các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015.

Tại buổi làm việc, bà Mai Hoan Niê Kđăm nói nguồn vốn ODA giúp ích rất nhiều cho tỉnh trong đầu tư, xây dựng trường lớp, bồi dưỡng cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên ở vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển giáo dục. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra vướng mắc lớn nhất trong sử dụng vốn ODA ở tỉnh là thiếu vốn đối ứng dẫn đến có dự án đã kéo dài 10 năm chưa quyết toán được.

“Mười năm rồi không quyết toán được”

Là đơn vị thụ hưởng nguồn vốn ODA, ông Ra Lan Von Ga - hiệu trưởng Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - cho biết giai đoạn 2001-2005 trường là một trong 15 trường cả nước được tham gia dự án “Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề” từ nguồn vốn ODA. Tổng kinh phí của dự án này là 72,3 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ADB là 36,9 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua thiết bị dạy nghề, đấu thầu tập trung. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương là 2,5 tỉ đồng tiền thuế, phí, lệ phí mua sắm thiết bị. Còn lại 32,7 tỉ đồng là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. “Tiến độ dự án gần 10 năm rồi không quyết toán được do thiếu vốn đối ứng của địa phương” - ông Ralan Vonga băn khoăn.

Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư Đắk Lắk cũng nói nguồn vốn đối ứng với các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk “hầu hết là thiếu so với cam kết của nhà tài trợ”. Theo lãnh đạo này, quyết định 60 ngày 30-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức phân bổ vốn đối ứng là ngân sách trung ương 70%, địa phương 30%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hầu hết vốn đối ứng bị chậm, không bảo đảm theo yêu cầu của nhà tài trợ nguồn vốn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện những dự án liên quan đến giáo dục, y tế các thiết bị nhập khẩu địa phương phải bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế, phí, giải phóng mặt bằng các dự án…

“Nhiều dự án vốn tài trợ đã đưa vào sử dụng còn những hạng mục do vốn đối ứng chậm nên còn dở dang. Do đó, có dự án kéo dài 10 năm ảnh hưởng đến dự toán của công trình. Đề nghị đoàn giám sát quan tâm vấn đề làm thế nào khi ký hiệp định với nhà tài trợ rồi phải có thời gian để đảm bảo nguồn vốn đối ứng” - vị này nói.

Sẽ báo cáo, làm việc với Chính phủ

Kiến nghị với đoàn, bà Mai Hoan Niê Kđăm nói: “Báo cáo thật với đoàn là tỉnh chúng tôi đang rất khó khăn trong ngân sách. Hiện trung ương vẫn phải hỗ trợ trong chi thường xuyên và đầu tư các dự án. Tỉnh cũng xin trung ương là khi có các dự án ODA hay các dự án khác cấp luôn cho tỉnh vốn đối ứng chứ tỉnh không cân đối được. Còn không có vốn đối ứng các chương trình ODA giảm hiệu quả, kéo dài. Tỉnh rất khó khăn về vấn đề này”.

Ông Phạm Tất Thắng - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát - nói mục tiêu của chuyến khảo sát, giám sát là cùng địa phương tìm cách xử lý các vấn đề đang gặp phải. Ông Thắng đánh giá các dự án ODA ở tỉnh cơ bản tốt, đạt được yêu cầu chung của trung ương, các bộ, ngành. “Còn vướng mắc liên quan đến vốn đối ứng, từ thực tế địa phương không cân đối được, chúng tôi sẽ có báo cáo, làm việc với Chính phủ định hướng trong việc sử dụng ODA trong nguồn vốn đối ứng” - ông Thắng kết luận.

“Hợp đồng cung cấp thiết bị nhiều đơn vị hưởng lợi”

Trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây nguyên đánh giá ưu điểm của nguồn vốn ODA mang lại như góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác giảng dạy của trường, giáo viên được đào tạo phương pháp, kỹ năng, số lượng sinh viên được học nghề tăng, tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh đó trường cũng đưa ra một số hạn chế như: Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, vốn đối ứng địa phương chưa kịp thời, hợp đồng cung cấp thiết bị cho nhiều đơn vị hưởng lợi, hàng hóa bao gồm trong và ngoài nước phải tập kết dài ngày; việc bảo trì bảo dưỡng các trang thiết bị đã đưa vào sử dụng chưa thường xuyên, liên tục do nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm còn hạn chế…

Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết giai đoạn 2004-2014 tỉnh có các dự án sử dụng nguồn vốn ODA như: giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (tổng đầu tư 131,9 tỉ đồng, vốn Ngân hàng Thế giới 56,9%); phát triển giáo dục THPT (tổng đầu tư 37,8 tỉ đồng, vốn ADB 76% trong xây dựng và 90% bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên; phát triển giáo dục THCS (tổng đầu tư 24,7 tỉ đồng, vốn ADB 89% trong xây dựng, 90% bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên); giáo dục THCS vùng khó khăn nhất (tổng vốn 79,2 tỉ đồng, vốn ADB xây dựng 90%, 84% bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên)…

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vốn ODA
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp