Nhưng tình cảnh của những bệnh nhân phải chờ đợi khiến người ta nhức nhối mãi không thôi.
Đó là một cô gái trẻ có chỉ định mổ cột sống từ tháng 10-2023, lên bàn mổ rồi phải xuống vì thiếu vật tư, tháng 4 này mới được gọi quay lại bệnh viện để mổ, sáu tháng qua cô gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống và sinh hoạt, trở nên tự ti vì khiếm khuyết cơ thể.
Đó là bệnh nhân 68 tuổi bị gãy xương sau tai nạn giao thông, đã đi một quãng đường dài từ quê đến Hà Nội, đã đóng viện phí nhưng lại bị từ chối vì bệnh viện thiếu nẹp và vít, buộc phải chuyển viện. Một ca mổ (vốn không quá khó khăn) nhưng bệnh nhân lại phải chuyển viện lòng vòng.
Còn nhiều ca bệnh đã bị hoãn, chậm, lòng vòng như vậy vì thiếu vật tư. Chuyện không mới nhưng chưa bao giờ kéo dài và trầm trọng như hai năm vừa qua.
Ba tuần trước, CLB giám đốc các bệnh viện phía Bắc có cuộc họp bàn hai ngày. Đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, tính toán viện phí mới... là những vấn đề trọng tâm được đặt ra. Tại đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định những quy định hiện có như Luật Đấu thầu mới và nghị định 24 đã đủ cơ sở pháp lý để mua sắm thuốc và vật tư y tế.
Trong đó có những điểm rất mới như có thể mua sắm trực tuyến trên mạng, theo vị này là "minh bạch", "hay", "mới mẻ".
Tuy nhiên khi hỏi ra thì chưa thực hiện được đấu thầu trực tuyến này ngay mà còn phải đợi thêm một thời gian.
Trong khi nghị định 24 được cho là có nhiều điểm thuận lợi cho bệnh viện khi đấu thầu trong các tình huống cần mua hàng chất lượng, dĩ nhiên là giá sẽ cao, thì vẫn còn một số điểm mà bệnh viện lo ngại, cần thêm hướng dẫn.
Những bệnh viện có cách làm riêng vẫn vượt qua những rào cản này, còn nhiều nơi thì e ngại, cứ nói "chờ thêm", "chờ hướng dẫn". Và bệnh nhân phải "chịu trận".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một giám đốc bệnh viện thẳng thắn thừa nhận bệnh viện quy mô hàng ngàn giường không thể đủ mọi thứ thuốc, vật tư theo nhu cầu nhưng muốn đủ thì phải nỗ lực.
Trong đó bệnh viện sẽ họp hội đồng chuyên môn trước khi quyết định mua sắm, như một cách "cụ thể hóa" những điểm còn băn khoăn trong nghị định 24. Từ đó họ đã mua sắm được vật tư, thuốc men.
Tình trạng thiếu thuốc và vật tư đã kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Các cấp có thẩm quyền dường như cũng hiểu những khó khăn mà ngành y tế và bệnh viện gặp phải, thậm chí có những quy định rất mở.
Nhưng ở vai trò của lãnh đạo bệnh viện, lúc này là lúc phải "dám nghĩ dám làm" thay vì kêu suốt như hai năm qua. Có người nói thị trường có, bệnh viện khác mua được mà một số bệnh viện cứ thiếu mãi thì vấn đề là ở bệnh viện đó rồi, không phải do quy định nữa.
Các ông giám đốc bệnh viện, làm đi thôi đừng kêu nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận