Trong tình huống cấp bách ấy, một lần nữa ngành y tế TP.HCM lại phải gửi văn bản "cầu cứu" Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) xin phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trong khi theo quy định ngân sách mới, viện lại đã hết thẩm quyền cấp vắc xin.
Mệt mỏi với điệp khúc "xin - cho"
Trong thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo người dân tham gia TCMR là "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ". Khuyến cáo ấy hoàn toàn trái ngược với thực tế đang xảy ra tại các địa phương khi không có vắc xin tiêm cho trẻ, người dân buộc phải bỏ tiền tiêm vắc xin dịch vụ hoặc bỏ/trì hoãn tiêm.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 8-2022 đến nay có ít nhất năm lần ngành y tế TP.HCM gửi văn bản cầu cứu các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế xin phân bổ vắc xin trong chương trình TCMR.
Mở đầu cho chuỗi ngày "ăn đong" vắc xin ấy vào khoảng giữa năm 2022, khi lần đầu tiên TP.HCM thông báo thiếu vắc xin sởi và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Lúc bấy giờ, Viện Pasteur TP.HCM - nơi cung ứng vắc xin - sau một thời gian cố gắng điều tiết, cuối cùng đành bất lực thông báo "kho vắc xin của viện đã hết các loại vắc xin sởi và DPT".
Trong các loại vắc xin thiếu triền miên tại TP.HCM, có vắc xin sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván đã từng gián đoạn cung ứng suốt sáu tháng, từ tháng 5 đến tháng 11-2022. Đây cũng là thời điểm ngành y tế TP.HCM gửi liên tục ba văn bản đến Bộ Y tế mong mỏi cung ứng các loại vắc xin.
Và trong văn bản "cầu cứu" mới nhất, giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết từ trước đến nay, hằng tháng sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo cáo dự trù vắc xin trong chương trình TCMR cho dự án TCMR khu vực phía Nam (Viện Pasteur TP.HCM phụ trách).
Địa phương được cung ứng vắc xin từ viện 2 lần/tháng. Đơn cử lần gần nhất là ngày 24-4-2023, TP.HCM được phân bổ các loại vắc xin gồm BCG (lao), bOPV (bại liệt), viêm não Nhật Bản, sởi, uốn ván và viêm gan B.
Mới nhất, Sở Y tế TP.HCM cũng đã chủ động có văn bản gửi Bộ Y tế về số vắc xin dự trù trong những tháng còn lại của năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024 để được cung ứng.
Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng việc "rót" vắc xin nhỏ giọt như hiện nay như "muối bỏ bể" so với nhu cầu, chỉ sau một thời gian ngắn các địa phương lại hết sạch. Trong khi các loại vắc xin này rất quan trọng, giúp trẻ ngăn ngừa được nhiều loại bệnh nguy hiểm.
"Với cơ chế xin - cho nhỏ giọt này, không thể tránh khỏi việc trì hoãn, chậm trễ hoặc thậm chí bỏ tiêm vắc xin cho trẻ", vị này nói.
Theo phân tích của lãnh đạo này, việc gián đoạn tiêm vắc xin đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh cho trẻ em, các tỉnh thành (trong đó có TP.HCM) khó đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Ông cảnh báo: "Một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà vẫn có thể xảy ra. Trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất, bởi theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra bốn năm một lần, trong đó dịch sởi gần nhất là từ tháng 10-2018 và kéo dài đến hết tháng 5-2019".
Bộ Y tế nên chủ động đặt hàng
Từ 2022 trở về trước, Bộ Y tế là cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách, giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vắc xin cho các địa phương trong chương trình TCMR.
Tuy vậy, việc gián đoạn cung ứng vắc xin thời gian dài được nhiều lần giải thích do "vướng một số thủ tục về quy định mua sắm hàng hóa diện Nhà nước đặt hàng" (vắc xin tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi thuộc diện này).
Đây cũng là lý do nảy sinh nghịch lý vắc xin tồn ứ trong kho nhà sản xuất nhưng trẻ không có để tiêm chủng.
Một số nhà sản xuất vắc xin còn cho rằng việc để thiếu vắc xin cho TCMR còn có nguyên nhân từ việc chương trình TCMR quốc gia hợp đồng số lượng sản xuất và đặt hàng quá muộn!?
Vướng mắc kể trên mới được giải quyết, thì theo quy định ngân sách mới, các địa phương lại là nơi đấu thầu mua vắc xin TCMR (thay vì Bộ Y tế như trước).
Bộ cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương bố trí ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác nhằm triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin theo quy định.
Nguyên nhân được đưa ra là từ năm 2023 Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin TCMR, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.
Việc này theo các địa phương là khó do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn và cũng lo giá mua chênh lệch giữa các địa phương.
Trong cuộc họp ngày 11-5, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế quay lại triển khai đấu thầu, gỡ vướng việc thiếu vắc xin.
Vì vậy, cuối tuần rồi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) lại gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu vắc xin chương trình TCMR. Như vậy, có thể hiểu việc đấu thầu, mua sắm vắc xin vẫn do Bộ Y tế chủ trì.
Là một trong các đơn vị sản xuất cung ứng vắc xin TCMR, TS Dương Hữu Thái - viện trưởng IVAC, sản xuất vắc xin DPT - khẳng định các loại vắc xin cung ứng cho Chương trình TCMR được đơn vị sản xuất theo cơ chế đặt hàng (đặt hàng - sản xuất).
Tuy vậy, bất cứ lúc nào đơn vị cũng chủ động sản xuất và có một lượng vắc xin tương đối để cung cấp nếu các đơn vị có nhu cầu.
"Chúng tôi chỉ là nhà sản xuất, do đó chỉ cần đặt hàng cụ thể chúng tôi sẽ sản xuất. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với bên có nhu cầu nhằm thống nhất phương án mua sắm vắc xin, làm sao các địa phương được phân bổ nhanh nhất có thể", ông Thái khẳng định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vắc xin cho TCMR vốn đang "khát" ở nhiều địa phương, nhưng một số đơn vị sản xuất vắc xin chưa nhận được kế hoạch cũng như đơn đặt hàng vắc xin.
Có một số tỉnh sốt ruột đã liên hệ trực tiếp cho đơn vị sản xuất xin báo giá để mua vắc xin tiêm chủng cho người dân.
"Nhưng việc bán lẻ cho các tỉnh cũng là cả một vấn đề. Bởi vắc xin cần một dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản trong điều kiện 28oC. Tôi chưa nghĩ nếu các tỉnh mua lẻ như thế sẽ vận chuyển, bảo quản như thế nào cho đảm bảo chất lượng khi tiêm cho người dân.
Việc này có khi tiền vận chuyển, bảo quản đắt hơn tiền vắc xin, chưa kể chất lượng không đảm bảo", đại diện một đơn vị sản xuất vắc xin phân tích.
Vị này cho rằng việc giao đấu thầu mua sắm vắc xin TCMR cho các tỉnh hiện nay là chưa phù hợp, Bộ Y tế chủ trì mua vắc xin tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ vừa qua là phù hợp với thực tế.
Điều quan trọng lúc này, theo ông, là khâu rà soát nhu cầu các địa phương nhanh hơn, từ đó phải có đặt hàng cụ thể cho các đơn vị sản xuất.
"Không phải cứ đặt hàng rồi ném cục tiền là có ngay vắc xin. Vắc xin là mặt hàng đặc thù, thời gian sản xuất tối thiểu phải sáu tháng, có loại vắc xin kéo dài cả năm trời, bởi vật tư hóa chất đều phải mua từ nước ngoài. Chưa kể nhà sản xuất còn đối diện với nguy cơ hết hạn sử dụng khi sản xuất ra không phân phối được", vị này nói.
Để chấm dứt việc "đói" vắc xin TCMR, vị này kiến nghị Bộ Y tế phải có một kế hoạch sử dụng vắc xin dài hạn, cụ thể khoảng trong 3-5 năm.
"Không thể ăn đong vắc xin mãi thế này được, trong khi chúng ta dễ dàng biết được tổng số dân số, tỉ lệ sinh và tỉ lệ trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng của cả nước. Việc có kế hoạch từ trước giúp các nhà sản xuất vắc xin và cả chương trình TCMR luôn chủ động về nguồn vắc xin, có thế mới bền vững được", đại diện công ty sản xuất vắc xin này nói.
Điều gì xảy ra nếu không được tiêm chủng?
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, vào một số thời điểm tỉ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... cướp đi sinh mạng nhiều trẻ.
Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cả những vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vô cùng quan trọng và luôn cần thiết.
Trong khi đó, theo một chuyên gia tiêm chủng ở TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trước đó làm tỉ lệ tiêm chủng giảm đi, số trẻ chưa được tiêm chủng nhiều nên số trẻ dễ mắc bệnh tăng lên (tăng khả năng cảm nhiễm với bệnh do không tiêm chủng hay không tiếp xúc với mầm bệnh do cách ly). Khi có mầm bệnh xuất hiện thì tỉ lệ người mắc bệnh sẽ cao hơn so với bình thường. Trẻ cũng là nguồn lây cho người khác.
XUÂN MAI
Chờ Bộ Y tế
Có mặt tại Trạm y tế phường 5 (quận Gò Vấp), Trạm y tế phường 11 (quận Bình Thạnh) vào sáng 16-5, các nhân viên y tế đều thở dài thông báo trạm đã hết nhiều loại vắc xin TCMR, mọi hoạt động tiêm chủng đều "tê liệt" nhiều tháng qua.
Chẳng hạn như tại phường 5 (quận Gò Vấp) hiện có khoảng 400 trẻ sinh từ tháng 1 đến tháng 8-2022 đã được tiêm mũi đầu vắc xin "5 trong 1" nhưng chưa thể tiêm mũi nhắc. Còn với trẻ sinh từ tháng 9-2022 đến nay chưa được tiêm mũi vắc xin "5 trong 1" nào.
Nhân viên y tế tại đây chỉ còn cách tư vấn phụ huynh nếu không thể chờ hãy đưa trẻ tiêm vắc xin dịch vụ!? "Nhiều gia đình khó khăn, không đủ tiền để tiêm dịch vụ nên họ vẫn chờ vắc xin miễn phí được phân bổ về trạm", nhân viên trạm y tế này nói.
Theo nhân viên này, từ trước đến nay trạm y tế chưa từng thiếu vắc xin TCMR lâu đến thế. Với nhu cầu quá bức bách, các nhân viên chỉ mong vắc xin được phân bổ và họ sẽ thông báo ngay qua tin nhắn Zalo hoặc các trang thông tin của phường để phụ huynh biết đưa trẻ đi tiêm.
Xót xa hơn khi các nhân viên y tế tại Trạm y tế phường 11 (quận Bình Thạnh) phải thông báo với người dân là "chưa biết cụ thể thời gian có lại các vắc xin". Mỗi lần người dân tìm đến xin đăng ký tiêm, các nhân viên chỉ biết cung cấp đường dây nóng của trạm để người dân có thể cập nhật tình hình vắc xin TCMR trong thời gian tới.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cũng chỉ biết chia sẻ: "Rất mong Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sớm cung ứng trở lại các vắc xin TCMR cho TP.HCM. Giải pháp tình thế hiện nay chỉ còn cách chờ".
XUÂN MAI - THÁI LŨY - BÁ SƠN - A LỘC
Viện Pasteur khẳng định "có gần đủ vắc xin"
ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc - điều hành phòng khám tiêm chủng của Viện Pasteur TP.HCM - cho biết sau gần một năm thiếu nhiều loại vắc xin dịch vụ, những ngày qua đơn vị đã có lại gần đầy đủ các vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng người dân. Viện đang tổ chức đấu thầu để sớm có huyết thanh kháng uốn ván, huyết thanh kháng dại, cúm và VAT...
Bác sĩ Nguyễn Huy Luân - trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM - cho hay trẻ tạm hoãn tiêm vắc xin DPT-VGB-HiB... sẽ có nguy cơ mắc và lây các bệnh nêu trên, hoặc làm chậm việc tạo đáp ứng miễn dịch với các bệnh này. Các bệnh nguy hiểm do thiếu vắc xin "5 trong 1" có khả năng bùng phát dịch như bạch hầu, ho gà...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cuối tuần qua Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có văn bản gửi các địa phương, đề nghị rà soát nhu cầu vắc xin. Ngày 16-5, các bộ phận chức năng sẽ sửa văn bản hiện hành theo hướng giao Trung tâm đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia (Bộ Y tế) triển khai đấu thầu giá khung và từ đó các địa phương sẽ mua sắm, chi trả phí vắc xin theo giá khung này.
Về việc có vắc xin đủ để phục vụ nhu cầu ngay hay không, một đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết các nhà sản xuất đều có vắc xin dự trữ, vắc xin "5 trong 1" mua từ nhà sản xuất Ấn Độ, vận chuyển về Việt Nam trong điều kiện hiện nay cũng nhanh chóng. Về cơ bản, sau khi hoàn tất sửa quy định pháp lý, việc mua sắm vắc xin sẽ được triển khai ngay.
X.MAI - L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận