Tham gia hội nghị, nhiều nhà đầu tư cho biết họ gặp không ít khó khăn khi đầu tư vào giáo dục.
Nhà đầu tư kêu vướng
Ông Nguyễn Bá Linh - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Mỹ - cho biết tập đoàn hiện có 4 cơ sở giáo dục mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trung tâm ngoại ngữ với hơn 2.500 học sinh đóng trên địa bàn huyện Bình Chánh. Công ty đang gặp khó khăn nhất định trong đầu tư thêm cơ sở vật chất, trường lớp.
"Đất chúng tôi chủ yếu là đất ở, đất dân cư xây dựng mới, nếu xây dựng đất ở thì phải tuân theo quy định dưới 300m2 rất khó để xây dựng khang trang được. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện hoặc cơ chế đặc biệt nào đó để đầu tư", ông Linh nêu ý kiến.
Với mong muốn đầu tư mô hình trải nghiệm kỹ năng, ông Nguyễn Việt Trung - Công ty cổ phần giáo dục KDI - bày tỏ băn khoăn về quỹ đất phân bổ cho giáo dục.
"Quỹ đất nào phù hợp với nhu cầu đầu tư của chúng tôi thì nhờ lãnh đạo huyện tư vấn. Hoặc nếu có quỹ đất không quy hoạch giáo dục nhưng có thể chuyển đổi sang để thực hiện đầu tư cho giáo dục thì thủ tục ra sao, đầu tư như thế nào... chúng tôi mong được tư vấn kỹ", ông Trung nói.
Chính quyền cam kết giảm bớt phiền hà cho nhà đầu tư
Trước những vấn đề doanh nghiệp đặt ra, ông Võ Đức Thanh - chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết tập thể lãnh đạo huyện cam kết đẩy mạnh hơn nữa các công tác liên quan đến xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Theo ông Thanh, Bình Chánh có nhiều lợi thế để doanh nghiệp mở rộng và phát triển khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đó là dân số cơ học tăng nhanh với 231.306 người trong độ tuổi đi học. Bình Chánh hiện có 88 vị trí đất dành cho giáo dục với quỹ đất lên đến gần 100ha.
"Hội nghị này là điểm bắt đầu để phát huy cách làm mới, để phát triển hơn nữa mạng lưới trường lớp. Một trong các giải pháp là rà soát và đẩy nhanh các dự án.
Sau hội nghị này, các vị trí đất cho giáo dục sẽ được giới thiệu thêm và cập nhật thường xuyên trên trang web của Bình Chánh", ông Võ Đức Thanh cam kết.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Nam - bí thư Huyện ủy Bình Chánh - khẳng định biện pháp đầu tiên để thu hút đầu tư giáo dục là huyện sẽ thành lập đội ngũ chuyên trách để giảm bớt phiền hà cho nhà đầu tư.
"Nếu thuộc thẩm quyền của huyện, tôi cam kết sẽ giải quyết triệt để. Những vấn đề thuộc thẩm quyền thành phố, huyện sẽ tham mưu, phối hợp với các ban ngành, đơn vị để nhanh chóng giải quyết", ông Nam khẳng định.
Đánh giá rất cao sáng kiến của huyện Bình Chánh trong việc tổ chức một buổi lễ trang trọng, lần đầu tiên thực hiện ở cấp quận, huyện về kêu gọi đầu tư vào giáo dục, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - yêu cầu huyện này tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục trên địa bàn.
"Mong huyện Bình Chánh phân tích từng vị trí đất đầu tư cho giáo dục để nhà đầu tư dễ nắm thông tin, tiếp cận. Sau hội nghị cần có báo cáo các dự án tiến triển, đặc biệt là dự án phổ thông để TP nắm thông tin, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ", ông Dương Anh Đức chỉ đạo.
Kêu gọi đầu tư vào giáo dục vì thiếu hơn 40 trường
Huyện Bình Chánh hiện có 130 trường học các cấp, trong đó 89 trường công lập và 41 trường ngoài công lập với 100.367 học sinh đang theo học. Dự tính cần có khoảng 170 trường học mới đáp ứng tạm thời nhu cầu này.
Đơn cử, những xã phía bắc huyện Bình Chánh cần đến 1.801 lớp học nhưng cơ sở học tập chỉ đạt 1.243 lớp, cần phải xây dựng thêm 558 lớp học.
Dự án giáo dục tại TP.HCM có thể vay đến 200 tỉ đồng, 0% lãi suất trong 7 năm
Ông Nguyễn Quang Thanh - phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM - cho biết hiện nay Quốc hội đang xem xét thông qua cơ chế đặc thù cho TP. Ngày 24-6, Quốc hội có thể sẽ bấm nút thông qua cơ chế đặc thù này.
Nếu Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ sớm kích hoạt chương trình kích cầu đầu tư, trong đó đầu tư giáo dục được vay đến 200 tỉ mỗi dự án, với lãi suất 0% trong thời hạn 7 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận