Phóng to |
Mặt đường Trương Đình Hội, P.16, Q.8 (TP.HCM) đầy “ao nước” - Ảnh: Mậu Trường |
Từ năm 1975 đến nay, có 88 con đường ở các quận trung tâm TP chưa một lần được trung tu (theo quy định cứ năm năm phải thảm lại lớp bêtông nhựa trên mặt đường) hoặc đại tu (15 năm phải cào bóc nền đường sửa chữa lại mặt đường). Một cán bộ phòng quản lý và khai thác hạ tầng thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP cho rằng nhờ 88 con đường này có nền đường ổn định nên chỉ giặm vá ổ gà hoặc thảm nhựa từng đoạn bị hư hỏng. Thực tế để sửa chữa đồng bộ 88 con đường trên cần có 1.019 tỉ đồng và đến nay vẫn chưa có tiền sửa chữa.
Chỉ có 4% đường được duy tu mỗi năm
Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm chưa đến 4% con đường ở TP.HCM được trung tu, còn lại chỉ là giặm vá ổ gà. Các khu quản lý giao thông đô thị đề xuất đến 50% số đường cần sửa chữa (trong tổng số 770 đường, dài 1.211km) nhưng ngân sách cấp vốn chỉ đủ sửa chữa được 20-30 tuyến đường.
Cụ thể, năm 2006 bốn khu quản lý giao thông đô thị TP có kế hoạch sửa chữa 365 đường, nhưng chỉ được cấp 55 tỉ đồng nên mới sửa được 21 đường. Năm 2007 đề xuất 359 đường, vốn cấp 117,6 tỉ đồng, sửa chữa 29 đường. Năm 2008 đề xuất 350 đường, vốn cấp 81 tỉ đồng, sửa chữa 23 đường. Năm 2009 đề xuất 341 tỉ đồng, vốn cấp 99 tỉ đồng, sửa chữa 30 đường. Năm 2010 đề xuất 325 đường, vốn cấp 116,7 tỉ đồng, sửa chữa 33 đường.
Lãnh đạo Sở GTVT TP thừa nhận do vốn ít nên TP chỉ tập trung vốn duy tu, sửa chữa những con đường ở khu vực nội ô TP, nhiều tuyến đường ở vùng ven xuống cấp nặng nhưng không có kinh phí sửa chữa. Đa số đường ở ngoại thành trước đây không có lắp đặt cống thoát nước nên đường thường xuyên ngập nước khiến càng nhanh hư. Hiện nay, để sửa chữa các đường này đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn vì cần lắp đặt hệ thống thoát nước và đền bù giải tỏa để mở rộng đường theo quy hoạch lộ giới.
Quản lý kém cỏi
Tại cuộc họp tổng kết năm 2011 của Sở GTVT TP, đại diện Công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn cho rằng nguồn vốn đã không đủ cho duy tu nhưng cách khoán duy tu từng con đường lại không hợp lý. Vị này cho rằng thay vì khoán duy tu từng cụm đường hoặc theo địa bàn từng quận để đơn vị được giao duy tu đường dễ cân đối vốn sửa chữa, thì các đơn vị chỉ được giao khoán từng con đường riêng lẻ khiến việc duy tu các con đường trong địa bàn không đồng bộ và tốn kém hơn.
Trong khi tình trạng thiếu vốn làm ảnh hưởng đến việc duy tu đường thì mặt đường lại xuống cấp nhanh vì có quá nhiều đơn vị đào đường nhưng không có ai chịu trách nhiệm điều phối. Thống kê cho thấy năm 2011, các ngành điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông (điện thoại, truyền hình cáp...) đào hơn 300km đường. Năm nay, những ngành này tiếp tục các dự án lớn, đào 108km đường, chưa kể các dự án đào đường có quy mô nhỏ. Ngoài ra, các đơn vị đào đường đã tái lập mặt đường bê bối, rút ruột công trình khiến “hố tử thần” liên tục xuất hiện làm đường sá càng xuống cấp.
Các chuyên gia ngành giao thông cho rằng nếu bỏ 1 đồng vốn duy tu đường sẽ đem lợi đến 4 đồng thay vì để đường hư rồi mới sửa chữa. Điều này cho thấy việc duy tu đường sá đúng mức sẽ giảm được vốn đầu tư sửa chữa đường, tạo thuận lợi cho xe lưu thông tốt hơn và giảm tai nạn cũng như ùn tắc.
Hạ định mức duy tu đường, lợi bất cập hại Theo một lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, hiện nay do thiếu vốn, Sở GTVT TP đã hạ mức khoán duy tu cầu đường thấp hơn 10-25% so với định mức, định ngạch về duy tu. Việc hạ mức khoán duy tu sẽ giúp có thêm vốn để duy tu, sửa chữa thêm nhiều cầu, đường nhưng cũng sẽ khiến chất lượng duy tu không đảm bảo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận