Tại Bình Dương, gia đình người bệnh phản ánh phải tự mua nhiều vật tư như găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, bơm kim tiêm, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, drap trải giường phẫu thuật.
Tại Bình Phước, bệnh nhân cũng nhận được yêu cầu tự mua gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp, nẹp khóa mâm chày. Trong khi theo quy định, các vật tư này đều được bảo hiểm y tế chi trả.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, phó giám đốc bệnh viện - ông Trịnh Ngọc Hải - cho hay điều kiện sau đại dịch COVID-19, nguồn cung ứng nhiều mặt hàng thuốc, vật tư y tế của các nhà sản xuất gián đoạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện Nhi trung ương.
Ông Dương Đức Hùng - giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cũng cho rằng không riêng gì ngành y tế, mà nhiều ngành khác cũng gặp khó khăn trong việc mua sắm đầu tư công.
Theo ông Hùng sau dịch COVID-19, số bệnh nhân đến khám, phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức tăng lên khoảng 200% so với thời gian dịch COVID-19, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được mua vượt 130% thuốc, vật tư.
"Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng đó nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện" - ông Hùng nói.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ - giám đốc bệnh viện - cũng cho hay hiện nay hầu hết các thuốc thiết yếu tại bệnh viện cơ bản đã đảm bảo.
"Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một thời điểm nhất định thiếu các loại vật tư tiêu hao, thuốc mang tính chất cục bộ. Nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan như đứt chuỗi cung ứng. Trong đó, một số vật tư tiêu hao, thuốc đã trúng thầu nhưng nhà thầu chưa cung ứng được do đứt chuỗi. Hoặc một số loại thuốc sản xuất trong nước nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu", ông Cơ nêu.
Thành lập các hội đồng đấu thầu, mua sắm
Các bệnh viện đều cho rằng để giải quyết các vấn đề về đấu thầu, mua sắm tại cơ sở y tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách như nghị quyết 30, nghị định 07, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế… Những chính sách này đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, cùng với việc xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, bệnh viện đã thành lập hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm.
Các hội đồng nhỏ như hội đồng mua sắm thuốc, hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; hội đồng mua sắm vật tư - sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập song song để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế…
Sau đó, bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng.
Còn tại Bệnh viện Việt Đức, ông Hùng cho hay cả ban giám đốc, các phòng ban liên quan đều phải vào cuộc và có hỗ trợ từ các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương, tính đến thời điểm này của năm 2023, bệnh viện đã tổ chức nhiều đợt lựa chọn nhà thầu, đã tiến hành đấu thầu, mua sắm thành công theo quy định hiện hành hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những trường hợp khó.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay riêng đối với thiết bị vật tư đã trúng thầu hơn 1.700 tỉ, thuốc là 2.000 tỉ. Để có được kết quả đấu thầu kịp thời, theo ông Cơ, đó là đoàn kết trong nội bộ và công tác phòng chống tham nhũng.
Theo các bệnh viện, ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao để mua được máy móc, thuốc, vật tư. Vì vậy, cần các quy định mua sắm có tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận