14/12/2017 10:55 GMT+7

Thiếu thuốc bảo hiểm, người dân thiệt hại

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ  - THÀNH NHƠN
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ - THÀNH NHƠN

TTO - Thời gian gần đây, một số tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp… xảy ra tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế khiến người dân rất bức xúc.

Nguyên nhân là do giữa hai kỳ mở thầu cung ứng thuốc của các địa phương này, số lượng thuốc bị thiếu hụt.

Thiếu thuốc bảo hiểm, người dân thiệt hại - Ảnh 1.

Lấy thuốc bảo hiểm y tế tại TTYT huyện Tân Phú Đông - Ảnh: Mậu Trường

Vấn đề ở đây là các đơn vị của cơ sở y tế chưa chủ động để xử lý tình huống như hướng dẫn của sở y tế, đồng thời không có giải thích cặn kẽ cho người bệnh. Vấn đề này chúng tôi xin được rút kinh nghiệm

BS Trần Thanh Thảo

Người bệnh tốn thêm tiền

Ngày 12-12, bà Nguyễn Thị N. (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) cho biết bà bị viêm khớp đã nhiều năm nay nên hầu như tháng nào cũng đến Trung tâm y tế huyện Tân Phú Đông để khám, lấy thuốc về uống. 

Tuy nhiên, trong tháng 10 và 11-2017, khi đến quầy phát thuốc bảo hiểm y tế của trung tâm này để nhận thuốc thì các nhân viên y tế ở đây cho biết một số loại thuốc đã hết và đề nghị mua bên ngoài. 

"Do thuốc phải uống liên tục nên tôi cũng ráng mượn tiền để mua thuốc bên ngoài uống. Gần 2 tháng mua thuốc bên ngoài tôi phải tốn hơn 1 triệu đồng", bà N. nói.

Tương tự, bà Lê Thị Ngọc H., ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bị bệnh đái tháo đường mãn tính. Khi đến một cơ sở y tế tại TP Mỹ Tho để lấy thuốc thì bị giảm 1 loại so với trước đây. Khi thắc mắc với bác sĩ, bà H. được trả lời là một trong số loại thuốc bà uống đã hết nên không đưa vào trong toa.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp người bệnh khám bảo hiểm y tế bị ảnh hưởng do thiếu thuốc. Theo quy định, khi bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế mà phải mua thuốc bên ngoài thì sẽ được thanh toán lại tiền. Tuy nhiên không mấy người biết rõ điều này và cũng không được hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, theo một giám đốc trung tâm y tế tại Tiền Giang, các điều kiện để người bệnh mua thuốc bên ngoài được bảo hiểm y tế thanh toán là rất khó thực hiện, ví dụ như phải có hóa đơn đỏ khi mua thuốc. Thậm chí do thiếu thuốc nên khi kê toa chỉ cho bệnh nhân một số loại thuốc điều trị chính, còn thuốc hỗ trợ thì cắt giảm. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình điều trị.

Sắp tới ngành y tế sẽ tiến hành hợp nhất bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện và trung tâm dân số huyện thành một đơn vị, như vậy khâu điều phối thuốc sẽ chủ động và nhanh hơn. Ngành y tế cũng sẽ xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép thủ trưởng đơn vị được mua tân dược với gói dưới 100 triệu

BS Nguyễn Lâm Thái Thuận

Hàng loạt nguyên nhân

Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa IX, BS Trần Thanh Thảo - giám đốc Sở Y tế Tiền Giang - thừa nhận vấn đề thiếu thuốc bảo hiểm y tế giữa hai kỳ mở thầu là điều không tránh khỏi. 

"Do có một số thuốc không có nhà thầu tham dự, một số loại thuốc thì có tham dự nhưng không trúng thầu. Bên cạnh đó có một số trường hợp tự động lấy đơn thuốc của tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tỉnh về trạm y tế xã lấy thuốc uống nhưng ở trạm y tế tuyến xã không có thuốc đó" - BS Thảo nói.

Theo BS Nguyễn Lâm Thái Thuận - giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, tình trạng thiếu thuốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự thay đổi nội dung của các thông tư, thời gian xét thầu kéo dài cũng như tình hình bệnh tật có nhiều thay đổi. 

Dẫn thông tư mới của Bộ Y tế về quy định số lượng thuốc được mua vượt kế hoạch trong năm không được quá 20% số lượng thuốc trước đó đã trúng thầu, ông Thuận cho biết Sở Y tế thường căn cứ vào tình hình bệnh tật năm qua, dự báo năm tới để ước lượng số lượng thuốc tham gia thầu. Tuy nhiên do diễn biến bệnh tật thay đổi nên dẫn đến tình trạng thừa, thiếu thuốc. 

Ngoài ra theo thông tư 58 ban hành năm 2016 của Bộ Tài chính thay thế cho thông tư cũ thì thủ trưởng đơn vị, cụ thể là giám đốc bệnh viện, chỉ được mua hóa chất, trang thiết bị chứ không được mua tân dược với gói dưới 100 triệu đồng.

"Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thiếu thuốc là bệnh nhân gia tăng ở các tuyến và việc thông tuyến khám chữa bệnh mặc dù tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng lại khiến một số cơ sở y tế không chủ động được do lượng bệnh nhân tăng nhanh" - BS Thuận chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế trong thời gian tới, BS Thảo cho biết sẽ hướng dẫn các đơn vị, bộ phận liên quan xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc một cách cặn kẽ để tránh tình trạng thiếu thuốc giữa hai kỳ mở thầu.

Còn tại Đồng Tháp, theo BS Thuận thì để tránh tình trạng thiếu thuốc diễn ra cục bộ thời gian qua, Sở Y tế sẽ chủ động thông tin về thời gian đấu thầu, các tình huống xảy ra có thể kéo dài thời gian đấu thầu để các cơ sở y tế có thể chủ động dự trữ thuốc. 

Ngoài ra sẽ tiến hành luân chuyển thuốc giữa các bệnh viện, từ bệnh viện đến các trạm y tế và giữa các trạm y tế với nhau. Đồng thời có thể thay thế loại thuốc thiếu bằng một loại thuốc khác có cùng hoạt chất.

Thiếu nhiều loại thuốc

Bác sĩ Phạm Văn Lực - giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang - cho biết trong gần 2 tháng, hầu hết các loại thuốc tại trung tâm này đều bị thiếu. Mỗi ngày trung tâm này có trên 100 người đến khám và hầu hết các trường hợp này khám bảo hiểm y tế.

Thời điểm thiếu thuốc, các bác sĩ đã chữa cháy bằng nhiều cách khác nhau như ai có loại thuốc mà trung tâm y tế thiếu thì mang đến cho bệnh nhân, thậm chí bỏ tiền túi để mua thuốc về phát cho bệnh nhân.

Tại Đồng Tháp, tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế diễn ra đỉnh điểm vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 tại một số bệnh viện và trạm y tế, trong đó chủ yếu là các loại thuốc thông thường như paracetamol, vitamin, thuốc kháng viêm...

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ - THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp