Sách gíáo khoa theo chương trình VNEN - Ảnh: T.V.Tám |
Nguyên nhân do sách giáo khoa (SGK) theo chương trình này chỉ được cung cấp thông qua đăng ký của từng sở GD-ĐT tỉnh, thành, trong khi số học sinh dự kiến và sĩ số học sinh thực tế tại các trường vênh nhau.
Học sinh thiếu sách, giáo viên thiếu tài liệu
Sau hai năm triển khai dự án VNEN tại Trường tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi, TP.HCM), năm nay là năm đầu tiên TP.HCM nhân rộng mô hình này đến các trường tiểu học. Toàn TP có 51 trường thuộc năm huyện ngoại thành (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè) thực hiện VNEN theo tinh thần tự nguyện. Ngày 18-9, tại buổi tập huấn VNEN của Sở GD-ĐT TP.HCM cho các trường này, không ít khó khăn, vướng mắc đã được nêu lên.
Theo một số phó hiệu trưởng, khối trưởng của 51 trường nhân rộng mô hình VNEN, sĩ số học sinh/lớp ở các huyện này quá cao. Tại huyện Hóc Môn, nhiều trường tiểu học bình quân 50 em/lớp, cá biệt Trường tiểu học Tây Bắc Lân có lớp lên đến 60 em. Tại huyện Bình Chánh, nhiều trường cũng than lớp có sĩ số học sinh cao nên khó khăn trong việc tổ chức nhóm học tập. Thế nên, khi tổ chức dạy học theo VNEN đã xảy ra hiện tượng học sinh yếu chép bài của học sinh khá giỏi.
Riêng tại huyện Nhà Bè, chuyên viên Phòng GD-ĐT tỏ ra rất bức xúc trước việc đến nay đã năm tuần học trôi qua nhưng nhiều học sinh lớp 2, 3 tại các trường theo mô hình VNEN của huyện không có sách học.
Trường phải mượn SGK theo chương trình này photocopy cho các em học, học sinh vừa tốn tiền mà trang sách không rõ ràng, lem luốc... Trong khi đó, các giáo viên phàn nàn về việc không biết lấy tài liệu nào để tham khảo khi dạy theo mô hình VNEN.
Trước những thắc mắc của giáo viên, đại diện phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết giáo viên cần linh động trong việc chia nhóm tùy vào sĩ số lớp học. Nếu lớp quá đông thì nên tổ chức cho hai học sinh ngồi bàn trên quay mặt lại phía sau cùng với hai học sinh ngồi bàn dưới tạo thành nhóm bốn.
Ngoài ra, hình thức nhóm học tập cũng nên thường xuyên thay đổi để vị trí mỗi học sinh được thay đổi, tránh các bệnh học đường. Riêng về tài liệu, giáo viên có thể sử dụng tài liệu tham khảo của SGK hiện hành vì cơ bản nội dung SGK theo mô hình VNEN cũng giống với SGK hiện nay.
Dạy cùng lúc 2 bộ sách
Mặc dù phó hiệu trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán của các trường thực hiện nhân rộng mô hình VNEN đã được tập huấn chuyên môn từ tháng 5-2014, nhưng đến nay không ít giáo viên vẫn tỏ ra lúng túng. Không ít giáo viên cho biết đôi lúc còn lẫn lộn giữa cách dạy VNEN với cách dạy đã quen thuộc lâu nay.
Nguyên nhân là hiện nay chỉ ba môn có SGK của VNEN: toán, tiếng Việt, tự nhiên và xã hội, còn các môn khác như: âm nhạc, đạo đức, mỹ thuật, thể dục, thủ công giáo viên vẫn dạy SGK hiện hành. Sách chương trình VNEN thì giáo viên không cần soạn giáo án, các môn còn lại vẫn dạy theo phương pháp cũ vì trình bày của SGK không giống VNEN.
Giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn do không được tập huấn dạy theo VNEN. Họ phải bám theo hai chương trình, có hai bộ SGK nên phương pháp tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy, quy trình dạy của giáo viên không giống nhau, lúc dạy theo mô hình mới, lúc dạy theo phương pháp truyền thống...
Để giáo viên thích ứng dạy lớp học theo VNEN, lên lớp quen với các hoạt động, hình thức dạy toàn bộ các môn học theo VNEN, giáo viên cần có thời gian trao đổi, tập huấn, học tập, dự giờ, nếu không khi dạy chắc chắn sẽ còn lúng túng, nhầm lẫn.
Sách thử nghiệm nên không ra thị trường Ông Vũ Bá Khánh - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (NXB Giáo dục VN), đơn vị thực hiện in ấn, phát hành SGK VNEN - cho biết hiện chưa thấy TP.HCM đăng ký thêm sau khi chuyển sách đợt 1 (ngày 6-8-2014). Chỉ có Hà Nội và Sóc Trăng đăng ký bổ sung SGK VNEN cho năm học này nhưng với số lượng chỉ 1.000 - 2.000 cuốn. Công ty có SGK dự phòng nên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các tỉnh, thành chỉ sau 3-5 ngày đăng ký bổ sung. Ông Khánh cho biết thêm ông đã khuyến cáo các sở GD-ĐT không nên photocopy SGK vì khi photocopy thì không đảm bảo chất lượng SGK mà giá lại đắt so với giá SGK. SGK VNEN hiện chỉ là sách thí điểm của Bộ GD-ĐT, mang tính thử nghiệm nên chỉ trường nào nhân rộng và đăng ký qua sở GD-ĐT tỉnh, thành thì đáp ứng, không bán rộng ra thị trường. MỸ DUNG |
Thiếu sách giáo khoa do học sinh chuyển từ nơi khác đến Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), giải thích năm học này toàn TP.HCM có 51 trường triển khai nhân rộng mô hình VNEN, trong đó Củ Chi có 18 trường, Nhà Bè 12 trường, Cần Giờ 15 trường, Bình Chánh 3 trường, Hóc Môn 3 trường. Theo đó, học sinh khối lớp 2 có trên 7.000 em, khối lớp 3 trên 3.000 em, học sinh lớp 4 gần 1.000 em, còn lớp 5 chỉ có tại Trường tiểu học Tân Thông. SGK theo mô hình VNEN của năm học này được các trường đăng ký từ tháng 4-2014 nên hiện nay một số nơi còn thiếu vài chục quyển do tình hình học sinh biến động từ nơi khác chuyển đến. Hiện nay bộ phận cung cấp sách đã liên hệ với NXB Giáo Dục để cung cấp đầy đủ sách đến cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất. Mô hình VNEN ở TP.HCM được thực hiện từ năm học 2011-2012. Sau khi xem xét mô hình và cân nhắc, sở đã xác định bước đi của TP như sau: năm 2013-2014 sở giới thiệu đến toàn TP mô hình này qua việc tổ chức hai hội thảo, đồng thời đề nghị các quận, huyện tiến hành áp dụng tinh thần VNEN vào việc giảng dạy, tổ chức lớp học. Có 84 trường đăng ký áp dụng tinh thần VNEN trong năm học 2013-2014. Lộ trình tiếp theo là năm học 2014-2015 mở rộng cho các trường dạy hai buổi/ngày và tự nguyện tham gia tại năm huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Lộ trình tiếp theo là đến năm học 2015 - 2016 sẽ triển khai đến các quận còn lại trên tinh thần tự nguyện tham gia. MỸ DUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận