26/01/2016 09:05 GMT+7

Thiếu nơi ươm mầm cho kịch sĩ nhí

LINH ĐOAN - HOÀNG LÊ
LINH ĐOAN - HOÀNG LÊ

TT - Ngày 24-1, đội kịch Tuổi Ngọc kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây được xem là đội kịch có tuổi đời lâu năm nhất tại TP.HCM hiện vẫn còn hoạt động.

 

Các em thiếu nhi diễn kịch trong chương trình Ngôi nhà tuổi thơ diễn tại rạp Đại Đồng, TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Nguyễn Lộc
Các em thiếu nhi diễn kịch trong chương trình Ngôi nhà tuổi thơ diễn tại rạp Đại Đồng, TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Nguyễn Lộc

Khi cần những diễn viên nhí cho phim của mình, nơi mà tôi đến tìm đến đầu tiên là đội kịch Tuổi Ngọc và một số các CLB thiếu nhi khác, bởi các em được cọ xát diễn xuất thường xuyên. Việc duy trì và phát triển các CLB kịch thiếu nhi là việc làm hết sức cần thiết

Đạo diễn PHƯƠNG ĐIỀN

Sân khấu Nhà Thiếu nhi Q.1 không còn một chỗ trống. Trong suốt ba giờ, năm vở kịch tiêu biểu cho từng giai đoạn của Tuổi Ngọc được các thành viên nhiều thời kỳ diễn lại: Cái nón, Bao Công xử án cây kẹo rớt, Karaoke, Mẹ Khỉ, Thằng quỷ nhỏ.

Một thời Tuổi Ngọc...

Chị Thanh Hương, Việt kiều Úc, sau khi diễn xong Cái nón nước mắt lưng tròng kể: “Cách đây gần 30 năm trước tôi từng diễn vở này. Nay được diễn lại cảm thấy rất xúc động, bao nhiêu kỷ niệm ùa về”.

Ngồi ở góc sân khấu, cựu thành viên Thụy Vũ dẫn cả hai con còn bé xíu say sưa theo dõi các trích đoạn. Người mẹ trẻ dù không còn theo nghiệp diễn nhưng mỗi năm cô đều trở về dịp sinh nhật Tuổi Ngọc để gặp gỡ các thầy và những người bạn.

Vũ Thanh Bình - thành viên tham gia sinh hoạt lâu nhất trong Tuổi Ngọc, từng ghi dấu ấn với vai Mừng trong bộ phim Tuổi thơ dữ dội - hiện sinh sống tại Mỹ cũng quyết định mua vé máy bay trở về VN sớm hơn dự định để kịp đến dự sinh nhật Tuổi Ngọc.

Ông bầu Nụ cười mới, nghệ sĩ Văn Long, trưởng thành từ đội kịch thiếu nhi Nhà Thiếu nhi Q.Tân Bình, kể:

“Tôi tham gia đội kịch từ năm 14, 15 tuổi. Lúc đó tôi nhát lắm nhưng học riết rồi bắt đầu đam mê. Nhờ học ở đó mà tôi không còn nhút nhát, tính tình dạn dĩ hơn.

Sau này khi tốt nghiệp lớp 12, tôi quyết định thi vào Trường Sân khấu - điện ảnh và theo nghiệp diễn cho đến hôm nay. Bây giờ có quá nhiều loại hình giải trí, phụ huynh đăng ký cho con học các lớp ngoại khóa thường ưu tiên các lớp năng khiếu thời thượng, đỡ cực nhọc mà có cơ hội nhanh được biết đến”.

Đạo diễn Lê Cường - từng chủ xị đội kịch Tuổi Ngọc từ những ngày đầu thành lập và nay tiếp tục giữ vai trò cố vấn - vui vẻ cho biết: “Đây là hoạt động thường niên của đội kịch rồi. Năm nào các em cựu thành viên cũng tề tựu về để gặp mặt nhau, cũng diễn với nhau những trích đoạn để ôn lại kỷ niệm xưa. Vui lắm!”.

Vui là vui đó nhưng ông thừa nhận: “Dù vẫn hoạt động đều đặn hai nhóm năng khiếu, nhưng Tuổi Ngọc đã không còn nổi đình nổi đám như trước”. Mà không chỉ có Tuổi Ngọc, các đội kịch thiếu nhi hiện nay cũng lâm vào cảnh tương tự.

Trong đội ngũ nghệ sĩ hiện nay ở TP.HCM có nhiều thành viên trưởng thành từ đội kịch thiếu nhi ở Nhà Thiếu nhi Q.Tân Bình năm xưa như: Hoàng Mập, Văn Long (ông bầu sân khấu Nụ cười mới), Tiến Luật, Lê Hoàng, Lê Nam, Minh Trọng... Những diễn viên, ca sĩ, MC hiện đang được nhiều người biết đến như Hoàng Phi, Ngọc Trai, Mai Phương, Vũ Long, Phi Long, Lý Thanh Thảo, đạo diễn Chánh Trực, Tấn Phát, ca sĩ Hạnh Nguyên... đều “ra lò” từ Tuổi Ngọc.

“Xẹp” vì đầu vào tốn kém, đầu ra khó khăn

Đạo diễn Hoàng Duẩn, phụ trách chuyên môn đội kịch rối One - Two - Three của Nhà Thiếu nhi Q.Tân Bình, cho biết các đội, nhóm, CLB kịch nói thiếu nhi ở các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi nói riêng và cả thành phố nhìn chung đang “xẹp” dần bởi có nhiều lý do: nguồn kinh phí đầu tư ngày càng hạn hẹp, điểm diễn không có, các em không được diễn, không được thực hành thì cũng sẽ chán, không muốn học. Nhà trường, phụ huynh không mặn mà...

NSƯT Trịnh Kim Chi mở lớp đào tạo diễn viên được mấy năm nay, trong đó có vài lớp dành cho học viên nhí.

Chị thẳng thắn nhìn nhận: “Để thành lập được CLB, đội, nhóm kịch hoạt động như Tuổi Ngọc ngày xưa trong điều kiện hiện nay thật sự là rất khó, bởi vì bây giờ các bé vướng lịch học quá nhiều. Lớp chúng tôi tổ chức vào các chiều thứ bảy, chủ nhật trong tuần thôi mà gia đình cũng xin nghỉ hoài vì kẹt lịch học”.

MC Trúc Thy - giám đốc Công ty Ngôi nhà tuổi thơ - từng mạnh dạn thuê các địa điểm như rạp Đại Đồng, sân khấu 5B... để tổ chức các chương trình Ngôi nhà tuổi thơ diễn định kỳ phục vụ khán giả nhí - trong đó ưu tiên nhiều tiểu phẩm kịch thiếu nhi - nhưng giờ cũng tạm ngưng, chỉ nhận các sô diễn theo hợp đồng và tham gia các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi.

Cô tâm sự: “Để tập được một vở kịch thiếu nhi mất rất nhiều thời gian và công sức, đầu tư lại tốn kém nhưng đầu ra lại khó khăn. Nói về mặt kinh tế là không ổn!”.

Hiện các lớp học tại Ngôi nhà tuổi thơ có khoảng 100 em thiếu nhi trong độ tuổi từ 4-12 nhưng trên tinh thần là các em vẫn được dạy theo hướng đa năng chứ không thể chỉ chuyên diễn kịch.

Cần nhà hát riêng cho thiếu nhi

Có một thời Tuổi Ngọc có những buổi diễn hoành tráng tại Nhà Thiếu nhi Q.1 chủ nhật hằng tuần, được đông đảo khán giả nhiệt tình hưởng ứng nhưng dần cũng không thể duy trì vì nhiều lý do.

“Chung quy là các CLB thiếu nhi hiện nay không theo kịp sự biến đổi của xã hội. Mặt khác, kịch bản sân khấu thiếu nhi ngày càng ít về số lượng và chất lượng. Các chương trình thiếu nhi trên truyền hình giờ khá nhạt, không hấp dẫn như xưa nữa.

Để giúp các em có cơ hội cọ xát khả năng diễn xuất, những người phụ trách các CLB thiếu nhi phải có mối quan hệ tốt với các đoàn phim, đài truyền hình để khi họ cần diễn viên nhí thì mình có thể đáp ứng được” - đạo diễn Lê Cường thẳng thắn.

Nhưng chuyện diễn kịch không chỉ có vậy. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho rằng các CLB, đội, nhóm kịch thiếu nhi nếu phát triển tốt sẽ tạo điều kiện phát hiện sớm những năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ để có kế hoạch đào tạo, phát triển trong tương lai.

“Việc diễn xuất cần sự linh hoạt, thích ứng với mọi tình huống nên cũng giúp cho các em mạnh dạn, nhanh nhạy hơn và mở rộng thêm kiến thức...” - đạo diễn Hoàng Duẩn nhấn mạnh.

Nên điều quan trọng đối với Hoàng Duẩn hiện nay là chúng ta nên có một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi, bởi “khi có một nhà hát riêng, các loại hình nghệ thuật, không riêng gì kịch nói, sẽ có điều kiện được đầu tư và phát triển chỉn chu hơn!”.

Đồng quan điểm, đạo diễn Lê Cường nói:

“Đúng là phải có chỗ diễn nghiêm túc thì các em mới có thể có cơ hội được cọ xát, nâng cao khả năng diễn xuất. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách để sân khấu Tuổi Ngọc có thể tiếp tục sáng đèn trong tương lai”.

Trích đoạn Thằng quỷ nhỏ do cựu thành viên nhóm Tuổi Ngọc biểu diễn nhân kỷ niệm 30 năm Tuổi Ngọc - Ảnh H.Lê
Trích đoạn Thằng quỷ nhỏ do cựu thành viên nhóm Tuổi Ngọc biểu diễn nhân kỷ niệm 30 năm Tuổi Ngọc - Ảnh H.Lê
LINH ĐOAN - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp