Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Trần Thanh Mẫn - phó chủ tịch thường trực Quốc hội, ông Trần Hồng Hà - phó thủ tướng và anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
"Chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội trẻ em" điều hành phiên họp
263 đại biểu trẻ em giương cao lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới cùng các bạn nhỏ trình diễn những tiết mục văn nghệ thiếu nhi tạo nên không khí sôi động, vui tươi tại hội trường Diên Hồng.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một phiên họp giả định mang tên "Quốc hội trẻ em", do các bạn nhỏ đóng vai Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội, các bộ trưởng.
Điều hành phiên họp là các bạn nhỏ tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực đóng vai các vị trí chủ chốt: em Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) - "chủ tịch Quốc hội trẻ em", em Lê Quang Vinh (Hòa Bình) - "phó chủ tịch thường trực Quốc hội trẻ em". Các "phó chủ tịch" gồm Đàm Hà My (Bắc Giang), Kiều Quang Huy (Bình Thuận), Nguyễn Thế Mạnh (Tuyên Quang).
Thay mặt "Quốc hội trẻ em", "Chủ tịch Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên cho biết phiên họp "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023 diễn ra vào thời điểm trẻ em cả nước đang náo nức tựu trường, đón chào năm học mới 2023 - 2024. Phiên họp có ý nghĩa quan trọng thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn, những ý kiến của cử tri trẻ em tại địa phương, "Quốc hội trẻ em" đề nghị các "đại biểu" tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến nhằm đề ra các giải pháp đối với những vấn đề nóng gây bức xúc trong xã hội liên quan tới trẻ em.
Nỗi ám ảnh của trẻ em: bạo lực, xâm hại, đuối nước
Tại phiên họp giả định, hai vấn đề về trẻ em nhức nhối trong suốt thời gian qua được đưa ra thảo luận, gồm: "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".
Hoàng Trà My (Nghệ An) đưa ra một kết quả khảo sát trên 41.000 cử tri trẻ em, cho thấy có gần 12% trẻ em cho rằng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em thỉnh thoảng xảy ra.
Các hành vi xâm hại như tát, đấm, đá, xúc phạm danh dự được đánh giá là xảy ra ở mức độ đặc biệt cao trên 30%; 23,6% trẻ từng bị tai nạn thương tích, nhiều vụ tai nạn giao thông và đuối nước rất thương tâm.
"Nhiều học sinh không dám tố cáo vụ việc do sợ bị trả thù. Nhiều học sinh chưa biết đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tỉ lệ các vụ việc tố cáo do trẻ em chỉ chiếm 40%, nhiều trẻ em thiếu tin tưởng vào sự hỗ trợ của tổng đài hoặc lúc bị xâm hại, bạo lực hốt hoảng không nghĩ ra để tố cáo" - My phát biểu.
Trên cơ sở đó, "đại biểu" My đề xuất các địa phương cần quan tâm trang bị các biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, các ngã ba, ngã tư tại các thôn xóm.
Cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ, đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường.
Đặc biệt cần hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan, chức năng.
Drama thu hút trẻ trên mạng, giải quyết thế nào?
"Đại biểu" Khúc Trà Giang (Hải Phòng) chỉ ra thực tế trẻ em hiện nay tiếp xúc nhiều trên mạng xã hội, nội dung thu hút các bạn chủ yếu là các câu chuyện drama, các tựa game, các xu hướng, trào lưu như chụp ảnh chuyển qua anime, qua truyện…
"Khi bị bạo lực mạng, các bạn không dám báo cho người lớn vì có nhiều trường hợp đối tượng đi bắt nạt tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục trả thù" - Trà Giang nói.
Để giải quyết tình trạng trên, "đại biểu" đề xuất một số giải pháp như đề nghị nhà trường đưa nội dung an toàn trên không gian mạng vào các bộ môn trong trường học như giáo dục công dân, tin học.
Chú trọng hơn trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em có thể tự bảo vệ bản thân và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; có các chương trình tập huấn cho phụ huynh về an toàn mạng và kỹ năng quản lý con cái sử dụng mạng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cần đổi mới, sử dụng những bài đăng ngắn hay các mẩu chuyện đối đáp, bức tranh sống động cùng với những lời thoại súc tích, dễ hiểu để trẻ em có thể hiểu biết thêm về các bộ luật.
"Đại biểu" Trà Giang cũng đưa ra giải pháp cho trẻ cần lập thời khóa biểu phù hợp, kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của chính mình, tham gia các hoạt động của trường lớp, hạn chế xem điện thoại quá nhiều…
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội trung ương - cho rằng phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" là cơ hội cho các em được tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi một cách có hệ thống về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, đặc biệt là những hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đồng thời các em được ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào việc phân tích những vấn đề hiện tại của trẻ em, xây dựng giải pháp cho chính mình với cách nhìn toàn diện hơn từ việc học hỏi những kỹ năng của các đại biểu Quốc hội và thể hiện ngay tại hội trường Diên Hồng của Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận