Các chuyên gia cho rằng môi trường làm việc ở khách sạn vất vả, lao động chịu áp lực nhưng lương lại không cao - Ảnh: N.BÌNH
Dù nhận cả người chưa có kinh nghiệm, phải đào tạo từ đầu nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự ngành khách sạn từ sau dịch COVID-19 vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý, cơ sở lưu trú du lịch.
Sau 4 tháng mở cửa lại hoàn toàn thị trường, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã hoạt động bình thường và dự báo đến cuối năm sẽ mở cửa toàn bộ để kịp thời đón khách quốc tế vào quý 4-2022.
Chỉ riêng tháng 6 và 7, hai tháng cao điểm nhất đón khách nội địa, công suất phòng các ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%.
Khu vực nghỉ dưỡng biển công suất bình quân cao hơn trên 60%, cuối tuần từ 70% đến 95%, một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%. Dự báo quý 4-2022 sẽ tăng số khách quốc tế lưu trú so với thời điểm hiện nay.
Đưa ra bức tranh hồi phục của ngành khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch những tháng đầu năm tại hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn" được tổ chức ngày 9-8 ở TP.HCM, bà Nguyễn Thanh Bình - phó vụ trưởng Vụ khách sạn Tổng cục Du lịch - cho rằng ngược với sự sôi động đó, nguồn nhân lực cho ngành khách sạn hiện tại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019.
Hiện lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 50%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt thiếu nhân sự vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần.
"Cơ cấu nhân sự của ngành khách sạn cũng chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng, miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định", bà Bình nêu thực trạng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - giám đốc kinh doanh Tập đoàn Silk Path - đồng tình với nhận định sau dịch chất lượng nhân sự rất thấp, đa phần thiếu kinh nghiệm, không được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Hơn thế nữa, trong cuộc khủng hoảng nhân sự hậu dịch, có tình trạng các khách sạn giành giật nhân lực, nhân tài, thậm chí đi “cướp” của nhau.
Trong khi đó, đặc thù của cơ sở lưu trú du lịch là cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung, liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề. Chất lượng cơ sở lưu trú du lịch phụ thuộc nhiều vào năng lực người lao động, đặc biệt là quan điểm, tư duy, kỹ năng nghề...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho biết ngành du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay, khi rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ráo riết tìm kiếm lao động.
Theo các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn vì nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới như tư vấn bảo hiểm hay hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quyết Thắng - trưởng khoa quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - lại cho biết ngay cả trường học cũng gặp khó về công tác tuyển sinh cho ngành này. Sau dịch, nhiều gia đình không còn mặn mà cho học sinh làm du lịch vì ngại rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận