Trường ĐH Đồng Nai phải đóng cửa nhiều ngành học trong kỳ tuyển sinh năm nay do thiếu người học - Ảnh: A LỘC |
“Sở dĩ các ngành sư phạm tuyển khó khăn bởi cơ hội việc làm khi ra trường không nhiều. Điều này khiến người học thờ ơ với nhóm ngành này. Nguồn tuyển năm nay bị hạn chế còn bởi ngày càng có nhiều loại hình trường khác nhau, học sinh đi du học nên nguồn tuyển bị chia sẻ. Ngoài ra, trước thông tin người tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp nên nhiều thí sinh chuyển sang học nghề |
TS Phạm Văn Thanh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai) |
Không chỉ các trường trung cấp, CĐ, trường ngoài công lập, mà ngay cả các trường ĐH công lập cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện tại, nhiều trường ĐH, CĐ tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 4 nhưng lượng hồ sơ vẫn rất hiếm hoi do nguồn tuyển không còn.
Hàng loạt ngành học thuộc các lĩnh vực khác nhau, kể cả các ngành miễn học phí như sư phạm cũng rơi vào cảnh không có người học.
Có ngành chỉ có... 3 thí sinh nhập học
Một phụ huynh có con trúng tuyển vào ngành xây dựng dân dụng & công nghiệp (bậc trung cấp) Trường CĐ Miền Nam phản ảnh: “Con tôi trúng tuyển, đã làm thủ tục nhập học, đóng đủ học phí cho trường vào ngày 30-8, chỉ chờ ngày học chính thức.
Thế nhưng ngày 7-10 trường gọi điện cho phụ huynh yêu cầu lên trường rút hồ sơ và học phí vì lượng học sinh nhập học quá ít, không đủ để mở ngành”.
“Tôi không cho con thi vào lớp 10 và chọn học trung cấp sau khi xong lớp 9. Giờ trường trả hồ sơ thì con tôi học ở đâu, dang dở biết bao nhiêu thứ và ảnh hưởng tâm lý nữa” - phụ huynh này bức xúc.
Đại diện nhà trường cho biết có hai ngành trung cấp không mở được ngành là sư phạm mầm non và xây dựng dân dụng & công nghiệp do quá ít thí sinh (chưa tới 10 thí sinh nhập học/ngành). Lúc các bạn nhập học, trường có tư vấn chờ thêm thời gian nữa xem có thêm thí sinh nhập học hay không.
Từ đó đến nay không có thêm thí sinh, nên trường buộc lòng phải hủy lớp và trả lại học phí cho thí sinh. Trường cũng đã tư vấn cho phụ huynh xét tuyển vào trường khác.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cũng đóng cửa hàng loạt ngành trong kỳ tuyển sinh năm nay do không có người học. Với những ngành có ít thí sinh nhập học, trường vận động sinh viên chuyển sang ngành khác.
Ông Lê Văn Vui - hiệu trưởng nhà trường - cho hay các ngành bậc CĐ như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, tin học ứng dụng, tiếng Anh thương mại, khoa học cây trồng có quá ít thí sinh nhập học nên không thể mở được ngành.
Đây là năm thứ hai liên tiếp ngành tài chính ngân hàng không thể mở do vắng người học.
Ngành quản trị kinh doanh năm nay chỉ có ba thí sinh nhập học nên trường vận động chuyển qua ngành kế toán; hai em đồng ý, một em từ chối và rút hồ sơ xét vào trường khác. Với 12 thí sinh đăng ký vào ngành tiếng Anh thương mại, trường cũng đang vận động để các em chuyển sang ngành khác.
“Không mở được ngành, trường gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm, trả lương cho cán bộ giảng viên khoa đó. Giảng viên sẽ phải làm các công việc của phòng ban và dạy các lớp không chính quy” - ông Vui nói thêm.
Đóng cửa hàng loạt ngành
Theo đánh giá của các trường, nhất là các trường CĐ, kỳ tuyển sinh năm nay khó khăn hơn rất nhiều so với năm trước. Đến thời điểm này, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long mới chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu.
ThS Trần Thanh Tùng - hiệu trưởng trường - cho hay năm nay số thí sinh nhập học thấp hơn nhiều so với năm trước. Các ngành khối kinh tế không thể mở được do vắng người học. Một số ngành có 4-5 thí sinh nhập học, trường cũng cố gắng mở để duy trì ngành học.
Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ cũng có ngành không mở được do không có sinh viên.
Không chỉ các trường CĐ, ngay cả các trường ĐH cũng rơi vào cảnh cửa mở nhưng không có người học. Trường ĐH Phú Yên vẫn đang tiếp tục xét tuyển bổ sung cho hầu hết các ngành bậc ĐH, CĐ của trường.
PGS.TS Nguyễn Huy Vị - phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, trường mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Chỉ có hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học (bậc CĐ) tuyển đủ chỉ tiêu, các ngành còn lại đều thiếu. Hiện trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, nhưng lượng thí sinh nộp hồ sơ rất ít. Một số ngành có thể sẽ phải cân nhắc có mở hay không”.
Đặc biệt, hầu hết các ngành khối sư phạm ở trường ĐH này đều thiếu trầm trọng người học.
“Năm 2014 trường tuyển vượt chỉ tiêu, năm 2015 tuyển gần 100% chỉ tiêu, nhưng năm nay quá bết dù điểm xét tuyển chỉ là 15. Sở dĩ các ngành sư phạm năm nay thiếu người học nhiều như vậy vì từ năm nay tỉnh quy định các ngành sư phạm chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại Phú Yên nên giới hạn nguồn tuyển, trong khi các năm trước tuyển sinh rộng rãi.
Hơn nữa, cách đây 10 năm, rất nhiều trường ĐH được thành lập mới. Từ đó đến nay, các trường đã đào tạo được một nguồn nhân lực khá đông đảo cho các tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, nhu cầu nhân lực nhiều ngành đã bão hòa hoặc dư thừa. Điều này cũng tác động đến quyết định lựa chọn bậc học, ngành nghề của thí sinh” - ông Vị nói thêm.
Tương tự, Trường ĐH Đồng Nai hiện cũng đang tiếp tục xét tuyển bổ sung, trong đó có các ngành sư phạm.
Trong đợt này, trường xét tuyển bổ sung bốn ngành, trong khi trước đó đã quyết định đóng cửa một số ngành học ở kỳ tuyển sinh năm nay. Các ngành sư phạm tin học, sư phạm sinh học, lịch sử và Việt Nam học phải đóng cửa do không có thí sinh. Một số thí sinh nhập học được vận động chuyển qua các ngành khác.
TS Phạm Văn Thanh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai - cho rằng sở dĩ các ngành sư phạm tuyển khó khăn bởi cơ hội việc làm khi ra trường không nhiều. Điều này khiến người học thờ ơ với nhóm ngành này.
Nguồn tuyển năm nay bị hạn chế còn bởi ngày càng có nhiều loại hình trường khác nhau, học sinh đi du học nên bị chia sẻ. Ngoài ra, trước thông tin người tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp nên nhiều thí sinh chuyển sang học nghề. Đó là lý do hệ nghề của trường tuyển sinh khá tốt.
Trường phải xin lỗi thí sinh Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết đến thời điểm này vẫn còn nhiều trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu và tiếp tục xét tuyển bổ sung. Việc trường cho thí sinh nhập học rồi yêu cầu rút lại học phí do không mở lớp được là lỗi của trường và trường phải xin lỗi thí sinh. Thời điểm này, thí sinh vẫn có thể xét tuyển vào các trường còn tuyển bổ sung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận