Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất - Ảnh: Thanh Đạm |
Đã mua hơn 82.000 tỉ đồng nợ xấu
Theo ông Giàu, cho đến nay đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém.
Việc cơ cấu lại được triển khai trong tất cả tổ chức tín dụng (TCTD), an toàn hệ thống các TCTD được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện.
Các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt và chi phối thị trường theo định hướng nêu trong đề án tái cơ cấu. Đang tiến hành rà soát, đánh giá xác định và xem xét cho giải thể, phá sản một số TCTD phi ngân hàng.
"Hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm an toàn và thực hiện tốt vai trò tương trợ giữa các thành viên, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn” - ông Giàu cho biết.
Kết quả giám sát cho thấy việc xử lý nợ xấu NHTM đạt được kết quả ban đầu: Từ năm 2012 đến tháng 8-2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỉ đồng nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8-2014: 3,9%.
Ngoài ra, còn có 316.200 tỉ đồng giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 9-2014, VAMC đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỉ đồng từ các TCTD, bán được 1.400 tỉ đồng nợ xấu.
Nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng
Đánh giá về những bất cập, yếu kém, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Các giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu chưa được triển khai đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu DNNN và đầu tư công gắn với tái cơ cấu TCTD.
Năng lực cạnh tranh của nhiều TCTD chưa cải thiện đáng kể, chưa áp dụng phổ biến chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) còn gặp một số vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ này; thiếu cơ chế, nguồn lực tài chính cho việc xử lý nợ xấu”.
Đặc biệt sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.
"Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD cũng như toàn hệ thống, gây trở ngại đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD”.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận xét các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất; chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Nguyên nhân chủ quan của tình trạng trên đây được chỉ ra là “một số giải pháp tái cơ cấu các TCTD ở mức độ xử lý những vấn đề trước mắt, chuẩn mực và thông lệ quốc tế chưa được áp dụng phổ biến.
Năng lực thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với thị trường tài chính còn hạn chế, sự phối hợp chưa tốt.
Khách hàng vay cũng chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường. Năng lực hoạt động của VAMC có hạn, thiếu nhiều nghiệp vụ.
Các đại biểu Quốc hội dành cả ngày hôm nay 1-11 để thảo luận về kết quả tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Tuổi Trẻ sẽ sớm thông tin đến bạn đọc.
Chưa có chuyển biến đột phá Tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu nhà nước còn chồng chéo, quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới. Một số giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các giải pháp tái cơ cấu DNNN và đầu tư công. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD còn chậm. (Trích báo cáo kết quả giám sát) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận