21/03/2024 09:03 GMT+7

Thiếu máy bay do bảo dưỡng, đi lại ra sao?

Các hãng hàng không đang sụt giảm mạnh đội máy bay do phải kiểm tra động cơ và bảo dưỡng, thậm chí có hãng bay không còn máy bay để khai thác.

Pacific Airlines chính thức không còn máy bay hoạt động từ ngày 18-3 do trả toàn bộ máy bay cho chủ tàu nước ngoài - Ảnh: T.T.D.

Pacific Airlines chính thức không còn máy bay hoạt động từ ngày 18-3 do trả toàn bộ máy bay cho chủ tàu nước ngoài - Ảnh: T.T.D.

Trước tình hình trên, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn và nhiều lo ngại giá vé máy bay tiếp tục được nâng lên khi nguồn cung khan hiếm.

Ít lựa chọn, giá vé cao

Hàng loạt yếu tố bất lợi khiến hãng hàng không giảm quy mô máy bay, tần suất khai thác đã ảnh hưởng việc đi lại của khách hàng.

Chị Thanh Huyền (quận Tân Bình, TP.HCM) làm đại lý hàng hóa quốc tế, thường xuyên di chuyển các địa điểm trong nước và quốc tế để thương thảo, kết nối công việc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá vé tăng "sốc" gấp 2-3 lần so với năm ngoái, chưa kể còn có dấu hiệu khan hiếm, gây bất lợi cho quá trình đi lại của khách.

Chị Huyền lấy ví dụ chặng bay trong nước khá đặc thù như bay Côn Đảo đang có sự cạnh tranh giữa Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Thế nhưng từ tháng 4, Bamboo Airways rời cuộc đua này khi trả thêm ba máy bay thường sử dụng cho chặng Hà Nội, TP.HCM - Côn Đảo.

Đây là dòng máy bay có thể bay thẳng từ Hà Nội - Côn Đảo. Sự rút lui của Hãng Bamboo Airways ở chặng bay này khiến nhiều khách hàng nuối tiếc, lo ngại đường bay đến Côn Đảo sẽ thêm vất vả.

Cảnh vắng vẻ hiếm thấy ở khu vực lấy hành lý nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 19-3 - Ảnh: NHƯ THỔ

Cảnh vắng vẻ hiếm thấy ở khu vực lấy hành lý nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa 19-3 - Ảnh: NHƯ THỔ

Vasco, công ty con của Vietnam Airlines, khai thác loại ATR72 chỉ bay từ TP.HCM - Côn Đảo. Nếu khách từ khu vực phía Bắc đi Côn Đảo phải qua hai chặng bay Nội Bài - TP.HCM, sau đó TP.HCM - Côn Đảo. Không chỉ tốn kém chi phí, thời gian di chuyển kéo dài 2-3 lần so với bay thẳng như Bamboo Airways trước đây.

Thị trường hàng không Việt Nam có sáu hãng bay, trong đó chủ yếu Vietnam Airlines và Vietjet áp đảo về tần suất, số lượng máy bay so với các hãng khác như Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vasco.

Anh Trần Quang (42 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) than giá vé máy bay đang tăng rất nhanh trong dịp lễ, hè. Khi khảo sát giá tour, anh bất ngờ giá tour trong nước đang neo ở mức cao, trong khi đi nước ngoài chỉ cao hơn chút đỉnh.

Chọn tour đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm giá một người 9 triệu đồng, trong khi đi Singapore chỉ 13,5 triệu đồng. Khi hỏi công ty du lịch, anh được giải thích giá vé máy bay đang tăng mạnh ở nội địa khiến chi phí tour khá cao.

"Sau khi lựa chọn tới lui, tôi quyết định mua vé cho ba mẹ đi Singapore" - anh Quang nói.

Hành khách xuống máy bay của Bamboo Airways tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện hãng này còn sở hữu 8 chiếc - Ảnh: T.T.D.

Hành khách xuống máy bay của Bamboo Airways tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện hãng này còn sở hữu 8 chiếc - Ảnh: T.T.D.

Số lượng máy bay giảm nhanh

Trên các trang mạng, nhiều người kháo nhau nên tranh thủ mua vé máy bay từ sớm cho kế hoạch đi du lịch hè. Nội dung tập trung vào hãng bay nhưng thiếu máy bay nên vé sẽ sốt giá. Càng chậm mua giá càng tăng, chưa kể ít lựa chọn hơn.

Những lời rủ rê, khuyến nghị nhau mua vé máy bay là có cơ sở. Theo số liệu thống kê của Vietnam Airlines, số lượng máy bay của các hãng đang giảm khá nhanh. Chẳng hạn năm 2023 cả nước có 223 máy bay. Đến quý 1-2024 chỉ còn 173 máy bay, giảm 25%.

Đây chỉ mới là giai đoạn đầu thiếu hụt máy bay nhưng đã có những ảnh hưởng, sắp tới hè sẽ căng hơn. Lãnh đạo một hãng hàng không chia sẻ như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ vào ngày 20-3.

Vị này nói giá vé đang là chủ đề gây tranh cãi khi đến cao điểm đi lại, trong khi ngành hàng không có những cái khó riêng. Viễn cảnh cho những tháng còn lại của năm 2024 là ít chuyến bay hơn và xác suất máy bay kín chỗ sẽ tăng mạnh, đồng nghĩa giá vé sẽ tăng.

Trong khi đó, hàng không vừa được nới mức trần giá vé máy bay nội địa từ tháng 3 là cơ hội cho hãng bay bù đắp lại chi phí.

Hiện Vietnam Airlines và Vietjet đối diện với việc giảm quy mô đội máy bay, tổng cộng của hai hãng có 42 chiếc bị triệu hồi kiểm tra động cơ PW1100G trang bị cho máy bay Airbus A321neo. Đây là nỗi ám ảnh với hãng hàng không, do phần lớn đội máy bay thân hẹp được ưa chuộng sử dụng cho chặng bay ngắn khá phổ biến tại Việt Nam.

Cụ thể, Vietnam Airlines hoạt động với 64 chiếc A321ceo và A321neo (chiếm 62% đội bay), Vietjet hoạt động với 79 chiếc A320ceo, A321ceo và A321neo (trong đó A321neo chiếm 24 chiếc).

Nguồn dữ liệu, trang thống kê máy bay planespotters.net và hãng hàng không Việt Nam - Số liệu: CÔNG TRUNG - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn dữ liệu, trang thống kê máy bay planespotters.net và hãng hàng không Việt Nam - Số liệu: CÔNG TRUNG - Đồ họa: TUẤN ANH

Do kiểm tra động cơ, bảo dưỡng

Theo ông Lê Hồng Hà - tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc thiếu hụt tàu bay do phải kiểm tra động cơ, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không trong năm 2024.

Ngoài 12 máy bay Vietnam Airlines đang thuộc diện tạm dừng khai thác, ông Hà cho biết còn rất nhiều thiết bị khác của máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, kể cả động cơ máy bay Airbus A350.

Cũng theo ông Hà, do đứt gãy chuỗi cung ứng, trước đây thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày.

Trong khi đó, Vietjet đang tạm ngưng tám máy bay, sắp tới sẽ tăng thêm số lượng ngay trong dịp cao điểm hè.

CEO Bamboo Airways Lương Hoài Nam đánh giá thị trường hàng không còn nhiều biến động, trong đó về số lượng máy bay khai thác. Với Bamboo Airways còn tám tàu, thay vì mức đỉnh khai thác 30 tàu. Vị này cho biết trong lịch bay hè vẫn chưa tính đến chuyện tăng thêm máy bay khai thác.

Bức tranh hàng không vẫn phủ đầy màu xám khi mới đây hãng bay giá rẻ đầu tiên Việt Nam là Pacific Airlines chính thức không còn máy bay hoạt động từ 18-3. Nguyên nhân là do hãng trả toàn bộ máy bay cho chủ tàu nước ngoài sau khi đạt thỏa thuận xóa nợ 220 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng).

Cao điểm hè là cơ hội tăng doanh thu, các hãng bay Việt lùng sục khắp nơi để thuê máy bay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Quyền tổng giám đốc Pacific Airlines Nguyễn Anh Dũng nói với phóng viên Tuổi Trẻ việc tìm kiếm thuê máy bay trong dịp hè, giá thuê rất cao nhưng cũng khó thuê.

Tình trạng thiếu máy bay chủ yếu ảnh hưởng đến các dòng thân hẹp như Airbus A320, A321 vốn được sử dụng để phục vụ các chặng ngắn đến vừa và cũng chiếm tỉ trọng lớn trong đội bay toàn cầu. Do đó những chặng nội địa và khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn so với các chặng dài hơn.

Vietjet là hãng bay có hơn 100 máy bay, vận hành khai thác tại Việt Nam dao động từ 80-90 chiếc (còn lại ở ThaiVietjet tại Thái Lan). Đây là hãng bay tư nhân duy trì được số lượng máy bay quy mô lớn, nhưng việc gia tăng thêm nhiều tàu bay trong giai đoạn hè dự báo vẫn còn gặp khó khăn.

Khách xếp hàng đợi soi hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 20-3 - Ảnh: T.T.D.

Khách xếp hàng đợi soi hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 20-3 - Ảnh: T.T.D.

Tăng năng suất của máy bay

Ông Lê Hồng Hà cho rằng thiếu hụt máy bay do phải kiểm tra, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không.

Để gia tăng tần suất buộc doanh nghiệp phải tăng quản trị duy trì được tải cung ứng, phục vụ thị trường, nghĩa là phải tăng năng suất của máy bay, phải tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.

Các hãng hàng không có thể sử dụng dữ liệu này để dự báo trước và sớm các giai đoạn và thời kỳ phải đưa máy bay vào bảo dưỡng. Khi dự báo trước các tình huống này sẽ hiệu quả hơn trong thực hiện bảo dưỡng và bảo đảm đội máy bay hoạt động trong tương lai dài hạn.

Thiếu hụt nguồn cung

Theo các chuyên gia hàng không, thị trường thuê máy bay toàn cầu đang chứng kiến thiếu hụt nguồn cung. Khác với cao điểm Tết, tuy cao điểm của ta nhưng thấp điểm ở nước ngoài nên thuê máy bay dễ hơn.

Thế nhưng, dịp hè cả thế giới sôi động du lịch, hàng không sẵn sàng tăng cường thuê giá cao để gia tăng tần suất hoạt động... Trong bối cảnh hiện nay, việc thuê thêm máy bay dịp hè sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Hàng không quốc tế khốn đốn vì thiếu máy bay

Theo báo Wall Street Journal, hàng không thế giới đang phải khốn đốn với tình cảnh thiếu máy bay. Dù đã kéo dài nhiều tháng, nhà sản xuất Airbus vẫn chưa thể giải quyết triệt để các nút thắt trong chuỗi cung ứng và việc thiếu lao động nhà nghề. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giao máy bay của hãng.

Tình thế của Boeing thậm chí còn tệ hơn, khi từ đầu năm đến nay, một loạt sự cố kỹ thuật hy hữu liên tục diễn ra với máy bay hãng này như "thủng thân" trên không, cháy động cơ khi bay, rơi bánh xe khi vừa cất cánh...

Điều này buộc Boeing chịu sự theo dõi sát sao của các cơ quan quản lý hàng không. Năng suất "ra lò" máy bay mới của hãng này trong tháng 2-2024 giảm chỉ còn phân nửa giai đoạn cuối năm 2023.

Trước tình hình này, ngày 12-3 Hãng Southwest Airlines (Mỹ) tuyên bố cắt mạnh số chuyến bay trong năm 2023. Hãng này còn giảm chỉ tiêu tuyển phi công lên hơn 50% và giảm tuyển tiếp viên hơn 60% để tối ưu chi phí vận hành.

Trong khi đó vì không chắc lô máy bay đặt từ Boeing hoàn thành đúng hạn, Hãng United Airlines đã chuyển sang nghiên cứu phương án đặt mua máy bay từ Airbus.

Trong bối cảnh trên, máy bay COMAC C919 do Trung Quốc sản xuất trở thành lựa chọn thay thế tiềm năng. Tuy nhiên, việc thương hiệu chưa được kiểm chứng chất lượng và mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến hầu hết các hãng e dè trước phương án này.

Chuẩn bị cho cao điểm lễ 30-4, dịp hè

Du khách làm thủ tục check-in ở quầy của Vietravel Airlines chiều 20-3 - Ảnh: T.T.D.

Du khách làm thủ tục check-in ở quầy của Vietravel Airlines chiều 20-3 - Ảnh: T.T.D.

Trong bối cảnh hãng bay thiếu máy bay, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không chủ động làm việc với công ty lữ hành, phối hợp chuẩn bị nguồn lực cho cao điểm đi lại 30-4 và dịp hè. Sự "sốt ruột" của hàng không khi nguồn cung đang thu hẹp, cần sự san sẻ từ các loại hình giao thông khác "chia lửa" như tàu hỏa, xe khách... đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay tính toán cứ một tàu A321 một tuần sẽ khai thác tối đa 10.330 khách (dựa trên tỉ lệ lấp đầy khách 80%/chuyến bay và tùy độ dài đường bay). Thống kê sơ bộ, với 42 máy bay bị ảnh hưởng do sửa động cơ, năng lực phục vụ sẽ hụt khoảng 433.860 khách/tuần.

Theo ghi nhận, để chuẩn bị cho chương trình du lịch hè năm nay, các công ty du lịch đã lên kế hoạch đặt series booking vé máy bay, phòng và một số dịch vụ cơ bản khác. Thông thường vào mùa cao điểm các dịch vụ này sẽ tính phụ thu, với vé máy bay là áp dụng giá trần, do đó nếu không có sự chuẩn bị từ sớm thì rất khó ổn định giá tour hè nội địa.

Giá vé máy bay thường chiếm khoảng 65 - 70% giá tour du lịch, do đó khi giá vé máy bay biến động, giá tour đã xây dựng trước đó cũng sẽ khó tránh bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cho biết doanh nghiệp lữ hành này phối hợp hệ sinh thái là Vietravel Airlines triển khai các chuyến thuê bao nguyên chuyến (charter) đi Nhật Bản nhằm tối ưu chi phí cho tour du lịch.

Ông đề xuất các doanh nghiệp và hãng hàng không nghiên cứu cùng làm tour dạng thuê bao nguyên chuyến (charter flight), thay vì mua vé máy bay theo series booking (đặt giữ chỗ số lượng lớn trước và phải đặt trước tiền cọc). Phương án này giúp cả hàng không và du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.

Trước nhiều khó khăn, khả năng hãng bay tăng giá vé máy bay (cả chặng bay trong nước và quốc tế) sẽ là bất lợi, làm giảm sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng sản phẩm.

Theo các chuyên gia, để xây dựng được cơ chế giá phù hợp, đủ sức kích thích nhu cầu du lịch của khách, hàng không và du lịch cần bắt tay thật chặt trong việc xác định thị trường khách trọng điểm và thị trường mục tiêu. Từ đó phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách và có kế hoạch, giải pháp quảng bá, tiếp thị đồng bộ trên tất cả các kênh bán hàng.

Pacific Airlines xác nhận không còn máy bayPacific Airlines xác nhận không còn máy bay

Pacific Airlines xác nhận hãng không còn máy bay. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Tân Sơn Nhất, các quầy thủ tục mang thương hiệu của hãng vắng lặng, máy tính tắt điện, thi thoảng có khách tới hỏi thăm về tình trạng chuyến bay...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp