Phóng to |
Vận chuyển cá ngừ đại dương lên bờ chế biến ở cảng cá Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: Tiến Thành |
Thế nhưng khi đánh bắt được, mang sản phẩm vào bờ, ngư dân lại bị các đầu nậu, vựa bắt chẹt, ép giá nên lợi nhuận không cao, thậm chí bị lỗ nặng.
Phó mặc cho... đầu nậu, vựa
Sáng 20-7, khi đưa tàu cá cập cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu Thiều Em khấp khởi mừng thầm khi 32 con cá ngừ đại dương, thành quả sau gần một tháng đánh bắt, được kéo lên và cân ngay tại bến cảng. Thế nhưng chưa kịp vui, ông Thiều Em lại buồn rười rượi khi nghe chủ vựa phán “thịt hơi trắng, loại hai” sau khi kiểm tra thịt cá bằng một thanh kim loại. “Thả một giàn câu cả ngàn lưỡi, có đêm kéo lên chẳng được con cá nào. Mình khổ cực, tốn kém mấy tuần lễ trên biển, vậy mà khi vào bờ người ta chỉ nhìn rồi phán là cá loại hai, loại ba, tụi tui cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt” - ông Thiều Em nói.
Cá ngừ đại dương hiện được mua ở cảng Hòn Rớ với giá 135.000 đồng/kg loại một, nhưng nếu bị “đánh” xuống cá loại hai chỉ còn 90.000 đồng/kg, loại ba chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Chuyến này có sáu con cá với tổng trọng lượng gần 200kg của tàu ông Thiều Em bị “phán” loại hai, tính ra ông mất 9 triệu đồng. Ở cảng cá Hòn Rớ hiện có hơn mười đầu nậu, vựa và doanh nghiệp mua cá ngừ đại dương. Ông Đỗ Trung Hiệp - trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung bộ - nói: “Khi thành lập chợ cá, ý định đấu giá cá ngừ đại dương là hay, nhưng vì không có vai trò tổ chức của Nhà nước mà thả nổi cho các doanh nghiệp, đầu nậu và vựa “đấu giá” với nhau một cách lộn xộn thì ngư dân vẫn bị thiệt thòi”.
Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ một cặp tàu tại Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết chưa kịp vui vì tin giá xăng dầu giảm đã bị choáng khi nghe các đầu nậu, vựa tại cảng cá cho biết giá mực khô giảm 50.000-70.000 đồng/kg. “Giá mực chỉ giảm vài chục ngàn đồng/kg là chuyến đi biển hàng tháng trời có nguy cơ lỗ vốn. Lần trước về mực khô còn bán được giá 320.000 đồng/kg nhưng nay chỉ 250.000-270.000 đồng/kg” - anh Hiếu nói.
Theo các ngư dân, nghề đi biển ngày càng khó khăn và rủi ro hơn trước do chi phí tăng cao trong khi nguồn lợi từ biển ngày càng cạn kiệt. Trước mỗi chuyến đi biển, chủ ghe phải bỏ ra một số tiền lớn để mua dầu, thực phẩm, đá, tiền lương cho công nhân nhưng ra biển chưa chắc đã đánh đủ cá bù vào chi phí. Chỉ riêng dầu mà một cặp ghe phải bỏ ra để đến nơi đánh bắt đã mất trên 2.000 lít mà chưa chắc bắt được con cá nào. Còn tổng chi phí một chuyến đi biển kéo dài một tháng cho một cặp ghe hiện nay đã lên đến 1 tỉ đồng.
Thế nhưng cá đánh bắt được cũng chưa có gì đảm bảo kiếm được đồng lời do thường xuyên bị các đầu nậu và vựa ép giá. “Chỉ cần trên 10 cặp ghe cập cảng là các đầu nậu, vựa sẽ hạ giá của chúng tôi xuống ngay. Cả khu vực này có hàng ngàn tàu cá nhưng chỉ tập trung bán cho 6-7 đầu nậu và vựa, không bán cho họ thì bán cho ai. Đã thế họ còn giữ tiền của chúng tôi hàng tháng trời mới trả trong khi mọi chi phí cho chuyến đi chúng tôi đều phải trả ngay khi mua” - ngư dân Hoàng Văn Tuấn (Phước Tỉnh) nói.
Ngư dân... bơ vơ trên biển
Ông Võ Thiên Lăng - phó chủ tịch Hội Nghề cá VN, chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa - cho rằng để giảm thiệt thòi, tăng giá trị đánh bắt cho ngư dân chỉ có cách tốt nhất là lập mô hình tàu mẹ - tàu con. “Tàu mẹ được trang bị hiện đại với hệ thống cấp đông, cung ứng nước đá, dầu, nhu yếu phẩm cho các tàu con. Khi cá được câu lên trong vòng 5-7 ngày, vẫn đảm bảo chất lượng là tàu mẹ đến tiếp cận tàu con mua, sơ chế và cấp đông nên ngư dân lúc nào cũng có thể bán được cá với giá cao” - ông Lăng nói.
Mô hình này thật ra đã được triển khai tại Khánh Hòa lần đầu tiên vào cuối năm 2010, khi hai ngư đội tàu con Trường Sa Lớn và Song Tử Tây khai thác trên biển, được tàu mẹ của Công ty TNHH một thành viên 128 Bộ Quốc phòng mua. Thế nhưng chỉ vài tháng thực hiện, mô hình này đã đổ vỡ do không có tiếng nói chung giữa ngư dân và các đơn vị tham gia. Đầu năm 2012, Khánh Hòa tổ chức xuất quân mô hình tàu mẹ - tàu con lần thứ hai giữa sáu ngư đội và tàu mẹ Hải Vương 68 đến từ Thanh Hóa, nhưng một lần nữa mô hình này lại đổ vỡ.
Đầu năm 2012, DNTN xuất nhập khẩu Vinh Sâm (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng tổ chức lễ ký kết với các đối tác Nhật Bản về việc đưa các tàu cấp đông của Nhật vào biển VN để mua cá ngừ đại dương cho ngư dân ngay trên biển, song đến nay dự án này vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, dù có đội tàu đánh bắt xa bờ lên tới hơn 1.100 chiếc, đa số đều có công suất 300-500CV và thường đi biển dài ngày, nhưng đến nay Phước Tỉnh (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn không có tàu làm hậu cần. Do đó cứ sau 30 ngày lênh đênh trên biển, dù có được cá hay không các tàu cũng phải quay về.
“Nhiều lúc đánh bắt cả tháng chẳng được bao nhiêu, đến ngày cuối cùng thì phát hiện cá nhiều nhưng chúng tôi không đủ nhiên liệu để tiếp tục. Giá như có những tàu cung cấp nhiên liệu và thực phẩm, chỉ cần gọi điện họ đem đến thì đỡ biết mấy” - ngư dân Hoàng Văn Tuấn nói. Nhiều chủ tàu cho biết mấy chục năm nay nghề đi biển vẫn vậy, ngư dân phải tự lực bươn chải ra khơi, những chính sách hỗ trợ ngư dân chỉ nghe trên báo đài, người dân nơi đây chưa tiếp cận được. “Ngân hàng không cho chúng tôi vay tiền mua ghe chứ đừng nói đến vay vốn với lãi suất thấp” - ông Tuấn cho biết.
Tàu dịch vụ cũng gặp khó Để hỗ trợ đội tàu hàng trăm chiếc đánh bắt hải sản ở khu vực biển Trường Sa tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), một đội tàu dịch vụ hậu cần hải sản được hình thành với 84 chiếc tàu cấp đông (đông lạnh) chuyên mua, chế biến hải sản trực tiếp trên biển. Đây là những con tàu được trang bị hệ thống máy đông lạnh hiện đại, mỗi chiếc công suất 450-700CV, trị giá 3-4 tỉ đồng được đóng từ tiền góp cổ phần của hàng chục gia đình ngư dân trên đảo. Ngư dân Nguyễn Văn Toàn, người cùng 15 gia đình khác ở xã Long Hải góp cổ phần đóng một chiếc tàu đông lạnh trị giá 3,2 tỉ đồng, cho biết mỗi chuyến đi biển để mua kéo dài hơn 20 ngày. Mỗi tàu cấp đông có thể mua được 10-20 tấn hải sản, trừ chi phí mỗi chuyến đi lời 100-200 triệu đồng. “Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi và các chủ tàu đánh bắt phải lên kế hoạch trước để có lộ trình mua trên biển. Hải sản sẽ được chế biến và đông lạnh ngay trên biển nên luôn tươi sống và được khách hàng rất ưa chuộng” - ông Toàn nói. Theo UBND huyện Phú Quý, nhờ sự góp sức của đội tàu dịch vụ mà lượng hải sản của đội tàu gần 1.300 chiếc tại Phú Quý luôn tươi sống và xuất đi nhiều nước, được bạn hàng đánh giá cao. Ông Ngô Chức, tổ trưởng tổ đánh bắt xa bờ huyện Phú Quý, cho biết nhờ sự phát triển của tàu cấp đông mà các tàu đánh bắt hiện nay không cần lo lắng việc bảo quản cá. Tuy nhiên, theo ông Chức, do ngư trường ngày càng cạn kiệt, lượng hải sản đánh bắt giảm trong khi chi phí nhiên liệu lại cao khiến một số tàu cấp đông đang bị thua lỗ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này ở đảo Phú Quý có khoảng 10 tàu cấp đông đang nằm bờ do ba chuyến đi đầu năm bị thua lỗ nặng. Ông Đặng Nhơn, chủ một tàu cấp đông đang nằm bờ, ngậm ngùi: “Từ đầu năm đến nay tàu mua được rất ít hải sản, hai chuyến mới đây chỉ mua được 5-10 tấn khiến tôi thua lỗ 200 triệu đồng nên tàu buộc phải nằm bờ”. Theo các ngư dân, nhiều vùng biển tranh chấp cũng ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân. Một ngư dân trên đảo cho biết đầu năm nay đã có vài ngư dân bán tàu đánh bắt và một vài người bỏ nghề, bỏ đảo về đất liền làm rẫy... ĐÌNH DÂN Sẽ xây dựng 12 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, cuối tháng 7-2012 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản. Trong đó sẽ có các cơ chế, chính sách để tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá...; đầu tư xây dựng các chợ thủy sản đầu mối, ưu tiên xây dựng các chợ thủy sản đầu mối gắn với cảng cá; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo quản sản phẩm khai thác hải sản bằng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, dự kiến sẽ xây dựng năm trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng (Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang) và bảy trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm. Ông Huỳnh Quang Huy, chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho rằng với trình độ nghề cá của VN hiện nay, nếu tàu khai thác ở trên biển khoảng một tháng sẽ không có loại cá nào chịu nổi, số cá khai thác được bị hư hỏng rất nhiều. Do công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém nên tỉ lệ hao hụt sản phẩm của ngư dân Việt luôn xếp trong nhóm nước dẫn đầu khu vực (lên đến 30%). Theo ông Huy, đối với nghề cá, bên cạnh tàu đánh bắt trực tiếp thì tàu dịch vụ hậu cần cũng đóng vai trò rất quan trọng, do vậy Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đồng bộ để đầu tư đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. V.V.THÀNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận