Tỉnh Đồng Nai đã gia hạn bốn vị trí hạ cốt nền trên đất nông nghiệp để nhà thầu tiếp tục dùng san lấp các hạng mục còn lại của đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Khai thác trở lại sau 4 tháng
Ông Đặng Hùng Thái (giám đốc điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cho biết kể từ ngày 29-3 nhà thầu đã được phép tận thu lại nguồn vật liệu tại các vị trí hạ cốt nền trên đất nông nghiệp do tỉnh Đồng Nai cấp trước đây để san lấp hoàn thiện dự án.
Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét tháo gỡ vướng mắc này. Tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở ngành phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long xác định lại khối lượng cần thiết, trữ lượng tại bốn vị trí hạ cốt nền và thời gian còn lại của dự án để tiến hành thực hiện.
Ông Thái cho hay dự án còn thiếu hụt khoảng 620.000m3 đất để đắp cho các hạng mục đường gom dân sinh, nút giao, cầu vượt ngang tuyến... Với việc cho phép khai thác trở lại, ông Thái cho biết các đơn vị thi công sẽ nỗ lực tối đa ngày lẫn đêm với hy vọng bắt kịp lại tiến độ.
Còn tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhà thầu như ngồi trên "đống lửa" bởi thời hạn hoàn thành đã cận kề nhưng thủ tục gia hạn các mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù vẫn chưa xong. Các nhà thầu đang tìm mọi nguồn thay thế, chấp nhận bù lỗ nhưng cũng không khả thi.
Cơ chế chưa thông
Nhiều nhà thầu thi công hai đoạn cao tốc trên khẳng định nguồn vật liệu qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai không thiếu mà do cơ chế quá nhiêu khê. Dự án từng lỗi hẹn tiến độ trước đây cũng do thủ tục qua nhiều bước, tốn quá nhiều thời gian.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước đây địa phương đã từng vận dụng thủ tục cho phép hạ cốt nền đất nông nghiệp để phục vụ cho tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Tỉnh Đồng Nai đã cho phép thực hiện bốn dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp chỉ để phục vụ thi công dự án thành phần đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng vẫn lo bị "tuýt còi" vì vướng thủ tục, quy định.
Theo chỉ đạo, tỉnh sẽ thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ nhằm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Quá trình làm dự án đảm bảo thu đầy đủ các khoản thu vào ngân sách về thuế, phí trong hoạt động khoáng sản, đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Trong khi đó, tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Phan Văn Đăng - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho hay vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh được cấp lại các mỏ đất đắp theo cơ chế đặc thù, tạo điều kiện để nhà thầu thi công trở lại.
"Cấp lại là cấp mới hay gia hạn? Nếu là cấp mới thì thủ tục nhanh nhất cũng mất 6 tháng mới xong", ông Đăng đặt vấn đề. Chính thủ tục này khiến tỉnh Bình Thuận lúng túng, còn nhà thầu thì nóng lòng chờ nguồn đất đắp.
Không thiếu đất cất, chỉ vướng thủ tục
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - nói so với những nơi khác, Bình Thuận không thiếu đất cát san lấp nền cho các dự án giao thông. Vướng mắc ở đây chỉ là vấn đề thủ tục.
Để đáp ứng khối lượng đất cát san lấp cho các dự án trọng điểm, cần chủ trương đường lối từ trung ương. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn của địa phương.
Cụ thể như trình tự cấp phép và báo cáo khối lượng đích danh sử dụng cho từng công trình dự án. Trên cơ sở đó giao quyền cho cơ quan cấp tỉnh quyết định cấp phép và quản lý khai thác theo quy định, đồng thời giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho tuyến cao tốc hoàn thành sớm tiến độ theo như kỳ vọng.
Phản hồi Tuổi Trẻ Online
Thiếu vật liệu hay do thiếu liên kết?
Nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có một số tuyến cao tốc, đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do thiếu hụt vật liệu san nền, khó khai thác và bị nâng giá. Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online "nóng ruột" trước tình cảnh này.
Theo bạn đọc Sonmeo, "việc đầu tư đồng loạt các công trình hạ tầng cùng lúc là nguyên nhân khách quan khiến việc triển khai thi công gặp khó nếu vẫn từ những nguồn cung vật liệu như hiện nay".
Bạn đọc Sâm Cầm cho rằng: "Thiếu cát và khan hiếm cát đã xảy ra từ lâu rồi nhưng không được lưu ý. Trong tương lai phải tìm được vật liệu thay thế cát. Phải chấp nhận sự thay đổi này, cũng như chấp nhận giá thành nguyên vật liệu sẽ cao hơn nhiều".
Góp thêm ý kiến, bạn đọc Tuanle đề xuất: "Các nguồn nguyên vật liệu chính cho các dự án xây dựng hạ tầng cần phải giao cho một đơn vị sự nghiệp đứng đầu để khai thác, cung cấp cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài ngân sách thì mới giải quyết được tình trạng này".
"Đất nước núi đồi trùng điệp, sông biển dài, đất đá không thiếu, sao lại thiếu vật liệu cho các dự án giao thông? Có phải do thiếu liên kết, cục bộ giữa các địa phương?" - bạn đọc Đức Thành có ý kiến.
CÔNG DŨNG tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận