17/10/2024 09:16 GMT+7

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao 'èo uột'

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao TP.HCM năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trăn trở khi đến giờ này TP.HCM vẫn chưa thể đăng cai SEA Games cũng như các sự kiện lớn của châu lục và thế giới.

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao "èo uột" - Ảnh 1.

Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã ngưng thi công nhiều năm nay (ảnh chụp ngày 16-10) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TP.HCM được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước và khu vực nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư đúng mức, phát triển chưa ngang tầm.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao, TP là một trong những địa phương có mô hình thể thao phong phú nhưng thể thao TP.HCM những năm qua vẫn chưa đạt được những thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị tập luyện chưa theo kịp tốc độ phát triển của thế giới.

Sân vận động xuống cấp, nhà thi đấu "treo"

Dù đây là một trong những sân lớn, trọng yếu của TP.HCM nhưng quy mô của sân vận động Thống Nhất cũng chỉ tầm 15.000 chỗ ngồi. Chưa kể sân vận động này đang xuống cấp nghiêm trọng, đường chạy bong tróc, dụng cụ tập luyện hư hỏng, cơ sở vật chất nghèo nàn cũ kỹ.

TP.HCM đã có kế hoạch nâng cấp sân vận động này để đưa vào phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc vào năm 2026. Tuy nhiên, dù dự kiến nâng sức chứa lên khoảng 20.000 chỗ ngồi thì sân vận động này vẫn quá nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện thể dục thể thao tầm cỡ khu vực.

Trong khi đó, những dự án trọng điểm được đề ra trong đề án phát triển ngành thể dục thể thao TP.HCM đến năm 2035 hiện vẫn đang giậm chân tại chỗ. 

Chẳng hạn dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng "treo" 15 năm nay phải chuyển đổi hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) sang đầu tư công, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án thực hiện.

Bên cạnh đó là dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc mà người dân mòn mỏi chờ đợi hơn 30 năm qua. Dự án này có diện tích 466ha và được quy hoạch với tổ hợp nhiều dự án quy mô như sân vận động 50.000 chỗ, cụm các nhà thi đấu các bộ môn được kỳ vọng sẽ là nơi giúp TP đăng cai SEA Games nhưng đến nay vẫn "chưa đâu vào đâu" do thiếu vốn.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án văn hóa - thể thao vào ngày 15-10, TP.HCM cũng đã giới thiệu đến nhà đầu tư 16 dự án nằm trong Khu liên hợp Rạch Chiếc với khoảng 21.000 tỉ đồng. Trong đó có các dự án quy mô lớn như sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh với 7.000 tỉ, nhà đua xe đạp lòng chảo với 4.000 tỉ, nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp 3.000 tỉ...

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao "èo uột" - Ảnh 2.

Gần 30 năm quy hoạch, Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn là... đầm lầy. Tại đây vẫn là những lô đất trống xen lẫn nhà dân trồng sen, nuôi cá - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án không đảm bảo nguồn thu sẽ được bù lỗ?

Đề cập đến lý do dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc lâu nay chưa mời gọi đầu tư được, ông Phan Quang - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Hòa - cho biết bản thân ông và đối tác nước ngoài rất quan tâm nhưng khi tìm hiểu thì thấy dự án có sử dụng đất công, thủ tục rất phức tạp.

Các nhà đầu tư cũng băn khoăn về thủ tục, chính sách hỗ trợ từ chính quyền TP.HCM để đảm bảo quyền lợi của mình khi thực hiện các dự án PPP. Trong khi đó, theo ông Phan Văn Mãi, các dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao không phải ngành phát sinh nhiều lợi nhuận nên nhà đầu tư có phần băn khoăn.

Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng nếu nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành, TP sẽ phải tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. 

Thời gian qua, trung ương đã dành cho TP.HCM nhiều cơ chế chính sách đặc thù như nghị quyết 98 để TP.HCM thí điểm những cách thức quản lý linh hoạt hơn so với quy định chung khi thực hiện dự án PPP.

Cũng theo ông Mãi, TP đang nghiên cứu áp dụng các cơ chế đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và có cơ chế bù lỗ nếu dự án không đảm bảo nguồn thu. Sắp tới, TP.HCM sẽ có phó chủ tịch UBND TP.HCM chuyên trách về nghị quyết 98 và thành lập tổ PPP về văn hóa xã hội.

"Đây sẽ là những đầu mối giao tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quá trình chuẩn bị triển khai các dự án, TP.HCM sẽ đảm bảo đưa ra các quy trình ngắn, thủ tục thuận tiện nhất, không làm phát sinh chi phí cho nhà đầu tư", ông Mãi nói.

* Ông CAO THANH BÌNH (trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM):

Người dân đang chờ đợi ngày TP.HCM đăng cai các sự kiện tầm cỡ

Thời gian qua, TP.HCM có tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các cơ sở từ phường xã, quận huyện đến TP.HCM. Tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Người dân đang chờ đợi ngày TP.HCM có những công trình đủ quy mô để đăng cai tổ chức những sự kiện thể thao, văn hóa tầm cỡ của khu vực và thế giới mà không phải đi nước ngoài hoặc xem qua tivi.

TP.HCM đã có quy hoạch xây dựng những công trình như vậy nhưng tiến độ triển khai rất chậm như dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc... Các thiết chế văn hóa khác như nhà hát, trung tâm biểu diễn đã xuống cấp nên cần đầu tư nâng cấp.

Tận dụng các cơ chế đặc thù của nghị quyết 98, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

HĐND TP.HCM cũng đã ban hành danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư ở các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Trong đó, các dự án thể thao, văn hóa đang được tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ để đầu tư.

Tuy nhiên, để các dự án triển khai đúng tiến độ, các sở ngành phải khẩn trương phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh các quy trình, thủ tục.

Các thông tin về dự án cần cụ thể, chi tiết, công khai, minh bạch; có như thế nhà đầu tư mới đủ thông tin để tham gia...

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao "èo uột" - Ảnh 3.

Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) bị bỏ hoang nhiều năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có một sân vận động hiện đại là cấp thiết

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao cho rằng nếu xây dựng một khu liên hợp thể thao hiện đại là điều quá tốt cho TP.HCM. Tuy nhiên, nếu không có quỹ đất đủ lớn, xây một sân vận động hiện đại để tổ chức các trận đấu bóng đá quốc tế hay sự kiện lớn cũng là quá đủ.

Theo các chuyên gia, sân Thống Nhất đã quá cũ, khán đài có sức chứa nhỏ, không đáp ứng được tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu mang tầm châu lục. Việc TP.HCM đầu tư 149 tỉ đồng để nâng cấp sân Thống Nhất chủ yếu để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2026 chứ không mang nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy thể thao TP.HCM phát triển.

"Điều quan trọng là lãnh đạo TP.HCM lựa chọn và quyết tâm làm như thế nào với các phương án hiện có. Ngoài Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, TP.HCM vẫn còn một vài quỹ đất của tư nhân và Nhà nước có thể khai thác để xây sân vận động mới hiện đại có sức chứa ít nhất 50.000 chỗ ngồi", một chuyên gia nói.

Đó là Trung tâm thể thao Thành Long (huyện Bình Chánh) với quy mô 10,7ha, có thể vừa xây sân vận động chính vừa xây sân tập phụ cùng các dịch vụ bổ trợ. Trung tâm này ban đầu là của ông bầu Quách Thành Lai (bầu Hưng, đã mất), nay là tài sản của Sacombank.

"Để có cơ sở vật chất về thể dục thể thao, nói về góc độ tư nhân, chúng ta không có chính sách rõ ràng thì không có tư nhân nào dám mua miếng đất đó để đầu tư thể thao. Còn nếu không, Nhà nước mua lại khai thác hoặc giao cho tư nhân khai thác" - chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chia sẻ.

Ngoài ra còn có khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở TP Thủ Đức - nơi có thể xây sân vận động mới 60.000 chỗ ngồi (chiếm khoảng 5ha). Đây là phương án mà CLB TP.HCM đã đề xuất trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hồi tháng 8-2022.

Thứ ba là quỹ đất dành xây Thảo cầm viên Safari ở Củ Chi đang bị dừng lại.

Theo chia sẻ của những người làm thể thao, địa chỉ này nếu có thể xây sân vận động mới cho TP.HCM là rất lý tưởng vì quỹ đất có sẵn. Ngoài ra, Củ Chi chưa có công trình thể thao lớn nào, việc di chuyển cũng thuận lợi. "Nếu quyết tâm làm, những vướng mắc ở các phương án này đều có thể được tháo gỡ và giải quyết", một chuyên gia nói.

Hầu hết các nhà hát đều xuống cấp, chờ sửa chữa!

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao "èo uột" - Ảnh 4.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ) sau khi xây lại bị người trong nghề cho là không đủ chuẩn - Ảnh: T.T.D.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy hầu hết các nhà hát trên địa bàn TP.HCM đều đang trong tình trạng xuống cấp, chờ sửa chữa.

Trong đó, Nhà hát Trần Hữu Trang ngay khi được xây mới, khánh thành từ rạp Hưng Đạo cũ đã bị người làm nghề... la làng vì cho rằng rạp không đủ chuẩn, không đáp ứng yêu cầu biểu diễn. Thanh tra đã vào cuộc và có kết luận về nhiều sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế...

Chẳng hạn, sàn diễn của nhà hát bị thu hẹp nên rất khó tổ chức những vở diễn mang tính chất hoành tráng. Trong khi khán phòng cũ của rạp Hưng Đạo có sức chứa khoảng 1.000 ghế, khán phòng mới chỉ còn trên 500 ghế. Ghế ngồi nhỏ, không thoải mái, khoảng cách giữa hai hàng ghế hẹp khiến khán giả coi cải lương chừng 3 tiếng là than đau lưng, mệt mỏi.

Cánh gà thấp nên không đưa được những cảnh lớn ra sân khấu. Hậu trường, phòng hóa trang đều hẹp... Ngoài sân khấu chính của nhà hát, sân khấu thể nghiệm của nhà hát vẫn chưa phát huy được tốt công năng. Lối lên sảnh nhà hát quá cao khiến khán giả lớn tuổi hoặc người khuyết tật bất tiện khi đi xem cải lương...

Dù vậy, theo ông Phan Quốc Kiệt, giám đốc nhà hát, từ đó đến nay Nhà hát Trần Hữu Trang (tên gọi mới của rạp Hưng Đạo) vẫn là địa điểm tốt hơn nhiều so với cơ sở vật chất của hát bội, xiếc... "Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây trên nền rạp Hưng Đạo cũ, nơi được xem là "thánh đường" của cải lương thành phố, nên thuận lợi và là địa điểm quen thuộc, ở ngay trung tâm, có khán giả truyền thống...", ông Kiệt cho biết.

Kể từ ngày rạp mới hoạt động vào khoảng năm 2016 - 2017 đến nay, dù Sở VH&TT rất quan tâm sửa chữa, bổ sung thêm cơ sở vật chất nhưng nhà hát cũng còn một số khó khăn như kho cảnh trí của nhà hát rất hẹp nên sở cũng đã đầu tư màn hình LED để thay thế bớt cảnh trí. "Chúng tôi cũng tính toán sử dụng lại cảnh trí vừa tiết kiệm mà không làm phát sinh thêm" - ông Kiệt nói.

Với một nhà hát không đủ chuẩn như thế nhưng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vẫn là lựa chọn hàng đầu để các đơn vị cải lương xã hội hóa thuê biểu diễn. Còn các đơn vị thường diễn các tuồng tích Trung Quốc phải đi xa hơn, ra rạp Hồng Liên (quận 6). Nhà hát nghệ thuật Phương Nam nhiều năm nay chấp nhận biểu diễn tạm bợ ở rạp bạt tại công viên Gia Định (quận Gò Vấp).

Ông Lê Diễn, giám đốc Nhà hát Phương Nam, cho biết rạp bạt của nhà hát mang tính chất rạp bạt để diễn lưu động nên không đảm bảo. Chỗ ngồi ọp ẹp, trần rạp thấp lè tè, cột vướng lung tung. Chiều cao không đủ chuẩn, cũng không an toàn nên lâu nay nhà hát không thể triển khai những tiết mục lớn.

Theo ông, TP.HCM đủ khả năng để kêu gọi và tổ chức những liên hoan xiếc mang tầm quốc tế. Nhưng đại diện các tổ chức đó đến khảo sát điều kiện vật chất đều lắc đầu bỏ đi vì không đủ chuẩn. Vì vậy, khi nghe thành phố đầu tư xây dựng rạp xiếc - biểu diễn đa năng Phú Thọ với kinh phí gần 1.400 tỉ đồng, diện tích 29.000 m2 khiến nghệ sĩ xiếc, múa rối ai cũng vui mừng, phấn khởi.

"Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào 30-4-2025. Bao nhiêu năm chờ đợi, các nghệ sĩ xiếc, múa rối sẽ có một cơ sở khang trang, đủ tầm để thỏa sức sáng tạo. Nơi đây cũng sẽ là địa điểm xứng tầm để thành phố phát huy năng lực tổ chức nhiều liên hoan, sự kiện mang tầm quốc tế không chỉ riêng bộ môn xiếc, rối mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa", ông Diễn nói.

Nhà hát kịch TP.HCM (rạp Công Nhân cũ) trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) cũng cỡ 5 năm nay không thể hoạt động được vì phải sửa chữa. Trước đó, cơ sở vật chất của rạp xuống cấp dẫn đến xảy ra sự cố nên phải tạm ngưng biểu diễn. Ông Hà Quốc Cường, giám đốc nhà hát, cho biết đang tổ chức sửa chữa lại nhà hát, hy vọng sớm hoàn thành để nhà hát có thể sáng đèn.

Mong có một rạp chỉn chu...

Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM là đơn vị có địa điểm biểu diễn xa trung tâm nhất, đặt tại rạp Thủ Đô (quận 5). Ông Nguyễn Hoàng Vinh, giám đốc nhà hát, chia sẻ sở cũng đã hỗ trợ nhà hát sửa chữa những hạng mục như thay ghế khán phòng, sân khấu, nhà vệ sinh... Tuy nhiên, dàn máy lạnh của nhà hát do lâu năm nên không làm mát nổi, nhà hát phải bổ sung thêm quạt. Nhà hát rất hạn chế chỗ gửi xe.

"Tôi biết tình hình rạp hát không đủ chuẩn là vấn đề chung ở thành phố hiện nay. Sở cũng đã hỗ trợ nghệ sĩ hát bội rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong có một rạp chỉn chu, thoải mái, điều kiện âm thanh ánh sáng thật tốt ở một địa điểm thuận lợi để có thể là điểm hẹn quen thuộc cho những khán giả, khách du lịch muốn tìm đến với nghệ thuật hát bội" - ông Vinh nói.

Thiếu cơ sở vật chất, văn hóa và thể thao "èo uột" - Ảnh 5.Kế hoạch nâng cấp sân vận động Thống Nhất với 149 tỉ hiện ra sao?

Ban Dân dụng công nghiệp TP.HCM đang kiến nghị Sở Xây dựng sớm thẩm định, phê duyệt dự án nâng cấp sân vận động Thống Nhất để hoàn thành, đưa vào phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp