Cha mẹ đưa thông tin của con cái lên mạng, có xử phạt được không? |
Luật trẻ em 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6) và nghị định 56 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em có nhiều nội dung mới về đời sống riêng tư và bảo vệ trẻ em trên mạng. Việc cấm đăng tải thông tin của trẻ có thực thi được không?
Một trong những hành vi bị cấm là cha mẹ công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân như bệnh án, kết quả học tập của trẻ... mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên, hoặc người khác đăng mà không có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ (đối với trẻ em dưới 7 tuổi).
Những quy định nêu trên đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến một số chuyên gia và người trong cuộc:
* Ông Nguyễn Trọng Tiến - trưởng khoa công tác xã hội Học viện Thanh thiếu niên VN, Trung ương Đoàn
Chưa có chế tài
Ông Nguyễn Trọng Tiến |
Tôi cho rằng quy định hạn chế đăng tải thông tin về đời tư của trẻ trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông là điều rất cần thiết. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rất đơn giản “Con tôi giỏi thì tôi khoe cho mọi người biết”.
Nếu gia đình có một đứa con thì khoe không vấn đề gì, tuy nhiên nếu có từ hai con trở lên mà trẻ còn lại học kém hơn, không được cha mẹ khoe thành tích, trẻ sẽ có cảm giác mặc cảm, tự ti rằng mình kém cỏi nên cha mẹ không thương, không tự hào về mình.
Vì vậy việc công bố những thông tin liên quan đến kết quả học tập của trẻ là điều phải hết sức cân nhắc.
Với những thông tin, hình ảnh của con không quá nhạy cảm, cha mẹ đưa lên mạng xã hội (không được sự đồng ý của trẻ) mà bị xử phạt, theo tôi, quy định như vậy là hà khắc. Bởi việc đăng tải thông tin còn thể hiện tình yêu, sự tự hào của người làm cha làm mẹ.
Đó là chưa kể quy định về vấn đề này tại Luật trẻ em rất khó khả thi. Trên thực tế từ ngày 1-6 (ngày luật có hiệu lực) thì mọi người vẫn đăng thông tin bình thường.
Sở dĩ nó không khả thi bởi chưa có chế tài xử phạt. Và nếu có chế tài thì cơ quan nào sẽ thực hiện? Ai đến từng nhà để phạt cha mẹ đăng hình con mà chưa xin phép?
* Chị Nguyễn Thị Hà (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Quy định cần thiết để bảo vệ con
Chị Nguyễn Thị Hà |
Tôi cũng như nhiều bà mẹ khác thường xuyên đăng tải hình ảnh của con trên trang cá nhân của mình. Tôi nghĩ đơn giản đó là cách để thể hiện tình yêu của mình với con.
Dẫu vậy, tôi cho rằng những quy định tại Luật trẻ em là rất cần thiết để bảo vệ con trước tội phạm mạng, nhất là những kẻ ấu dâm.
Hiện nay, tôi thấy nhiều cha mẹ quá hồn nhiên khi đăng tải hình ảnh, thông tin của con, trong đó có nhiều hình ảnh phản cảm của con mà sau này khi xem lại có thể khiến bé phải xấu hổ.
Quy định là cần thiết, nhưng các nhà làm luật hãy có hướng dẫn phù hợp để nó khả thi. Cần cân nhắc bởi việc đăng những hình ảnh trong sáng, chuẩn mực của con lên mạng xã hội cũng có thể chấp nhận được vì đó là nhu cầu thể hiện tình yêu với con.
* Bà Trần Thị Ngọc Nữ - ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM
Thay vì khoe con quá đà...
Bà Trần Thị Ngọc Nữ |
Vừa rồi tôi biết có một trường hợp vì cha mẹ đăng tải công khai hình ảnh, trường học của con mà suýt nữa con bị bắt cóc. Lý do vì trời mưa, cha mẹ kẹt xe nên đến đón con trễ.
Trong khi đó kẻ gian đã đến trường gặp trẻ, đọc rõ tên cha mẹ và nói cha mẹ bận nên nhờ chú đến đón hộ. May mắn rằng đúng lúc đó người cha đến kịp.
Những ngày qua, có nhiều người mẹ đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM than phiền, tỏ ý không đồng tình với quy định cấm đăng hình ảnh, thông tin học tập của con lên mạng.
Họ bảo con họ thì họ có quyền đăng, việc cấm hay xử phạt khi họ đăng hình con thì có vi phạm Hiến pháp về quyền con người, quyền nhân thân hay không? Tôi đã kể câu chuyện về đứa trẻ bị bắt cóc hụt nêu trên cho họ nghe.
Tôi cũng kể lại câu chuyện có nhiều đứa trẻ đến hội than phiền rằng: “Anh/em của con giỏi hơn con nên được ba mẹ đưa hình lên Facebook suốt”.
Vấn đề nữa là việc khoe con quá đà có thể làm bé ỉ lại, bé sẽ có suy nghĩ mình quan trọng, mình giỏi rồi, không cần phải cố gắng nữa. Thay vì khoe con quá đà, cha mẹ nên khuyến khích con học tập và dành thời gian đọc sách, vui chơi với con.
* Luật gia Nguyễn Thanh Lương - Hội Luật gia Q.2, TP.HCM
Phải có hậu quả mới xử lý
Ông Nguyễn Thanh Lương |
Trước mắt, việc xử phạt có thể thực hiện theo các quy định của từng lĩnh vực như truyền thông đăng tải hình ảnh, thông tin của trẻ thì có thể áp dụng quy định xử phạt lĩnh vực truyền thông, gây ảnh hưởng đến nhân thân, đời tư của trẻ sẽ bị xử lý hình sự... Tuy nhiên, việc xử phạt còn phải tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Có những bậc cha mẹ mà bản thân họ là người giám hộ khi đăng những thông tin về đời tư của con, sau đó bị kẻ xấu lợi dụng thì hậu quả xảy ra là vô ý chứ không phải cố ý. Trong khi việc xử phạt hành chính thì lỗi cố ý mới xử phạt được.
Thực tế cha mẹ không bao giờ muốn con gặp bất lợi, vì vậy quy định xử phạt cha mẹ hay người giám hộ khi công bố thông tin của trẻ nếu không cân nhắc sẽ trở nên máy móc, hại nhiều hơn lợi.
Con không thích nhưng không làm gì được! Mẹ hay đăng nhiều hình ảnh của con trên Facebook khiến con không thích như hình con không mặc đồ lúc nhỏ, hình con đang ăn cơm hay đi chơi... Dịp lễ tổng kết vừa rồi, ba con đi dự lễ cũng chụp nhiều hình giấy khen của con và các bạn để đưa lên nhưng hình nào cũng xấu. Con không thích ba mẹ đăng hình của mình lên Facebook vì con hay xấu hổ với bạn bè. Nhiều khi con nói với mẹ là hình của con xấu quá, bảo mẹ xóa đi nhưng mẹ không xóa mà còn mắng con là “lắm chuyện”. Vì vậy có lúc con lén lấy máy của mẹ để xóa đi những hình mẹ đã đăng mà con không thích. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận