Phóng to |
Bác sĩ Lê Trường Giang - Ảnh: Mỹ Dung |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Lê Trường Giang cho biết:
- Cho tới nay, tại VN chưa có một cơ quan, đơn vị, cá nhân nào lập được danh sách thực phẩm với đúng tên gọi, mã hóa theo chuẩn quốc tế để cơ quan quản lý thực phẩm thông qua đó có cái nhìn toàn cảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn bất cứ địa phương nào.
“Nguồn chuẩn” để cảnh báo VSATTP
* Ông có thể cho biết làm sao để vận hành hệ thống thông tin VSATTP và quản lý an toàn thực phẩm thông qua hệ thống này?
"Một danh mục thực phẩm với các chỉ tiêu kiểm nghiệm, tiêu chuẩn an toàn là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp các cơ quan quản lý vệ sinh thực phẩm biết để điều chỉnh hệ thống mà còn giúp người dân vàcơ quan truyền thông giám sát được thực trạng VSATTP, an tâm để lựa chọn thực phẩm" |
- Danh mục thực phẩm với các chỉ tiêu, quy trình kiểm nghiệm được đưa đến các labo (phòng thí nghiệm). Các phòng thí nghiệm phân tích sẽ dựa vào chuẩn và phần mềm do nhóm viết, thông qua đó sẽ cho kết quả kiểm nghiệm thực tế. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi liên kết với tám phòng thí nghiệm như Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, Trung tâm 3, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và dược phẩm TP, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Trung tâm đào tạo và phát triển sắc ký Hải Đăng, Trung tâm phân tích CNC Hoàn Vũ. Và kết quả được chuyển về cho chúng tôi, từ đó chúng tôi có cái nhìn tổng quát về thực phẩm dựa trên kết quả tổng hợp từ các phòng thí nghiệm này.
Một danh mục gồm sáu lớp của 83 nhóm thực phẩm đại diện cho 1.606 tên thực phẩm được mã hóa và đưa ra các chỉ tiêu, quy trình kiểm nghiệm theo chuẩn VN, bám sát chuẩn thế giới đã được soạn thảo. Đây được xem là “nguồn chuẩn” của hệ thống cảnh báo VSATTP mà TP.HCM dự định cho ra đời.
Nguồn thực phẩm từ các phòng thí nghiệm là nguồn chủ động nên cơ quan quản lý thông qua đó cũng sẽ chủ động giám sát có trọng điểm VSATTP. Khi đi vào thực tế, cách vận hành cũng không có gì khó khăn, nhưng cần nhất là có quy chế thỏa thuận như một quy định của Nhà nước. Vì khó khăn hiện nay là phần lớn labo chỉ chạy phần mềm cá nhân nên khi cho kết quả thì không tổng hợp được. Khi chạy phần mềm khác, nhân viên các labo sẽ thêm việc thì các labo sẽ ngại làm. Đó là lý do vì sao cần một quy định, một quy chế mới vận hành được hệ thống.
* Việc yêu cầu các labo vận hành hệ thống thông tin VSATTP có thể khiến “khách hàng”, phần lớn là doanh nghiệp, phản đối khi họ phải trả tiền cho công đoạn này?
- Yêu cầu chung hiện nay là trước khi đưa thực phẩm vào tiêu thụ trên thị trường, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân... đều phải kiểm nghiệm, phân tích đạt chỉ tiêu chất lượng mới được phép tiêu thụ, lưu hành. Hệ thống thông tin mà chúng tôi nghiên cứu ra chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp lại các thông tin, đưa ra một quy chuẩn chung về những loại thực phẩm, tiêu chí xét nghiệm, tên gọi. Hệ thống này chỉ lấy kết quả, không công bố tên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân làm ra thực phẩm hoặc kiểm nghiệm thực phẩm. Khi có kết quả đưa ra, cơ quan quản lý cũng không xử lý trên từng nhãn hàng của các doanh nghiệp mà sẽ xử lý và cảnh báo trên nhóm thực phẩm. Bởi vậy khi áp hệ thống này vào, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng có lợi trong việc nắm thông tin, kịp thời đưa ra những điều chỉnh cho chính nhãn hàng của mình và quan trọng hơn là có sự thống nhất trong tiêu chí kiểm nghiệm.
Tránh thông tin giật gân
* Tình hình VSATTP của TP hiện ra sao? Theo ông, những cái lợi, nếu có, khi hệ thống này được vận hành tại TP.HCM?
- Qua sáu tháng chạy thử hệ thống, kết quả cho thấy nhiều mẫu thực phẩm tại TP.HCM do doanh nghiệp đưa đến đều không đạt chỉ tiêu. Nhiều thực phẩm vẫn phát hiện các độc tố như nhiễm vi sinh, kim loại nặng, hàn the, formol... Theo tôi biết, kết quả không đạt thì đương nhiên cơ quan quản lý không thể để lưu hành và doanh nghiệp cũng không dám lưu hành. Nhưng điều này càng cho thấy việc vận hành hệ thống thông tin thực trạng VSATTP là cần thiết, cấp bách, làm càng sớm càng có lợi cho nhiều phía. Chẳng hạn, cơ quan quản lý sẽ chủ động nắm các thông tin và chủ động đưa ra sự cảnh báo. Điều này sẽ không tạo nên sự giật gân, đưa đến cho người dân sự tin dùng các thực phẩm, ở một khía cạnh nhất định nào đó là góp phần bình ổn cho xã hội. Điều hay nhất là bất cứ lúc nào định kỳ cũng như đột xuất, chúng ta sẽ có bức tranh toàn cảnh về VSATTP.
Công khai trên website Bác sĩ Lê Trường Giang cho biết hệ thống do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) thực hiện nên thông tin VSATTP sẽ được công khai trên website của đơn vị này. Tuy nhiên, người dân cũng có thể có nhiều kênh khác để nắm bắt thông tin vệ sinh thực phẩm như qua các cơ quan truyền thông, qua những cảnh báo của cơ quan y tế địa phương, trung ương... |
6 lớp thực phẩm chủ lực Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), thành viên của nhóm nghiên cứu và là người trực tiếp viết danh mục, chủng loại thực phẩm và các chỉ tiêu kiểm nghiệm thực phẩm - cho biết danh mục này gồm sáu lớp chủ lực. Lớp 1: rau, củ, quả. Lớp 2: thịt và các sản phẩm từ thịt. Lớp 3: ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc. Lớp 4: sữa và các sản phẩm từ sữa. Lớp 5: nước giải khát và kẹo (thực phẩm bổ sung). Lớp 6: nước uống và các chế phẩm có chất khoáng. Sáu lớp thực phẩm này được chia thành 83 nhóm thực phẩm đại diện cho 1.606 thực phẩm. Tất cả thực phẩm này sẽ được phân tích an toàn vệ sinh thực phẩm dựa trên chỉ tiêu chung, tiêu chuẩn xét nghiệm VN, phương pháp thử, tiêu chuẩn chất lượng, đơn vị tính, giới hạn tối đa, giới hạn tối thiểu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận