Một phiên làm việc của Hội đồng đạo đức nghiên cứu Đại học Monash, Úc - Ảnh: LÊ THU
Các trường học, công sở, cơ quan của Úc từ lâu đã có chỉ dẫn đạo đức cho mọi hoạt động. Người làm nghiên cứu có bộ quy tắc đạo đức về nghiên cứu. Nghề giáo viên có các quy tắc đạo đức dạy học. Các nghề khác như kế toán, truyền thông, kinh doanh, an ninh... cũng vậy, đều tuân thủ những quy tắc đạo đức do các hiệp hội nghề nghiệp ban hành.
Thống nhất chung
Cần hiểu đạo đức trong công việc là thiết lập các bộ quy ước và tiêu chuẩn hành nghề, tiếng Anh gọi là "Code of Ethics" và "Code of Conduct".
Đạo đức là quy ước thực hiện công việc, cần được thống nhất chung trong từng cơ quan để tránh việc mỗi người lao động với cá tính khác nhau, thói quen và năng lực khác nhau có thể sẽ thực thi công việc một cách trái ngược nhau, tiềm ẩn những xung đột trong khi làm việc và có thể vô tình gây hại cho bản thân người lao động và các đối tác.
Nếu hiểu như vậy, đạo đức làm việc không liên quan đến tính cách cá nhân.
Tại Đại học Monash - một trong 8 trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Úc, đạo đức trong nghiên cứu rất được coi trọng.
Trước khi nghiên cứu được tiến hành tại thực địa, người nghiên cứu (bao gồm giảng viên và sinh viên) phải nộp hồ sơ xét duyệt đạo đức cho hội đồng trường.
Hồ sơ xét duyệt đạo đức mô tả chi tiết dự định của người nghiên cứu: sẽ tìm dữ liệu ở đâu, phỏng vấn ai, hỏi gì, địa điểm khai thác dữ liệu, bảo quản và bảo mật dữ liệu như thế nào, công bố dữ liệu trên các ấn phẩm gì, hủy bỏ tài liệu như thế nào, dự phòng các tình huống bất trắc và cách xử lý trong quá trình nghiên cứu...
Hội đồng xét duyệt đạo đức không đánh giá chuyên môn, mà chỉ đánh giá cách thức thực hiện nghiên cứu.
Sau khi hội đồng phê duyệt, nghiên cứu mới chính thức được thực hiện. Theo định kỳ hằng năm, người nghiên cứu nộp báo cáo đạo đức cho hội đồng đạo đức tới khi kết thúc dự án nghiên cứu.
Ba nguyên tắc
Cách quản lý đạo đức trong công việc dựa trên ba nguyên tắc chính. Nguyên tắc thứ nhất là đạo đức công vụ áp dụng với mọi người lao động, từ người mới thử việc tới người sắp về hưu. Vì đạo đức công vụ không phải là tính cách cá nhân, nên không sợ chuyện "tre già khó uốn" như một số ý kiến lo ngại.
Tất cả những người nghiên cứu tại Đại học Monash, dù là giảng viên hay sinh viên, đều phải học đạo đức nghiên cứu. Hiện nay, khóa học đạo đức đang được tổ chức thành 12 chủ đề, học trên mạng. Người nghiên cứu phải tích lũy đủ 12 chứng chỉ trước khi viết hồ sơ đề xuất nghiên cứu.
Nguyên tắc thứ hai là sử dụng người trong nội bộ để giám sát, đánh giá đạo đức công vụ. Mỗi giảng viên có ít nhất một năm thực hiện nghĩa vụ quản lý đạo đức, trong khi vẫn đảm trách những công việc dạy học và nghiên cứu. Như vậy sẽ không phải lo ngại việc "gia tăng biên chế" nếu có thêm bộ phận quản lý đạo đức.
Nguyên tắc thứ ba, quan trọng nhất, là đạo đức của từng cơ quan cấp dưới cần phù hợp với tiêu chuẩn của ngành mà cơ quan đó đang hoạt động và các cơ quan quản lý cấp trên.
Ví dụ, tiêu chuẩn đạo đức của trường học, bệnh viện, tòa soạn báo chí... phải phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của ngành giáo dục, ngành y, ngành báo chí.
Tiêu chuẩn của từng ngành lại cần phù hợp với mục tiêu phát triển vĩ mô của đất nước, phù hợp với những hệ giá trị mà đất nước đó đang theo đuổi.
Nhìn xa hơn, nếu muốn hội nhập toàn cầu thì những giá trị mà một đất nước theo đuổi còn phải phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại.
Những điều không được làm
Cách đơn giản nhất để soạn một bộ tiêu chuẩn đạo đức công vụ là soạn ra những điều không được làm.
Trong khi vẫn chưa thống nhất được quy tắc chung, những người cùng thực hiện công việc giống như nhau có thể cam kết không thực hiện một số công việc mà họ nghĩ rằng có thể có hại cho sự phát triển chung.
Bộ quy tắc đạo đức những điều không được làm phù hợp với tổ chức lớn bao gồm nhiều tổ chức nhỏ khác nhau, có quá đông thành viên và phạm vi, tính chất công việc của mỗi thành viên khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận