17/08/2019 12:41 GMT+7

Thiệt hại khủng khiếp ở Xa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - "Chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam, đâm thẳng vào nhà dân" - Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo lên bộ trưởng.

Thiệt hại khủng khiếp ở Xa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân - Ảnh 1.

Cây gỗ từ thượng lưu trôi về tạo thành đập tạm làm nghẽn dòng chảy - Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp

Nguyên nhân gây lũ quét khủng khiếp ở Xa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được kết luận do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm trên suối Son, sau đó mưa lớn làm nước dâng nhanh phá vỡ đập tạm tạo lũ lớn.

Gỗ ở thượng lưu trôi về tạo thành đập dâng

Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà về kết quả điều tra, phân tích nguyên nhân gây lũ quét trên suối Son, gây thiệt hại nặng tại bản Xa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Theo báo cáo, sau trận lũ quét, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã phối hợp với Viện Khoa học địa chất - khoáng sản điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Bước đầu hai cơ quan này nhận định suối Son có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc gây lũ quét, độ dốc lưu vực lớn, thời gian tập trung nước nhanh, lòng suối co hẹp và mở rộng liên tục, qua một số khe đá tạo ra các nút thắt dễ gây nghẽn dòng tạo nên lũ quét.

Đặc biệt qua quan sát thực tế và phân tích ảnh mây vệ tinh, rađa thời tiết, lượng mưa ở phần thượng lưu suối Son trên đất Lào rất lớn. Còn theo số liệu thực đo trên khu vực Na Mèo, mưa lớn tập trung từ 3-7h ngày 3-8, với tổng lượng mưa trong 5 giờ trên 200mm.

Thiệt hại khủng khiếp ở Xa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân - Ảnh 2.

Qua điều tra thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy có những cây gỗ lớn đường kính tới 1,5-2m bị lũ cuốn về - Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn

"Chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam" - báo cáo nêu.

Báo cáo cũng nêu rõ trên địa bàn bản Xa Ná - nơi lũ quét qua còn rất nhiều cây gỗ pơmu, sa mộc lớn còn mắc lại, những cây này đã khô, theo điều tra những loại gỗ lớn, đặc hữu thế này chỉ còn ở các cánh rừng thuộc đất Lào và biên giới Việt - Lào.

Quá trình điều tra cũng chỉ rõ tại vị trí đầu bản Son, cách bản Xa Ná về phía thượng lưu 1,9km theo đường chim bay, có một vị trí lòng suối thắt lại, độ rộng lòng suối 4m, độ sâu 6m, đây là độ rộng và độ sâu khi bị lũ phá ra.

"Khi chưa bị lũ phá độ rộng lòng suối rất nhỏ. Vị trí mặt cắt nơi này hẹp, hai bên có hai khối đá rất lớn và chắc như thành đập" - báo cáo chỉ rõ.

Cũng qua điều tra, khoảng 6h30 ngày 3-8 lượng cây gỗ và đá trôi về rất nhiều đã gây nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm, từ vị trí đập đến bản Xa Ná chênh cao tới 57m.

"Lượng cây và đất đá trôi về ngày càng nhiều, có những cây dài tới 15-17m, đường kính lên tới 2m nên làm nước dâng rất nhanh. Đến khoảng 7h ngày 3-8, đập tạm bị phá vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu" - báo cáo nêu.

Khi xảy ra lũ lớn, tốc độ cao, hướng lũ chủ lưu chuyển hướng chảy thẳng vào bản Xa Ná cùng với lượng cây và đất đá mang theo.

"Đây là nguyên nhân chính gây nên thiệt hại nặng nề tại bản Sa Ná. Nhận định này phù hợp với các video ghi nhận được khi dòng lũ mang cây cối đâm thẳng vào các ngôi nhà của bản" - báo cáo nêu.

Thiệt hại khủng khiếp ở Xa Ná do gỗ lớn từ thượng nguồn đâm thẳng vào nhà dân - Ảnh 3.

Những tấm gỗ lớn được lũ đưa về ngổn ngang ở bản Xa Ná - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Không tái định cư ở khu vực bãi bồi

Từ kết luận trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học địa chất - khoáng sản kiến nghị không tái định cư cho người dân bản Xa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét. Đồng thời không tái định ở trong các khu vực thường xuyên ngập nước, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét.

Theo các nhà địa chất, trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh.

Ngoài ra, hai cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường giao điều tra, khảo sát tiếp các khu vực tiềm ẩn nguy cơ nghẽn dòng gây lũ quét, sạt lở trong khu vực để đề xuất với địa phương về phương án tái định cư cho người dân trên lưu vực suối Son.

Sa Ná tan hoang sau trận lũ kinh hoàng

TTO - “Lũ lên nhanh và kinh hoàng quá. Mất người, mất của trong chớp nhoáng buổi sáng sớm 3-8, đau lòng quá...". Đó là những tiếng kêu than của người dân ở bản Sa Ná, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) sau trận lũ lịch sử tràn qua vào sáng 3-8.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp