29/08/2011 07:17 GMT+7

Thiệt hại bao nhiêu bồi hoàn bấy nhiêu

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Lần đầu tiên Bộ Tài chính soạn nghị định quy định chi tiết các hành vi và mức phạt trong quản lý, sử dụng tài sản công, gồm cả mức phạt dùng xe công vào việc riêng, dùng quá tiêu chuẩn... Ông Nguyễn Tân Thịnh, cục phó Cục Quản lý công sản, cho biết thêm:

Dùng tài sản công vào việc riêng:

ICu4F9mW.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Ảnh: Cầm Văn Kình

- Hiện nay, các biện pháp chế tài nếu sử dụng sai, quá định mức tài sản nhà nước chủ yếu là nhắc nhở, tạm dừng cấp kinh phí trong kỳ tiếp theo... Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ban hành năm 2008 đã quy định rõ hành vi không được làm, nên chúng tôi soạn nghị định nhằm hướng dẫn cụ thể mức chế tài để có tính phòng ngừa, tránh sai phạm trở nên phổ biến.

* Dự thảo nghị định nêu nhiều hành vi sẽ bị phạt nhưng ai là người phát hiện, quy trình để tạo thuận lợi cho việc phát hiện lại chưa rõ?

- Dự thảo quy định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm xử phạt gồm: UBND cấp xã (có quyền xử phạt đến 2 triệu đồng), UBND cấp huyện (có quyền xử phạt đến 30 triệu đồng và áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả), UBND cấp tỉnh (có quyền phạt đến 50 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả). Ngoài ra, dự thảo nghị định còn cho phép đội ngũ thanh tra tài chính vào cuộc. Thanh tra viên có quyền xử phạt đến 500.000 đồng, chánh thanh tra sở tài chính có quyền phạt tới 30 triệu đồng, chánh thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt đến 50 triệu đồng...

* Người dân có được khuyến khích tố giác và họ phải tố giác ở đâu?

- Người dân có quyền giám sát và tố giác hành vi quản lý, sử dụng tài sản nhà nước không đúng quy định. Nơi tiếp nhận là các đơn vị có thẩm quyền xử phạt đã nêu như UBND cấp xã, huyện, tỉnh, thanh tra sở tài chính... Dự thảo nghị định nêu rõ người có thẩm quyền xử phạt nếu lạm quyền, dung túng, bao che, không xử phạt, xử phạt không kịp thời... sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường.

* Những vụ việc báo chí nêu như dùng xe công đi chùa, dùng xe vượt tiêu chuẩn... liệu có được coi là căn cứ để xử phạt?

- Việc phát hiện có thể qua nhiều kênh khác nhau, có thể qua quá trình thanh tra, kiểm tra, qua phát giác của người dân, cơ quan báo chí... Báo chí có quyền phát hiện, cơ quan có thẩm quyền xử phạt sau khi được cung cấp thông tin có trách nhiệm phải làm rõ để xử lý. Nếu việc xử lý vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên cấp trên đủ thẩm quyền để xử phạt.

* Căn cứ nào để ban soạn thảo đưa ra các mức phạt, như sử dụng xe công vào việc riêng thì phạt từ 5-15 triệu đồng? Mức phạt tối đa 50 triệu đồng/hành vi có quá thấp?

- Chúng tôi căn cứ vào cơ cấu tổng thể chung, cả tính chất, mức độ, giá trị của tài sản công... để đưa ra các mức phạt cụ thể. Ban soạn thảo đã tham khảo các mức phạt ở những lĩnh vực khác như vi phạm trong kế toán, quản lý công sở... Theo tôi, các mức phạt dự thảo đưa ra là phù hợp.

Tuy nhiên, mức tiền phạt cụ thể ban soạn thảo sẽ có cân nhắc thêm trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và người dân. Song, mức phạt tối đa mà nghị định có thể đưa ra không thể vượt quá mức cho phép của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Cần nhấn mạnh là ngoài các hình phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền), các cơ quan thẩm quyền được phép áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Nguyên tắc là gây thiệt hại bao nhiêu sẽ phải bồi hoàn bấy nhiêu. Tùy hành vi, biện pháp khắc phục hậu quả có thể còn lớn hơn mức phạt.

* Khi lãnh đạo lấy xe công đi chùa, thường vẫn có rất nhiều lý do và trách nhiệm sẽ chỉ của lái xe hoặc cùng lắm là chánh văn phòng? Nghị định có “lỗ hổng” ở chỗ này?

- Theo luật, thủ trưởng đơn vị phải có trách nhiệm ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Nên khi phát hiện vi phạm, việc xử lý sẽ phải xem xét trách nhiệm theo quy chế của tổ chức đó xem ai là người phải chịu. Nếu việc điều xe là trách nhiệm của ông chánh văn phòng thì ngay cả khi chịu chỉ đạo của cấp trên, ông cũng phải cảnh báo và không làm nếu đó là vi phạm. Nếu có bằng chứng đã “can gián” mà lãnh đạo vẫn quyết sai thì sẽ được xem xét như là tình tiết giảm nhẹ hoặc không áp dụng việc xử phạt. Quy định xử phạt sẽ buộc mọi người làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh nể nang, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Sử dụng sai tài sản dự án ODA cũng bị xử phạt

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết phạm vi xử phạt trong quản lý sử dụng tài sản công rộng hơn, có ba nhóm: thứ nhất là trụ sở làm việc, máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác... Thứ hai, sử dụng sai tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước (gồm cả vốn ODA và nguồn viện trợ phi chính phủ) cũng sẽ bị xử phạt. Thứ ba, các “tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật” cũng thuộc diện được bảo vệ bởi các mức phạt của nghị định.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp