Hàng chục nhân viên VNPT tại huyện Phú Lộc (Huế) đã trắng đêm kéo dây, nối cáp để đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân vùng lũ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sáu nhiệm vụ cấp bách trước mắt và bảy nhiệm vụ căn bản, lâu dài cần tập trung triển khai trong thời gian tới đã được Chính phủ xác định để đối phó với tình hình bão lũ tại miền Trung.
Trong báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, chính phủ cho biết bão lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở …
Chính phủ khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm tập trung cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau bão, lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân. Đồng thời, tập trung xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 11.500 tấn gạo và dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm khoảng 9.000 tấn gạo, trên 1.000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác phục vụ kịp thời người dân bị ảnh hưởng.
Hàng trăm km đường xá đã bị hư hỏng sau mưa lũ thời gian qua - Ảnh: VĂN THẮNG
Tuy nhiên, về lâu dài, trước diễn biến bão lũ phức tạp, liên tục gây hậu quả nghiêm trọng tại miền Trung, Chính phủ báo cáo Quốc hội sẽ triển khai 7 nhiệm vụ căn bản, lâu dài.
Trước hết là nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.
Chính phủ cũng cam kết nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó được hiệu quả; hiện đại hóa mô hình, công nghệ dự báo; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là các trạm đo mưa, trong đó cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác quan trắc.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Chính phủ khẳng định sẽ điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu; hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, có năng lực, trình độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, chính phủ cho biết sẽ xây dựng và triển khai chương trình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Chính phủ cho biết "Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự phòng ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn"
"Trong đó chú trọng đầu tư cho các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai thiết yếu, cấp bách, các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, dân sinh gắn với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở" - Chính phủ khẳng định với Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận