13.900 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử các loại trị giá hàng tỉ đồng được tập kết tại nơi trung chuyển hàng hóa ở Hà Nội đã bị lực lượng chức năng thu giữ - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, liên tiếp xảy ra các vụ buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số lượng lớn. Năm 2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ trên 200 sản phẩm thuốc lá điện tử; Cục Quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ trên 16.000 bao thuốc lá làm nóng trong năm 2020.
Dồn dập hàng lậu, quản ngày càng khó
Tiếp đến, tháng 1 năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 78.800 điếu thuốc lá làm nóng lại sân bay Tân Sơn Nhất. Tháng 4 - 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 39.800 điếu thuốc lá làm nóng.
Cục Hải quan Hà Nội thông tin tháng 4-2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài phối hợp với Đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, thu giữ 5.000 bao thuốc lá điện tử. Số hàng trên được vận chuyển trên chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines, đi từ Cazakstan qua Thổ Nhĩ Kỳ về sân bay quốc tế Nội Bài.
Một số vụ việc được Cục quản lý thị trường Hà Nội phát hiện gần đây cũng là sự cảnh báo về mức độ gia tăng của mặt hàng này. Đơn cử như vụ thu giữ gần 14.000 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử đang được vận chuyển để tiêu thụ, hay thu giữ tới 31.800 sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử đang được các đối tượng kinh doanh bán qua mạng.
Hay mới đây, kiểm tra một điểm kinh doanh trên địa bàn, Cục quản lí thị trường tỉnh Bình Thuận tạm giữ 1.125 sản phẩm thuốc lá điện tử do Trung Quốc, Malaysia và Mỹ sản xuất. Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận tình trạng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà không có kiểm soát, với số lượng ngày càng gia tăng, khiến Nhà nước thất thu thuế.
Cũng bởi mặt hàng này chưa xác định loại hình sản phẩm để quản lý, áp thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt nên việc quản lý sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ có khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện các cơ quan quản lý nhà nước chưa có hình thức xử lý đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, người tiêu dùng cũng không được sử dụng các sản phẩm bảo đảm về chất lượng và an toàn sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa bởi phần lớn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện nay được đưa vào Việt Nam dưới hình thức xách tay hoặc nhập lậu, không được phân phối bởi chính hãng sản xuất.
Trong khi đó, các nhà sản xuất phải đối mặt thách thức về hàng giả, hàng lậu trên thị trường, không phát huy được trách nhiệm đối với nhà nước và người tiêu dùng.
Không có chính sách quản, thuế bị thất thu
Một chuyên gia so sánh mặt hàng thuốc lá điếu đang chịu mức thuế nhập khẩu 100 - 135% tùy từng khu vực, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế GTGT 10%. Còn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng thì chưa có chính sách quản lý, không bị áp thuế, thì ước tính ngân sách bị thất thu lên tới hàng tỉ đồng.
Trước thực trạng trên, đại diện Tổng cục quản lý thị trường cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
“Chúng tôi xác định rõ mặt hàng này là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả” - vị này nhấn mạnh.
Để ngăn chặn việc kinh doanh thuốc lá điện tử, Tổng cục Hải quan cho biết cũng đã có công văn chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh, thành phố cấm cửa hàng miễn thuế bán thuốc lá điện tử. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đã tạm nhập mặt hàng này mà không được Bộ Công thương cấp phép thì phải buộc tái xuất và xử phạt vi phạm theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận