Phóng to |
Hệ thống nồi hấp - máy giặt - sấy tại Trung tâm Y tế huyện U Minh Thượng đang “ở không” vì trung tâm ít bệnh nhân nội trú, không đủ đồ cho máy hoạt động - Ảnh: TẤN THÁI |
Máy chờ người
Trong giai đoạn 2009-2010, Bệnh viện Đa khoa Kiên Lương được trang bị nhiều thiết bị y tế đắt tiền như máy siêu âm 3D-4D, bộ nội soi đại tràng, ghế và bộ khám điều trị tai mũi họng, máy sóng ngắn điều trị, hệ thống nội soi dạ dày... với tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng. Khi bệnh viện được trang bị các thiết bị này cũng là lúc lãnh đạo bệnh viện thay đổi, một số bác sĩ chuyên khoa chuyển công tác khác nên nhiều thiết bị không có bác sĩ sử dụng. Theo lãnh đạo bệnh viện, đến đầu tháng 10 này thiết bị nội soi đại tràng và dạ dày mới đem ra test thử. Dự kiến cuối tháng 10 mới có khả năng đưa vào sử dụng (hiện nay đang đào tạo bác sĩ). Còn máy siêu âm 3D-4D đã bị hư và đưa đi TP.HCM sửa chữa vẫn chưa lấy về.
Còn tại Bệnh viện huyện An Minh, toàn bộ hệ thống trang thiết bị phòng mổ hơn 3 tỉ đồng có “thâm niên” hơn hai năm... trùm mền. BS Nguyễn Phi Hùng, giám đốc bệnh viện, cho biết: “Khi được trang bị, chúng tôi chưa đào tạo đội ngũ bác sĩ kịp nên chưa triển khai mổ được, máy móc thiết bị phòng mổ phải cất trong kho. Mãi đến giữa năm nay chúng tôi mới đào tạo xong bác sĩ phụ trách phòng mổ nên trang thiết bị cho phòng mổ mới được mang ra dùng”.
Còn Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Thuận được trang bị hệ thống phẫu thuật nội soi nhưng không đầy đủ (thiếu màn hình monitor) nên không thể phẫu thuật nội soi được, phải tiếp tục mổ hở một thời gian dài.
Lãng phí
Năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đề án “Đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa và phòng khám đa khoa khu vực giai đoạn 2008-2012”. UBND tỉnh yêu cầu khi lập đề án nêu rõ những danh mục cần thiết phải đầu tư, các trang thiết bị cần thiết phải mua sắm.
Mới đây, thanh tra tỉnh thanh tra Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng ngành y tế (thuộc Sở Y tế tỉnh) đã phát hiện công tác mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu điều trị cụ thể của từng bệnh viện. Tại một số bệnh viện tuyến huyện như An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương... nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao được đầu tư mua về mà chưa chuẩn bị đủ về mặt nhân lực, kỹ thuật hoặc cơ sở vật chất nên để trong kho kể từ ngày bàn giao cho đến nay. Một số trang thiết bị mua sắm chưa đồng bộ nên không thể đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, thanh tra tỉnh cũng phát hiện các trang thiết bị kỹ thuật cao, có giá trị kinh tế lớn như máy CT-Scanner sử dụng tại các đơn vị có tình trạng xuống cấp nhanh khi vừa hết thời gian bảo hành khiến tốn kém nhiều kinh phí sửa chữa, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Thanh tra tỉnh nhận định việc trang bị máy móc, thiết bị y tế có giá trị cao chưa đưa vào sử dụng ngay là lãng phí.
Trong khi đó ông Lê Hoàng Anh, giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho rằng các thiết bị y tế trang bị cho các bệnh viện là theo nhu cầu sử dụng của địa phương, Sở Y tế không tự mua và cấp. Mua sắm trang thiết bị y tế không đồng bộ là do dự trù mua có sơ sót, thiếu kinh nghiệm hoặc dự kiến kết hợp với thiết bị sẵn có nhưng không thành công. Ngoài ra, trong thời gian qua có mua một số trang thiết bị y tế chưa đưa vào sử dụng ngay vì do đặc thù khi mua về cần phải đào tạo sử dụng...
“Lãng phí trong mua sắm trang thiết bị y tế là có nhưng chỉ ở một số ít bệnh viện. Có nơi cần một chi phí nhỏ nhằm hoàn thiện đưa thiết bị vào sử dụng như thiếu một đoạn dây điện, thiếu một đường ống dẫn nước, thiếu bệ ximăng để đặt máy nhưng lại không làm. Vì vậy việc lãng phí trang thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến huyện có một phần do lãnh đạo các bệnh viện trông chờ vào kinh phí của tỉnh”- ông Hoàng Anh nói.
Cũng theo ông Hoàng Anh, tới đây ngành y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của các bệnh viện được đầu tư mua sắm bằng nguồn kinh phí nhà nước. Đồng thời gắn trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện quản lý trang thiết bị y tế từ khâu dự trù mua đến quá trình đưa vào sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận