Thiết bị DAT lắp trên ô tô tập lái (góc dưới bên phải)
DAT bắt buộc áp dụng trên toàn quốc từ ngày 15-6-2022.
Chống tiêu cực và dễ quản lý
Với việc truyền dữ liệu trong vòng 5 phút/lần về Cục Đường bộ, DAT sẽ giúp kiểm soát đầy đủ thông tin, buộc người học và giáo viên phải đi đủ số km, học đủ số giờ thực hành. Nếu không thì sẽ không được phép dự sát hạch cấp giấy phép lái xe. Như vậy, không thể cắt xén được chương trình đào tạo quy định.
Mặt khác, nhờ DAT mà cơ sở đào tạo lái ô tô cũng quản lý được công việc của giáo viên thực hành, người học và cả lượng nhiên liệu tiêu hao một cách hiệu quả, chính xác.
Nhưng ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Canada hay Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore hiện nay đều không dùng thiết bị DAT hay kiểm soát số km học thực hành lái ô tô là một điều đáng xem xét.
Các chức năng của DAT
Trái với giáo dục nghề nghiệp
Tuy vậy, với DAT, mọi người học lái ô tô bất kể khác nhau về trình độ học vấn, năng lực tự học, kinh nghiệm, đặc điểm tâm lý đều phải học số giờ như nhau, thực hành một số km như nhau. Dù chưa từng ngồi trên chiếc ô tô lần nào hay đã từng học một vài khoa mục thực hành lái xe trước đây rồi cũng như nhau.
Điều này trái với quy định về đào tạo trình độ sơ cấp trong giáo dục nghề nghiệp: "Khi bắt đầu khóa học, kỳ học hoặc đợt học và trước khi học từng mô đun, giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng nghề của từng người học; tinh thần thái độ học tập của người học (đánh giá năng lực người học) để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp".
Luật giáo dục nghề nghiệp cũng quy định, với những trường hợp vừa học, vừa làm như lái xe ô tô thì "phải phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học, kinh nghiệm của người học" (điều 41). Nghĩa là tùy theo năng lực, kinh nghiệm của người học mà giáo viên thiết kế tiến trình dạy học phù hợp.
Khác với đào tạo lái xe hiện đại
Với mục tiêu tối hậu là đảm bảo an toàn giao thông, đào tạo lái xe hiện đại là cá nhân hóa và tuân thủ 5 nguyên tắc sư phạm sau:
1. Lấy người học làm trung tâm: Giáo viên sử dụng nội dung, phương pháp, cách thức tốt nhất cho từng người học.
2. Học tập và giảng dạy theo định hướng mục tiêu: Học viên luôn biết mình phải học gì và đạt được mục tiêu nào.
3. Học tập có động lực: Giáo viên xây dựng cảm giác tự tin cho người học lái xe, từ đó giúp họ có động cơ học tập đúng đắn để phát triển năng lực và cả nhận thức xã hội.
4. Học tập suy ngẫm: Những đánh giá, phản hồi của giáo viên giúp người học suy ngẫm để phát triển các kỹ năng, kiến thức, thái độ và giá trị của chính mình thay vì chỉ là truyền đạt, chỉ dẫn.
5. Học tập tự đánh giá: Học viên nhận thức và có trách nhiệm hơn đối với quá trình học tập của chính mình bằng cách đánh giá sự phát triển bản thân và điều chỉnh tiến độ học cho phù hợp. Đây là nhân tố then chốt để phát triển các kỹ năng học tập suốt đời cho người lái xe.
Đáng tiếc là không chỉ thiết bị DAT mà cả chương trình đào tạo lái xe ô tô hiện nay ở nước ta không giúp đạt được những điều này.
Úc là nước có quy định về chương trình đào tạo lái xe như Việt Nam, tuy nhiên không thực hiện "cứng" theo kiểu DAT. Người mới vào học được kiểm tra để công nhận việc học trước (Recognition of Prior Learning - RPL) và công nhận năng lực hiện tại (Recognition of Current Competencies - RCC), từ đó có lộ trình đào tạo phù hợp với mình.
Bất cập khi bị đối phó
Đã có hiện tượng giáo viên chọn những tuyến đường dài, bằng phẳng như quốc lộ, tỉnh lộ để nhanh đạt số km cần thiết và đỡ phải hướng dẫn nhiều. Điều này sẽ khiến người học không được tập luyện đúng mức để xử lý tình huống trong luồng giao thông đông đúc, ở nơi giao nhau phức tạp, đường hẹp và quanh co hay khu vực tiềm ẩn nguy hiểm cao. Do vậy, có thể giảm thay vì tăng được cấp độ kỹ năng so với trước khi dùng DAT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận