Trailer phim Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ
Thiên thần hộ mệnh có vỏ bọc là câu chuyện nuôi Kumanthong cầu danh lợi trong showbiz, dàn diễn viên đẹp, quay phim rất đẹp, trang phục lộng lẫy, âm nhạc thời thượng. Yếu tố Kumanthong được mô tả, giải thích kỹ bằng các cảnh phim rùng rợn pha chút kinh dị.
Thế nhưng, kịch bản có nhiều lỗi, sạn. Tâm lý nhân vật nhiều khi mâu thuẫn đến khó tin.
Kịch bản, tâm lý không xứng với khâu sản xuất đồ sộ
"Con cũng chỉ là nạn nhân thôi. Con cũng ám ảnh và đau đớn lắm" là câu nói của một nhân vật trong Thiên thần hộ mệnh. Câu nói tưởng như không có gì bất ổn thực ra lại rất bất ổn: nó không nên được nói ra đầu môi, hãy để nhân vật tự bộc lộ nỗi ám ảnh và đau đớn đó.
Thay vào đó, phim để nhân vật vẫn sống vui tươi, mua sắm váy và hoa tai, lên mạng hát và livestream. Quá trình cô "ám ảnh và đau đớn" thể hiện thêm một lần ít ỏi qua lời nói của người bạn thân, rằng nhân vật đã nghỉ học 2 tháng với lý do thất tình.
Trúc Anh vai ca sĩ hát bè Mai Ly và Salim vai ca sĩ ngôi sao Lam Phương trong "Thiên thần hộ mệnh" - Ảnh: ĐPCC
Nhóm biên kịch dày dạn kinh nghiệm của Victor Vũ hẳn nắm rõ nguyên tắc "show, don't tell" (tả, không kể). Chính vì vậy, lại càng kỳ lạ khi họ để nhân vật kể lể nhiều nhưng không thực sự nhập tâm và sống cùng những cảm xúc đó.
Nhân vật nam chính nói về bạn gái đã qua đời: "Cô ấy là tất cả của anh". Anh gọi cô là "tri kỷ". Vấn đề là trong 2 cảnh chung của đôi tình nhân này, cộng với nhiều cảnh khác của nam chính đều không lột tả được tình cảm mãnh liệt ấy.
Một nhân vật khác là nạn nhân bị hiếp dâm nhưng không hề e sợ và bỏ ngoài tai khi thủ phạm đe dọa. Rồi cũng chính cô tự tử chỉ một ngày sau khi clip bị tung lên mạng. Nếu cô thật sự "yếu đuối" (như một nhân vật khác nói), đáng ra phải hoảng sợ từ sớm và tìm kiếm sự giúp đỡ, nhất là khi gia đình lẫn chồng sắp cưới đều có quyền lực.
Nhân vật nữ ca sĩ Lam Phương (Salim) ít nhiều có được sự thương cảm, đồng cảm của khán giả khi có tính cách tốt, bao dung ở đầu phim, tuy nhiên đó là trước khi nhân vật bị đẩy vào một khúc ngoặt khó hiểu.
Khâu sản xuất của "Thiên thần hộ mệnh" rất công phu với việc mua búp bê Kumanthong, Lukthep từ Thái Lan và tìm hiểu kỹ về cách bày biện phòng thờ, làm phép để phản ánh trong phim
Nhân vật chính Mai Ly (Trúc Anh) đẹp nhưng nhạt nhòa khi người xem không cảm nhận được tính cách hay mục đích sống. Cô nửa vời trong mọi thứ: từ mong muốn làm ca sĩ, thèm muốn danh tiếng của Lam Phương (Salim) đến tình yêu đơn phương với Khánh (Samuel An).
Thiên thần hộ mệnh cũng không đào sâu cái tứ khá hay về khoảng cách địa vị giữa một giọng ca tài năng, có xuất phát điểm thấp kém với một giọng ca bình thường mà có bệ phóng vững chắc là gia đình giàu có và người quản lý tài năng.
Cái chết của nhân vật Lam Phương được hé lộ từ sớm
Thứ được đào sâu quá đà trong phim là quá trình nhân vật sa chân vào con đường nuôi búp bê Kumanthong, thỉnh thầy từ Thái Lan về làm phép hóa thành âm binh quỷ nhi. Yếu tố này phim làm kỹ, thỏa mãn sự tò mò và gây cảm giác rùng rợn, hồi hộp.
Nhiều nhược điểm nói trên gộp lại tạo nên hệ thống nhân vật, câu chuyện thiếu thuyết phục và không lay động. Vì tình yêu, nỗi ám ảnh, nỗi đau, sự giày vò hay mất mát - nếu được hóa thân trọn vẹn chứ không chỉ qua lời nói - mới có thể khiến khán giả tin và rung cảm.
Chưa chạm vào trái tim
Một bộ phim có thể kết thúc có hậu hoặc không, nhưng luôn phải tạo ra hi vọng. Hi vọng đến từ những nhân vật là điểm neo về đạo đức, nhân cách, thể hiện tính nhân văn, hé lộ ánh sáng cuối đường hầm.
Thiên thần hộ mệnh không có điểm neo này khi tất cả đều bị cuốn vào vòng xoáy hận thù, nhân vật được chọn mang thông điệp tươi sáng lại diễn xuất quá yếu ớt.
Amee diễn xuất dễ thương nhưng những phân cảnh của cô như biến bộ phim thành phim hài học đường thay vì một phim tâm lý giật gân căng thẳng
Cái kết của phim có thể nói là thiếu nhân văn. Hành trình chuộc lỗi của một nhân vật vốn đã trọn vẹn khi đi đến thú tội và hối hận, nhưng cú bồi thêm sau đó lại rất khó hiểu, chẳng lẽ chỉ để phục vụ một cảnh quay đẹp?
Thiên thần hộ mệnh rơi vào một điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt: không chạm được vào trái tim khán giả.
Chẳng hạn, Bố già không phải là một phim hay, nhưng chạm vào trái tim khán giả nhờ Trấn Thành đã "sục sạo" vào từng ngóc ngách cảm xúc, mâu thuẫn trong các gia đình Việt Nam và lột tả chúng trên màn ảnh.
Còn với Thiên thần hộ mệnh, khán giả không buồn bã hay thương cảm khi nhân vật dấn sâu vào sai lầm và bi kịch. Họ cười rộ lên trong những phân cảnh đáng ra phải sợ, chỉ vì sự xuất hiện quá lộ liễu và phá nát cảm xúc của một nhãn hàng mì ăn liền tài trợ.
Samuel An là gương mặt mới do Victor Vũ phát hiện, anh có vẻ ngoài nam tính nhưng diễn xuất chưa đủ gây ấn tượng
Scandal 1 - Cái bóng khó vượt qua của Victor Vũ
Thiên thần hộ mệnh từng được coi là "Scandal 3" do nói về mặt tối showbiz và nạn bùa ngải. Thế nhưng, sau 9 năm, Scandal: Bí mật thảm đỏ vẫn là phim tâm lý giật gân hay nhất của đạo diễn Victor Vũ, tính cả sự đi xuống của anh ở phần hai Scandal: Hào quang trở lại (2014).
Đó là điều đáng tiếc khi xét riêng về trình độ kỹ thuật, đạo diễn đã lên tay rất nhiều ở khâu quay phim, dựng phim, thiết kế sản xuất, thiết kế mỹ thuật.
Diễn viên Maya trong phim Scandal: Bí mật thảm đỏ của Victor Vũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận