Bé Su Su đang lớn dần lên trong tình yêu thương của chị Hải, của các “mẹ hiền” ở Trường mầm non Sơn Ca và cả xã hội - Ảnh: NHẬT LINH
Nhiều đêm con ngứa, cứ gãi đến trầy da, chảy máu rồi òa khóc! Thấy thế, mình chỉ biết ôm con mà khóc theo.
Chị LÊ THỊ HẢI
"Su Su đang ngủ cùng các anh chị lớp lớn. Em ru con ngủ rồi, chị tranh thủ chợp mắt đi một lát kẻo mệt" - cô giáo Hồ Thị Khoái nói với mẹ bé Su Su.
Thiên thần bị bỏ rơi và trái tim mẹ Hải
Tiếng khóc dưới hầm vệ sinh
Người mẹ đặc biệt ấy chính là chị Lê Thị Hải, cấp dưỡng của Trường mầm non Sơn Ca (xã Hồng Kim, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế).
Sớm ngày 9-1-2018, rẻo cao A Lưới lạnh thấu xương. Chị Hải (người dân tộc Pa Cô) dậy thật sớm, chuẩn bị đến trường. Đang loay hoay khóa cửa, chị nghe tiếng kêu thất thanh của cậu bé Vê từ phía nhà đối diện: "Con ma rừng! Con ma rừng về rồi cô Hải ơi!".
Vê vừa chạy đến chị Hải vừa run rẩy chỉ tay về phía nhà vệ sinh dựng tạm bợ tựa vào hàng cà phê rậm rạp. Định thần một lát, cậu bé mới lắp bắp thêm được: "Cháu đang đi vệ sinh thì nghe tiếng khóc trẻ con. Tiếng khóc the thé, đứt đoạn, nghe sợ lắm. Nhìn quanh thì không thấy gì cả. Chắc con ma rừng về rồi cô Hải ơi".
Nghe con ma rừng, một người dân tộc miền núi như chị Hải cũng run, nhưng vẫn muốn biết sự thật. Hai cô cháu ráng trấn tĩnh, quay lại nhà vệ sinh. "Đúng là có tiếng trẻ con khóc rên thật. Nhưng tìm quanh khu vực không thấy gì, nên tôi cũng hơi sợ" - chị Hải nhớ lại.
Mẹ Hải và bé Su Su - Ảnh: NHẬT LINH
Cố gắng nghe kỹ, chị Hải phát hiện tiếng khóc đó càng gần nhà vệ sinh thì càng rõ. Qua một lỗ nhỏ, chị run rẩy rọi đèn pin xuống hầm xí thì thấy có tấm zèng (thổ cẩm của người dân tộc thiểu số ở A Lưới) cuộn tròn lại và buộc chặt bằng lá chuối khô. Bên ngoài tấm zèng lòi ra cuống dây như dây rốn còn vương máu bầm, thỉnh thoảng bên trong lại thấy nhúc nhích và tiếng khóc rên phát ra.
Lập tức chị Hải dùng cành cây dài cẩn thận móc cuộn zèng lên. Mở ra, chị giật mình thấy một bé gái đỏ hỏn còn nguyên dây rốn đang nằm cuộn mình trong tấm zèng mỏng tanh. Phần chân bé tím tái, người dính đầy chất dơ bẩn.
Bé Su Su ngủ ngon lành trong tấm zèng đã cứu em sống sót dưới nhà vệ sinh năm nào - Ảnh: NHẬT LINH
"Tôi tội thân bé quá, không kìm nổi, cứ bật khóc thành tiếng. Hàng xóm đến rất đông, đưa bé vào nhà rửa nước ấm rồi chuyển đi bệnh viện cấp cứu" - chị Hải xúc động nhớ lại.
Các cô giáo Trường mầm non Sơn Ca cũng yêu thương Su Su - Ảnh: NHẬT LINH
Không nỡ xa bé
Tại Trung tâm Y tế huyện A Lưới, bác sĩ bảo chỉ chậm chút nữa bé sẽ chết vì lạnh và nhiễm trùng. Bé nặng 2,5kg, được đưa vào lồng ấp sơ sinh với chế độ theo dõi đặc biệt.
UBND xã Hồng Kim thông báo tìm người thân của bé nhưng không ai đến. Quá xót xa, chị Hải xin nhận nuôi bé dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chồng mất sớm, chị phải gồng gánh nuôi 3 người con bằng đồng lương cấp dưỡng mầm non ít ỏi.
"Nhưng thương bé lắm! Người ta cố tình bỏ con dưới hầm xí như muốn giết con rồi!" - chị Hải rơm rớm nước mắt.
Sức khỏe bé dần ổn định, chị bế bé về nhà mình và đặt tên là Su Su. Rồi chị lên Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế làm thủ tục nhận nuôi và giấy khai sinh. Bé mang họ mẹ với cái tên thật đẹp Lê Thảo Hiền, và trở thành con của mẹ Hải.
Ngày qua ngày, Su Su lớn dần trong vòng tay yêu thương của mẹ Hải. Thấy hoàn cảnh mấy mẹ con nghèo khổ rau cháo nuôi nhau, bà con xóm Đụt 1 ai cũng thương. Người cho mớ rau, người giúp con cá suối... phụ cùng mẹ Hải nuôi Su Su.
Ngày bé Su 8 tháng tuổi, mẹ Hải đưa bé đến Trường mầm non Sơn Ca để vừa làm việc vừa tiện chăm bé. Thế là từ đó bé có thêm 20 người mẹ là các cô giáo, nhân viên cấp dưỡng ở trường miền núi nghèo này. Khi chị Hải bận tay trong bếp, Su Su được các cô giáo thay nhau bế bồng, chăm sóc.
Mỗi tháng, 20 mẹ hiền của bé Su cùng nhau góp ít tiền từ đồng lương nhỏ bé để đóng tiền ăn ở trường cho bé. "Ngoài ra, ai có quần áo, cái chăn hay hộp sữa đều san sẻ cho Su. Ai cũng thương Su như con mình cả" - cô Lê Thị Thu Bồn, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, tâm sự.
Nựng Su Su trên tay, cô giáo Lý cứ tấm tắc khen bé ngoan lắm: "Đến giờ nghỉ trưa là con tự giác cùng anh chị lớp lớn lấy chăn gối, nằm ngủ cùng. Không chỉ chúng tôi, mà cả các anh chị lớp lớn ở đây đều coi con như bạn thân mới 16 tháng tuổi".
Nhà vệ sinh nơi chị Hải tìm thấy bé Su - Ảnh: NHẬT LINH
Chắt chiu, chữa bệnh cho con
Chiều tà, ráng vàng mờ dần sau núi, mẹ Hải địu Su sau lưng bằng chính tấm zèng đã cuộn bé bỏ dưới hầm nhà vệ sinh để về nhà. Nhà không có ai, 3 người con của chị Hải đều đã đi làm ăn xa kiếm tiền cùng phụ mẹ nuôi em Su. Thế là cứ để cho con ngủ trên lưng, mẹ Hải đi thẳng một mạch ra rẫy sau nhà hái lá thuốc về tắm cho bé.
"Con bị bệnh ngoài da từ nhỏ, chắc do mới sinh ra đã bị bỏ rơi ở hầm vệ sinh nên bị chất bẩn dính đầy người gây lở loét" - mẹ Hải xót xa nói và kể thêm đã đưa bé đi nhiều bệnh viện, cho uống cả chục đơn thuốc nhưng bệnh tình vẫn không khỏi.
Chân bé Su Su bị lở loét do lúc mới sinh ra đã bị vứt bỏ dưới hầm nhà vệ sinh nên chất bẩn dính đầy, gây viêm loét - Ảnh: NHẬT LINH
Chị Hải địu bé Su Su lên rẫy hái thuốc về tắm cho em. Lúc này, em vẫn ngáy khì khì ngon lành sau lưng mẹ - Ảnh: NHẬT LINH
"Nhiều đêm con ngứa, gãi đến trầy da, chảy máu rồi òa khóc! Thấy thế, mình chỉ biết ôm con mà khóc theo con vì không làm gì được" - chị ứa nước mắt.
Một dạo, người quen của chị khuyên nên đưa bé Su đến bệnh viện ở TP Huế khám. Lục khắp túi chỉ được mấy trăm nghìn đồng, chị Hải bất lực nhìn con mà chỉ biết khóc. Chuyện đến tai một cô giáo. Thế là Trường mầm non Sơn Ca vận động góp tiền cấp tốc. Mọi người chung tay được hơn 2 triệu đồng để chị Hải đưa con đi Huế.
Bác sĩ bảo chị cho bé Su nhập viện để điều trị lâu dài. Thiếu tiền, chị đành xin bác sĩ cho mua thuốc về nhà uống. "Từ đó đến nay mình đã cố dành dụm được thêm chút tiền, định hè này đưa con về Huế nhập viện cho bác sĩ điều trị nhưng không biết có đủ tiền không?" - chị Hải thở dài.
Lúc chia tay hai mẹ con, Su Su vẫn đang ngáy sau lưng mẹ. Bé con cuộn tròn trong tấm zèng ấm hơi người mẹ không sinh ra mình nhưng thương yêu như ruột thịt. Người mẹ đã cứu sống bé ở hầm vệ sinh và đang chắt chiu từng ngày để con khỏe mạnh bước vào đường đời.
Mẹ Hải thương Su như ruột thịt
"Chị Hải khiến tôi vô cùng cảm phục. Gia đình chị là hộ nghèo, một mình gồng gánh nuôi 3 đứa con với mức lương cấp dưỡng chỉ gần 2 triệu đồng mỗi tháng là đã quá khổ rồi. Nay lại thêm bé Su nhưng chị vẫn quyết nuôi nấng yêu thương.
Nhiều người đến xin nhận bé làm con nuôi thì chị không đồng ý, vì sợ người ta không thương hay lại bỏ bé lần nữa thì tội" - cô Lê Thị Thu Bồn, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận