18/05/2021 09:38 GMT+7

Thiên thần áo xanh trong khu cách ly, phong tỏa

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Những ngày đầu tháng 5, lần thứ ba dịch COVID-19 quay trở lại TP Đà Nẵng, các ca bệnh được phát hiện liên tiếp và những khu cách ly tập trung F1, F2 nhanh chóng được thành lập. Số lượng người vào ngày một đông.

Thiên thần áo xanh trong khu cách ly, phong tỏa - Ảnh 1.

Tình nguyện viên hỗ trợ trong một khu cách ly F1 ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Lời kêu gọi đoàn viên, thanh niên tham gia tình nguyện được truyền đi. Không ngần ngại, những người trẻ lại xung phong lên đường.

Sẽ không sao đâu, con còn trẻ, khỏe, đảm bảo an toàn cho bản thân nên ba đừng lo.

LÊ KHÁNH BẢO CHÂU

Người trẻ không gánh thì ai gánh?

Đúng 6 giờ sáng, Y Thắm (21 tuổi) quê ở Kon Tum và 4 tình nguyện viên tại khu cách ly Trường tiểu học Tiểu La, quận Sơn Trà gọi nhau dậy, thực hiện nhanh sinh hoạt cá nhân rồi lao vội xuống cổng trường nhận đồ ăn sáng đưa đến các phòng học đang là nơi nghỉ ngơi của người cách ly.

Nhanh nhẹn phát hơn 100 phần ăn sáng, hỗ trợ những người cần giúp đỡ, xong đâu đó nhóm mới tranh thủ ăn để kịp dọn vệ sinh. Ngày nào cũng thế, công việc của các tình nguyện viên là giao thức ăn, dọn vệ sinh, mang đồ tiếp tế bên ngoài gửi vào cho người cách ly, sắp xếp các phòng trống để chuẩn bị đón thêm người mới, giúp đỡ lực lượng y tế theo dõi sức khỏe các F1 và hỗ trợ thủ tục chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nếu phát hiện ca dương tính. 

Nhiều việc liên tục cần làm trong ngày nhưng khi được hỏi có mệt không, Y Thắm cười xòa: "Mấy ngày đầu khá mệt và áp lực, nay quen việc rồi nên đỡ hơn nhiều".

Thắm nhớ lại dù đã là lần thứ hai tham gia phục vụ trong khu cách ly nhưng đêm trước khi đi, cô vẫn không tài nào chợp mắt. Bạn tâm sự: "Hồi hộp phần vì vui khi được góp sức chống dịch, phần vì lo bởi xác định đi vào khu cách ly là tự biến mình thành F1, nguy cơ lây nhiễm cao".

Thời điểm này cô sinh viên Trường CĐ Bách khoa Đà Nẵng đang phải làm đề án tốt nghiệp. Mỗi đêm sau ca trực, Thắm lại lôi tài liệu ra nghiên cứu đề tài. Sau nhiều ngày chạy đủ việc trong khu cách ly, đôi chân Y Thắm từ căng cơ nay đã sưng tấy, cứ đêm về lại đau nhức nhưng cô bảo không vấn đề gì lớn cả. Mọi người làm được thì mình vẫn làm được.

Chung ca trực với Thắm có Nguyễn Văn Chung (23 tuổi, quê ở Quảng Bình) cũng là tình nguyện viên đã có kinh nghiệm phục vụ khu cách ly. Chung cho biết đợt này phục vụ cách ly vất vả hơn đợt dịch hồi tháng 8 năm ngoái. Bởi trời mùa hè nắng như thiêu, phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong nhiều giờ khiến cơ thể mọi người mất nước. Nhưng việc uống nước cũng phải hạn chế vì đi vệ sinh rất bất tiện.

Chung kể lại: "Có hôm cao điểm tiếp nhận hơn 60 F1 cách ly, phải sắp xếp chỗ ở và chuyển đồ tiếp tế từ bên ngoài liên tục khiến chúng tôi kiệt sức, đôi chân không đứng nổi". Chung bảo rằng sợ thì ai cũng sợ cả, nhưng người trẻ không gánh trách nhiệm này thì còn ai gánh.

Vượt nỗi đau, đi tuyến đầu

Tất cả tình nguyện viên trước khi tham gia nhận nhiệm vụ đều được tập huấn về những phương pháp phòng chống dịch, những nguyên tắc để bảo vệ bản thân và mọi người. Thế nhưng đối diện với F0, lắm lúc họ cũng hoang mang.

Nguyễn Văn Thành Khoa (22 tuổi) là sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã có hơn 10 ngày hỗ trợ tại một khu cách ly ở quận Sơn Trà. Sơn Trà đang là điểm nóng của dịch COVID-19 khi có đến hàng chục ca bệnh và hàng ngàn người phải cách ly. Nhóm của Khoa chỉ có 5 tình nguyện viên với hơn 150 người cách ly cần hỗ trợ mỗi ngày. Có hôm nhận tin 22 F1 trong khu có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Khoa không giấu được hoang mang. 

"Nhưng chúng tôi kịp trấn an mình. Tự nhủ mình không được sợ mới đủ tinh thần động viên mọi người. Bởi khi một người biết tin dương tính, họ rất suy sụp. Chúng tôi phải bình tĩnh hết sức lấy lại tinh thần cho họ" - Khoa chia sẻ.

Đêm đó, cả nhóm cùng nhân viên y tế làm việc liên tục đến 1h sáng mới cầm vào hộp cơm nguội ngắt, nhai trệu trạo rồi đi ngủ để mai có sức tiếp tục công việc. Có những đêm thức trắng, tiếng xe cấp cứu réo. F0 chuyển đi, F1 lại đến, liên tục, gấp gáp.

Không chỉ các tình nguyện viên trong khu cách ly, những bạn trẻ tình nguyện chốt chặn ở các khu phong tỏa cũng đang căng mình giữ cho thành phố bình yên. Khu chợ Bắc Mỹ An, nơi phát hiện ca nghi nhiễm bốn phía ra vào đều có chốt chặn nghiêm ngặt. Người dân sống quanh chợ chỉ ra vào khi thực sự cần thiết và có giấy thông hành. 

Ở mỗi chốt chặn, ngoài lực lượng công an, dân quân tự vệ, còn có bóng dáng những áo xanh thanh niên túc trực. So với áp lực trong khu cách ly, ở các điểm phong tỏa "sức nóng" cũng không kém. Cô gái nhỏ nhắn Lê Khánh Bảo Châu, học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn, tranh thủ giờ vắng người tháo đôi găng tay cao su để lau dòng mồ hôi ướt sũng.

Tuổi 17, Châu nhỏ nhất đội hình nhưng đã có hai lần tham gia chốt chặn khu phong tỏa. Câu chuyện về Châu khiến ai nghe cũng nhói lòng và khâm phục. Năm ngoái khi đang tham gia chốt chặn khu dân cư phong tỏa, Châu nhận tin mẹ cô qua đời vì COVID-19 bởi bệnh nền nặng. Bệnh viện Đà Nẵng lúc ấy phong tỏa trong thời gian dài, Châu không thể nhìn mặt mẹ lần cuối. Cũng không thể nhìn thấy thi thể mẹ được hỏa táng. 

"Nỗi đau đó cứ day dứt mãi trong lòng mình càng khiến mình mạnh mẽ, căm hận con virus quái ác này, mong muốn nó biến mất hơn ai hết" - Châu xúc động.

Sau ngày mẹ mất, cô gái kiên cường lại tiếp tục công việc chốt chặn, hỗ trợ phong tỏa các điểm nóng để dập dịch. Bẵng đi một thời gian, nay bất ngờ COVID-19 quay trở lại. Bảo Châu lại quyết tâm lên đường.

Đã hơn 10 ngày trực chốt, trở về nhà khi tối muộn, nhìn người cha lo lắng, Châu lại trấn an cha: "Sẽ không sao đâu, con còn trẻ, khỏe, đảm bảo an toàn cho bản thân nên ba đừng lo". Châu nói trấn an cha nhưng bản thân càng bảo đảm các biện pháp an toàn. Cuối mỗi ca trực, Châu khử trùng thật kỹ rồi mới về nhà bởi nhà chỉ còn hai cha con nương tựa nhau.

Theo thông tin từ Thành đoàn Đà Nẵng, toàn thành phố có hàng ngàn đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia góp sức chống dịch.

Trong đó ngoài đội hình phục vụ khu cách ly, các điểm phong tỏa còn có lực lượng tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền phòng dịch và đội hình sẵn sàng chờ hiến máu khi cần.

'Những ngày bố đi về mà không hôn con nữa...'

TTO - 6 ngày nay, đội tình nguyện khoác lên mình áo xanh thanh niên xung phong hỗ trợ phòng chống dịch ở 'điểm nóng' Đạo Lý. Mỗi ngày từ 7h sáng đến 2h đêm, họ vận chuyển rau xanh, đồ tiếp tế cho bà con nhân dân trong khu vực cách ly xã hội.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp