Thiên thạch 1998 OR2 - Ảnh: NASA
Theo NASA, vào ngày 29-4 tới đây, thiên thạch 52768 (1998 OR2) sẽ bay ngang Trái đất ở khoảng cách 6,3 triệu cây số, đi với vận tốc 32.000km/h. "Tuần này chúng ta sẽ đón tiếp thiên thạch 1998 OR2, trông giống như đang mang khẩu trang", NASA thông báo.
Nhà nghiên cứu Anne Virkki từ đài thiên văn Arecibo cho rằng do thế giới trải qua thời gian dài đương đầu COVID-19 nên giờ đây rất dễ liên tưởng đến những vật dụng liên quan đến đại dịch. "Nhưng thật sự thiên thạch lần này rất giống khẩu trang", Anne Virkki nói.
1998 OR2 thuộc nhóm các thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm do đường kính của chúng lớn hơn 150m. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của NASA cho rằng trong đợt "ghé ngang nhà" Trái đất lần này, thiên thạch sẽ không gây ảnh hưởng.
Trước đó khi phát hiện lần đầu vào năm 1998, NASA nhận định 1998 OR2 lớn đến mức có thể để lại ảnh hưởng đến toàn cầu nếu quỹ đạo bay của nó quá sát Trái đất.
So sánh 1998 OR2 và chiếc khẩu trang - Ảnh: TWITTER
Hiện tại, 1998 OR2 bay trên quỹ đạo cách Trái đất khoảng 8 triệu km. Về địa chất, hành tinh này chủ yếu là đồi và núi đá.
Theo các chuyên gia, sau lần gặp nhau này, mãi đến năm 2079 thiên thạch 1998 OR2 mới tiếp tục bay qua Trái đất. Tuy nhiên khi đó, khoảng cách giữa 2 thiên thể gần hơn khoảng 3,5 lần so với năm nay.
Năm 2019, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết khoảng 878 thiên thạch sẽ bay ngang và có nguy cơ va chạm vào Trái đất trong vòng 100 năm tới.
Cơ quan này đang tính toán và phân loại đường đi của các loại thiên thạch từ nhỏ, vừa đến lớn, xem xét những tác động nếu có đến Trái đất nhằm đưa ra cảnh báo sớm.
Trước đó vào tháng 9-2017, thiên thạch 3122 Florence (1981 ET3) khổng lồ, rộng hơn 4km, từng bay ngang qua Trái đất rất may không xảy ra va chạm. Dự kiến 1981 ET3 sẽ lại "ghé thăm" Trái đất vào tháng 9-2057.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận