Một ruộng dưa ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tơi bời trong đợt mưa lớn - Ảnh: LÊ TRUNG
Huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.
Phó thủ tướng LÊ VĂN THÀNH
Dựa trên báo cáo thiệt hại, Chính phủ quyết định họp trực tuyến để nghe báo cáo thiệt hại, các giải pháp và thông qua đợt thiên tai này các địa phương cần rút ra thêm những giải pháp cho thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành, đây là đợt thiên tai có diễn biến bất thường trong hàng chục năm trở lại đây.
"Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu sự bất thường của mưa trái mùa để tìm ra quy luật thiên tai lặp lại sau 60 năm. Về dòng chảy ngầm làm cho các lồng bè bị ảnh hưởng, bộ sẽ điều tra, nghiên cứu, đánh giá" - ông Thành nói.
Ông Trần Quang Hoài, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết vào sáng 31-3 diễn ra đợt mưa, dông lốc trên diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
Theo số liệu đo được, cơn lốc ở Bình Định gió mạnh cấp 8, ở Phú Yên cấp 7, nhiều nơi có mưa lớn. Đợt dông lốc này gây thiệt hại tương đối lớn khi có 2 người mất tích, 176 ghe thuyền bị đánh chìm hoặc hư hỏng, gần 3.000 lồng bè tôm hùm giống bị thiệt hại...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định đây là đợt thiên tai bất thường nhưng ban chỉ đạo không bất ngờ vì đã có dự báo và cảnh báo rất sớm.
"Bất ngờ ở chỗ lốc xoáy trên biển dẫn đến thiệt hại về tài sản và người" - ông Hiệp nói và cho biết dù đã rất chủ động nhưng thiệt hại đáng tiếc nhất vẫn là thiệt hại về người trên biển. Nguyên nhân là do người dân đi cho tôm hùm ăn trong khi ban chỉ đạo thường xuyên cảnh báo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận cũng nhìn nhận vẫn còn có người dân chủ quan trước những đợt thiên tai dù đã có những thông báo, cảnh báo. Hai trường hợp ra biển cho tôm hùm ăn ở Phú Yên sau đó bị sóng đánh chìm là một minh chứng.
"Khi có các dự báo thiên tai, các địa phương phải thông tin cho bà con biết nơi đang sinh sống có khả năng xảy ra gió mạnh, sóng biển, dông lốc. Đặc biệt không ở lại tàu thuyền, lồng bè khi có thiên tai bởi bà con thường có tâm lý tiếc của, tài sản nên cần phải tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức khi có dự báo sóng to, gió lớn" - ông Luận nói.
Tàu cá ở Phú Yên bị hư hỏng do sóng lớn vào sáng 31-3 - Ảnh: DUY THANH
Nâng cao khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng
Về lâu dài đối với miền Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần có giải pháp để nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, khả năng chống chịu của người dân trước thiên tai.
"Giải pháp đưa ra nhiều, các địa phương cần tập trung vào nguồn nhân lực chuyên nghiệp từ dưới lên, phải có bộ phận thường trực từ dưới lên. Về hạ tầng phải chống chịu được ở tất cả các mức độ, đặc biệt là các thiên tai bất thường, dị thường..." - ông Hiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận