22/10/2024 10:41 GMT+7

Thiện Nhân tiếp tục những phép màu

Từ khi sinh ra, tôi đã được gọi là 'em bé cổ tích, đứa trẻ của phép màu'. Tôi đã đồng hành cùng hành trình viết tiếp câu chuyện cổ tích, nhân lên phép màu cho mình và nhiều bạn bè, anh chị em khác trong 18 năm qua.

Thiện Nhân tiếp tục những phép màu - Ảnh 1.

Từ phải sang: Thiện Nhân, anh trai Hải Minh, mẹ Mai Anh, anh trai Thiên Minh - Ảnh: NVCC

"...Và trong tương lai, tôi vẫn sẽ tiếp tục ước mơ ấy bằng nỗ lực theo đuổi việc học".

Sẽ là một ngạc nhiên với người đọc khi được biết đây là những dòng trích ra từ một lá thư đăng ký học bổng đại học.

Cô cậu bé nào tự nhận mình là đứa trẻ của phép lạ nhỉ, liệu có phải là một "fan cuồng" của Harry Potter? Nhưng rồi người đọc - nhất là những bạn đọc của Tuổi Trẻ - sẽ được yên tâm khi biết tác giả của những dòng thư ấy: chàng trai Phùng Thiện Nhân 18 tuổi.

Tôi muốn thành công trong sự nghiệp và trở thành một hình mẫu truyền cảm hứng, chia sẻ thông điệp rằng sự đồng cảm và kiên trì có thể dẫn đến những thành tựu phi thường; với quyết tâm và nỗ lực, thành công có thể đạt được bất chấp những thử thách của cuộc sống.
PHÙNG THIỆN NHÂN

Chọn lựa của Thiện Nhân

Vâng, chính là cậu bé Thiện Nhân ngoan cường của "hành trình Thiện Nhân" với "những phép lạ từ tay bác sĩ, cổ tích sinh ra từ lòng người" mà Tuổi Trẻ đã miệt mài theo dõi và thông tin đến bạn đọc suốt bao năm qua.

Hôm nay chúng tôi rất vui mừng thông báo đến bạn đọc: Thiện Nhân đã trở thành tân sinh viên tại Vin University - ngành khoa học máy tính & trí tuệ nhân tạo.

Với hồ sơ dày thành tích học tập và hoạt động đã miệt mài chuẩn bị suốt ba năm trung học, Thiện Nhân được nhà trường cấp học bổng ở mức 85%.

Dẫu đã thuộc lòng câu chuyện của Thiện Nhân cũng như từng bước đi của "hành trình Thiện Nhân" nay đang có đến hàng ngàn cô cậu bé, tôi vẫn không thể ngăn xúc động khi đọc những dòng do chính Nhân viết:

"Tôi đã bị mẹ ruột - là một cô gái rất trẻ - bỏ rơi ngay khi vừa chào đời. Tôi bị bỏ lại trong rừng, bị thú hoang tấn công, bị tổn thương nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục và mất hoàn toàn chân phải…

Nằm ngoài trời, chảy máu, kiến đốt suốt 72 giờ, tôi gần như không có cơ hội sống sót cho đến khi một nhà sư từ làng đi qua rừng tìm thấy.

Ông đã mau chóng gọi xe máy đưa tôi đến cấp cứu tại bệnh viện, và tôi đã sống… Tôi may mắn được mẹ Trần Mai Anh nhận về nuôi, cùng với cha mẹ đỡ đầu Greig Craft - Hoàng Na Hương. Cuộc đời tôi từ đấy là những phép màu".

Tôi nhớ lại những tháng năm theo dõi câu chuyện của Nhân. Khi Nhân phát hiện sự khác biệt của mình, Nhân nghe những xôn xao, Nhân buột ra những câu hỏi ngây thơ, bà ngoại bối rối, mẹ vắt óc nghĩ cách giải thích.

Nhân vào lớp 1, Nhân biết đọc, biết sử dụng máy tính lên mạng, cả gia đình thắt tim với ngày Nhân đọc được câu chuyện về mình. Nhân học bán trú, ông ngoại lo lắng đến trường tham quan trước hết là khu nhà vệ sinh.

Nhân lớn lên, sinh động, tự lập, mạnh mẽ, mẹ vẫn dõi theo từng bước chân, quan sát từng động thái có thể gây tổn thương con…

Hôm nay, Nhân đã tự kể lại câu chuyện của mình sau lời động viên của mẹ: "Chuyện như thế đã làm nên chính con người của con. Nếu công nhận, nó sẽ làm mình mạnh mẽ. Nếu né tránh, nó lại trở thành một điểm yếu của cả đời. Tùy con chọn".

Nhân đã chọn mạnh mẽ. Cậu cũng mạnh mẽ chọn ngay ngành khoa học máy tính vốn có yêu cầu cao nhất, khắt khe nhất của trường dù mẹ phân tích:

"Nếu chọn truyền thông hay makerting thì nhà mình có mẹ, có cậu, có hai anh sẵn sàng trợ giúp con cả việc học lẫn việc làm. Nếu chọn khoa học máy tính, con sẽ phải độc lập tự học, tự làm và phải nỗ lực học tiếp suốt quá trình làm việc, không thể dừng được ở bậc cử nhân đại học…".

Nhân viết: "Sống với một chân, tôi vẫn đến trường mỗi ngày, được thôi thúc bởi niềm đam mê học hỏi và ước mơ nghiên cứu AI.

Tôi tin rằng AI có thể cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cải thiện cuộc sống nhiều người, giống như cuộc sống của tôi đã được cứu, được thay đổi nhờ bàn tay các bác sĩ và tiến bộ y khoa.

Mục tiêu của tôi là áp dụng AI để tạo ra các giải pháp giúp những bệnh nhi có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từng là một bệnh nhi - bệnh nhân suốt cả đời mình, tôi tin mình hiểu nhu cầu người bệnh và có thể tìm được nhiều giải pháp tốt".

Thiện Nhân tiếp tục những phép màu - Ảnh 2.

Mẹ Mai Anh và cha đỡ đầu Greig căn dặn con trai ngày vào đại học - Ảnh: NVCC

Sứ mệnh của phép màu

Những ngày này, vào đại học, Nhân đang sống cuộc sống nội trú lần đầu trong đời. Ngoài cố gắng sắp xếp cuộc sống, nỗ lực cho chương trình học mới mẻ và nặng nề, Nhân còn phải chuẩn bị cho mình sức khỏe và tinh thần để bước vào cuộc đại phẫu cuối cho tuổi trưởng thành được sắp xếp vào tháng 1-2025.

Cuộc đại phẫu này, mẹ Mai Anh, mẹ Na Hương, bố Greig, bác sĩ Roberto De Castro đã chuẩn bị tài lực, vật lực, nghiên cứu các phương án phẫu thuật suốt từ mấy năm nay.

Được thấy Nhân trưởng thành, trở thành một thanh niên mạnh mẽ, toàn vẹn là ước mơ của mẹ, của bác sĩ, của tất cả những người theo dõi hành trình Thiện Nhân bao năm nay - như tôi.

Nhưng tôi lại không biết rằng trong thâm tâm Thiện Nhân, cậu coi việc điều trị và phải bình phục của mình là một sứ mệnh.

Nhân viết: "Cha mẹ nuôi đã bắt đầu một hành trình đưa tôi đi khắp thế giới để tìm giải pháp điều trị, khắc phục khiếm khuyết.

Bác sĩ Roberto De Castro, bác sĩ tiết niệu nhi hàng đầu thế giới, đã lần lượt thực hiện những ca phẫu thuật chỉnh hình cho tôi, lấy lại cho tôi những sinh hoạt bình thường.

Sự hồi phục của tôi đã truyền đi cảm hứng để gia đình tôi hình thành nên tổ chức Thiện Nhân & Những người bạn - Chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em.

15 năm qua, chúng tôi đã kêu gọi được các bác sĩ hàng đầu tình nguyện đến từ khắp thế giới tổ chức phẫu thuật miễn phí đến bình phục cho 630 bệnh nhi Việt Nam và Campuchia, danh sách chờ vẫn còn hơn 1.000 người.

Được sống là một phép màu, và lan tỏa phép màu mà mình đã nhận được trong đời đến những người khác là sứ mệnh của tôi, thúc đẩy bởi sự đồng cảm sâu sắc của bản thân và tình yêu thương cùng trách nhiệm mà các cha mẹ nuôi cùng các bác sĩ đã truyền dạy…".

Tôi nhớ những đau đớn mà Nhân đã phải trải qua, hàng chục ca phẫu thuật banh da xẻ thịt từ khi mới thôi nôi; những thủ thuật, phương pháp y khoa nuôi da, lấy cơ vừa đau, vừa khó chịu, vừa kéo dài mà người lớn chưa chắc đã vượt qua nổi.

Nhiều lần Nhân khóc, có lần Nhân hỏi mẹ: "Dừng lại được không?"; có lần Nhân than khi vừa dứt cơn mê: "Mẹ ơi, lâu quá"... Nhưng rồi Nhân cắn răng không khóc nữa.

Rồi Nhân tỉnh khô an ủi các bạn, các em trên bàn phẫu thuật: "Ăn thua gì, không sao đâu". Rồi Nhân vượt qua tất cả những e ngại, khó chịu để đồng ý xuất hiện ở sự kiện này, cuộc gặp kia khi mẹ bảo "đến đó sẽ có ích cho chương trình, sẽ giúp được các em".

Thiện Nhân hiểu được sứ mệnh cổ tích và phép màu mà sự yêu thương của bao người đã hợp lực lại dành cho mình và nguyện sẽ thực hiện nó một cách tốt nhất.

Thiện Nhân tiếp tục những phép màu - Ảnh 3.

Thiện Nhân (thứ hai từ trái) mừng sinh nhật với hai mẹ Mai Anh - Na Hương và anh trai Hải Minh - Ảnh: NVCC

"Niềm tự hào của mẹ"

Lần đầu Mai Anh nói ra lời niềm tự hào về Nhân, dù đã hàng trăm hàng ngàn lần chị kể chuyện về Nhân với ánh tự hào lấp lánh trong mắt.

Những ngày này, "Thiện Nhân & Những người bạn" đang tổ chức đợt khám - phẫu thuật thứ 18 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội. Mai Anh luôn lấy sự vất vả, bận rộn với những chương trình xã hội, thiện nguyện làm năng lượng sống tích cực cho mình, vượt qua những nghịch cảnh và nỗi đau trong đời.

Không lạ khi món quà mà Thiện Nhân dành cho mẹ ngày cậu bước vào tuổi 18 là cái bắt tay "cùng mẹ thực hiện sứ mệnh phép màu".

Thiện Nhân tiếp tục những phép màu - Ảnh 4.Nối tiếp Hành trình Thiện Nhân

TT - Hà Nội những ngày này oi bức, nóng rịn mồ hôi. Khoa ngoại A3 (Bệnh viện Nhi trung ương) đông khác thường với những ông bố, bà mẹ vai mang balô, tay cầm túi xách, tay bế con nhớn nhác tới từ sân bay, ga tàu hỏa, bến xe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp