17/10/2021 08:14 GMT+7

Thiện nguyện cần gạn đục khơi trong

ĐOÀN ANH
ĐOÀN ANH

TTO - Những cá nhân nhận hàng trăm tỉ đồng tiền từ thiện đang đối mặt với những thị phi, ngờ vực và cả những điều liên quan đến yếu tố pháp luật. Chuyện làm từ thiện vì thế đang cần được gạn đục khơi trong.

Thiện nguyện cần gạn đục khơi trong - Ảnh 1.

Chị X.Hà (trái) - tình nguyện viên nhóm “Thương đổi Thương” - trao quà của các nhà hảo tâm cho một em có mẹ bị mất vì COVID-19 tại phường Tân Định, quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Câu chuyện thiện nguyện đang được quan tâm gần đây với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. 

18 tuổi tôi đã được tham gia những chuyến đi thiện nguyện, chủ yếu là những trại hè được tổ chức dành cho trẻ khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, con em của những bệnh nhân phong ở những trại phong, làng phong trải dài khắp đất nước...

25 năm âm thầm làm thiện nguyện

Những trại hè như vậy duy trì gần 20 năm, do Hội bạn người phong TP.HCM, nhóm Thiện Chí, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng đóng góp hợp thành một sân chơi, một điểm hội tụ, mỗi năm là một điểm đến: Vũng Tàu - Đà Lạt - Quy Nhơn - Phú Yên - Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình... 

Hè về, hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh không may mắn ấy được trò chuyện, vui chơi, nhận quà, trao đổi, giao lưu, kết bạn, học tập những tấm gương vượt qua số phận, thành đạt và không chùn bước.

Tôi cũng có dịp cùng tham gia chuyến nghiệm thu công trình "Những chiếc giếng đào tặng người dân Ninh Thuận" của phái đoàn người Pháp. Do Ninh Thuận là vùng đất có nhiều nạn nhân chất độc da cam và là vùng khô hạn nên người dân rất cần những chiếc giếng đào phục vụ công việc, sinh hoạt hằng ngày và tưới tiêu. 

Và phái đoàn người Pháp này quay trở lại để tận mắt chứng kiến những gì mà họ giúp đỡ cho người dân nơi đây có thực sự có ích hay không để họ lại nhân rộng, tiếp sức thêm nữa...

25 năm qua, "Đoàn công tác xã hội Trúc Lâm" tại TP.HCM có hơn 30 thành viên vẫn âm thầm với những chương trình: những chiếc bánh chưng chay trao tặng cho những mái ấm tình thương tại TP.HCM, cho người nghèo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho đồng bào và trẻ em ở Bình Phước; 

Những phần quà trung thu cho các em ở trại phong Bình Minh (Bà Rịa - Vũng Tàu); những suất bánh canh thịt heo hay những thùng mì gửi tặng người già neo đơn tại Cơ sở nuôi dưỡng người già Chánh Phú Hòa, Bình Dương.

Khi được hỏi điều gì khiến "Đoàn công tác xã hội Trúc Lâm" có thể duy trì được 25 năm, ông Huỳnh Văn Mùi - 72 tuổi, trưởng đoàn - cho biết trước giờ nhóm của ông luôn tự thân vận động, tiền của cá nhân ông và những thành viên trong đoàn góp lại, cộng với sự đóng góp của những người thân quen, lối xóm. 

Hễ đến tết hay trung thu, mọi người lại gọi cho ông thông báo họ sẽ đóng góp bao nhiêu tiền, ai đóng góp. 

Hiện vật hay hiện kim ông đều liệt kê danh sách, thông tin công khai, cập nhật liên tục lên group nhóm, gửi thư cảm ơn đến nhà hảo tâm và quan trọng là tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thiện nguyện để lần sau phải làm tốt hơn lần trước.

Minh bạch tiền, quà từ thiện

Những chuyến đi thiện nguyện có khi từ sự kêu gọi đóng góp của các tổ chức đoàn thể, hội đoàn, nhưng có những chuyến đi là của những nhóm thiện nguyện cùng đóng góp để trao gửi sự sẻ chia của những người tạm gọi là "lá lành" dành cho "lá rách". Không phân biệt của ai, giàu nghèo, nhiều ít, tất cả đều chỉ hướng đến những người kém may mắn.

Những chuyến đi ấy còn mang cả niềm tin của người đóng góp trao gửi cho những "sứ giả" thay mặt họ đem vật chất và tinh thần đến cho người đang cần giúp đỡ. Mọi việc làm đều phải minh bạch, phải có sự phản hồi một cách nhanh nhất và rõ ràng nhất đến những người đã bỏ ra tấm lòng và vật chất để họ thấy được "quà mà họ cho đi đã đến tay đồng bào".

Dịch Covid-19 kéo dài những tháng ngày qua, đã có một lực lượng nhà hảo tâm luôn đứng phía sau sẵn sàng đóng góp cho lực lượng thiện nguyện tiếp sức rất dài và rất nhiều trong những khu cách ly, phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch. 

Ai cũng có thể nói "tôi đang làm từ thiện", nhưng để mọi người tin tưởng, trao gửi và công nhận, đó là cả một quá trình và không phải ai cũng làm được và làm một cách tốt nhất! Làm từ thiện cho tốt chưa bao giờ dễ, ngay cả với những người có tấm lòng và hàng chục năm kinh nghiệm.

Nhiều tiền và lắm thị phi

Mùa mưa bão lại đến, trong khi những câu chuyện không tốt về việc làm từ thiện từ mùa bão dữ năm trước vẫn đang xôn xao. Và người ta đặt câu hỏi về những thay đổi từ bản chất của hoạt động từ thiện.

Tiền từ thiện bây giờ lớn quá và những điều tiếng cũng nhiều. Người làm từ thiện đi đến đâu cũng có hình ảnh kèm những lời ngợi khen "không biên giới" với số tiền đóng góp hàng chục tỉ mỗi ngày cho cá nhân nào đó.

Nghe thì thấy quá tốt, quá giỏi nhưng rồi làm sao chi đúng, chi đủ, chi hợp lý số tiền quá lớn đó là một thách thức khó ai có thể không vướng sai sót, thậm chí khó thoát cám dỗ khi quá dễ có số tiền quá lớn đến vậy. Sao kê đầu vào rồi cũng khó có đủ chứng từ đầu ra!

Và những nhập nhằng, nghi ngờ, trục lợi có thể từ đây khi cá nhân nhận tiền làm từ thiện chưa thể minh bạch tất cả các khoản chi ra. Việc này đang làm rạn vỡ niềm tin từ cộng đồng về việc làm từ thiện.

Mọi lùm xùm đang cần "gạn đục khơi trong" nhanh nhất trước thực tế việc làm từ thiện đang thay đổi, phức tạp hơn với nhiều kiểu hoạt động và với số tiền cũng rất lớn.

Gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cử tri kiến nghị sớm quy định rõ ràng về làm từ thiện Gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cử tri kiến nghị sớm quy định rõ ràng về làm từ thiện

TTO - Tại buổi tiếp xúc có Chủ tịch nước, cử tri huyện Hóc Môn cho rằng hoạt động từ thiện hiện nay có nhiều bất cập và kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi quy định cũng như có luật về hoạt động này.

ĐOÀN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp