Trong suốt giải, đập vào mắt người xem là các quảng cáo của Hisense, Wanda, Mengniu, Vivo. Trong đó Hisense và Mengniu (Mãnh Ngưu) là 2 trong số 5 nhà tài trợ chính của World Cup 2018 - Ảnh: AFP
Wanda Group (Vạn Đạt) - tập đoàn địa ốc và chuỗi rạp chiếu phim của người giàu nhất Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), là 1 trong 7 đối tác của FIFA, cùng với những cái tên quen thuộc với bóng đá từ nhiều năm như Adidas, Coca-Cola, Huyndai - Kia Motor, Qatar Airways, Visa và Gazprom của nước chủ nhà.
Nếu tính cả tài trợ lẫn đồng tài trợ thì Trung Quốc chiếm tới 7/19 đơn vị.
World Cup tất nhiên là cơ hội tuyệt vời (và cũng thuộc hàng đắt đỏ nhất) để các doanh nghiệp quảng bá tên tuổi.
Tuy nhiên với Trung Quốc thì sân cỏ World Cup còn tạo điều kiện cho họ khẳng định vị thế một "tân siêu cường" trên thế giới vì cho tới nay Wanda Group, Hisense, Mengniu vẫn chủ yếu hoạt động trên thị trường nội địa.
Sự tham gia của các thương hiệu Trung Quốc hẳn còn nhằm dọn đường cho Bắc Kinh giành quyền tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh này vào năm 2030 hoặc 2034 như lời Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào năm ngoái.
Tuy nhiên để trở thành nước chủ nhà thì Trung Quốc còn có nhiều việc phải làm vì cho dù đất nước gần 1,4 tỉ dân này có khoảng 250 triệu fans bóng đá nhưng đội tuyển bóng đá nam của họ chỉ khiêm tốn đứng thứ 75 trong bảng xếp hạng tháng 6-2018 của FIFA.
Đội tuyển Trung Quốc đã không thể vào chung kết World Cup 2018 - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc cũng mới chỉ có một lần được tham dự World Cup vào năm 2002, nhờ chuyện giành vé trong khu vực không quá gắt gao khi "hai ông anh" Hàn Quốc và Nhật Bản đương nhiên có vé nhờ đồng tổ chức giải.
Trong một bài viết về bóng đá Trung Quốc trên tuần báo Weekend Avisen của Đan Mạch, nhà báo Peter Harmsen đã trích dẫn lý giải của Pu Hao Zhou, một nhà nghiên cứu về bóng đá tại Đại học Dayton, Ohio (Mỹ).
Theo ông Pu Hao Zhou thì nguyên nhân là từ nhiều năm qua Trung Quốc thiếu sự đầu tư nghiêm túc vào công tác đào tạo bóng đá trẻ. Do số cầu thủ trẻ của Trung Quốc còn ít hơn tại nhiều quốc gia có dân số nhỏ hơn nên khó tìm được các nhân tố xuất sắc.
Hơn thế nữa, bóng đá nước này còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng tham nhũng, quản lý tồi trong liên đoàn bóng đá và các cơ quan chủ quản. Năm 2013 một loạt quan chức, trọng tài và cầu thủ đã bị kỷ luật vì tham gia dàn xếp tỉ số và hối lộ.
Giáo sư về kinh tế thể thao Simon Chadwick, Đại học Salford, Manchester (Anh) lại chỉ ra những nguyên nhân khác. Theo ông Chadwick thì các bậc phụ huynh Trung Quốc thích con cái trở thành bác sĩ, kỹ sư… hơn là cầu thủ.
Sức ép của của họ lên con cái rất lớn, nhất là với con trai, trong khi hệ thống giáo dục thì chú trọng vào các kỹ năng cứng, xem nhẹ tính sáng tạo. Chế độ thi cử khắt khe cũng khiến xã hội Trung Quốc trở thành một "xã hội cá nhân", thành tích cá nhân được xem trọng, trong khi bóng đá là một môn chơi tập thể.
Thế nhưng với Trung Quốc thì bóng đá không chỉ là thể thao. Sau khi áp dụng thành công các chính sách Ngoại giao bóng bàn, Ngoại giao gấu trúc, Bắc Kinh đã nhanh nhạy triển khai cái gọi là Ngoại giao sân vận động, đặc biệt là tại châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên - thứ mà Bắc Kinh đang rất cần.
Trước khi Gabon đăng cai tổ chức Cúp bóng đá Phi châu 2017, Trung Quốc đã xây tặng quốc gia Trung Phi này hai sân vận động mới. Đổi lại, họ được quyền tham gia khai thác dầu khí tại đây.
Bắc Kinh cũng đã đạt những thỏa thuận đổi sân vận động lấy dầu mỏ tương tự tại Angola và Ghana. Phải công nhận Bắc Kinh đã rất nhạy bén khi khai thác lòng hâm mộ cuồng nhiệt của người Phi châu với bóng đá cho những toan tính về kinh tế và chính trị của mình.
Giờ thì chúng ta có thể chờ xem những động thái của Trung Quốc nhằm vận động giành quyền đăng cai World Cup 2034.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận