Điển hình là đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre): “Trong thời gian tới còn có thể xảy ra các kêu gọi giải cứu nào? Nếu có thì đó là ngành gì để người dân chuẩn bị?”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bỏ sót câu trả lời, nhưng đại biểu Nguyễn Xuân Hồng (Bình Dương) trong phần tranh luận của mình kịp nói: “Cao su bây giờ cần được giải cứu. Sắp tới tôi nghĩ sẽ phải giải cứu cả trái cây vì ở nơi tôi làm đại biểu dân đang chặt cây cao su để trồng cam, quýt…”.
Trở lại câu chuyện từ hội nghị với các nông dân sản xuất giỏi của Đồng Tháp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan kể rằng trong một lần đi thăm Thái Lan, đoàn của ông đến một khu vườn trồng thanh long “nhìn thấy vườn gì mà trồng trái nhỏ xíu”. Ông bèn “chê dở ẹc”, bảo “qua đây tui dẫn đi Bình Thuận mà coi”.
Người nông dân Thái cười: “Vợ tôi người Long An, lấy giống về đây trồng. Chúng tôi xuất khẩu, nhưng khách hàng chê trái to quá. Họ chỉ cần loại trái mà một người ăn hết. Vậy là, tôi phải nhờ giới khoa học nghiên cứu cho trái thanh long nhỏ lại”.
Đến thăm một vườn khóm (dứa), ông Hoan ăn thử, thấy chua, lại chê: “Chua quá. Sao không qua Việt Nam học trồng khóm ngọt?”. Người nông dân Thái lại nhẹ nhàng: “Giống này tôi cũng lấy từ Việt Nam qua, trồng và xuất khẩu. Nhưng khách hàng bảo ăn ngọt quá, sợ bị tiểu đường. Vậy là, tôi nhờ người ta lai giống cho chua đi”.
“Chúng ta cứ nghĩ rằng mình cứ làm thật tốt sản phẩm là được nhưng thực ra đang mắc vào cái bẫy: sản phẩm đối với chúng ta thấy tốt, nhưng thị trường lại đang cần cái khác”, ông nói. “Thiên hạ ăn ít thì mình sản xuất nhiều, thiên hạ ăn sạch thì mình sản xuất dơ, thiên hạ ăn sản phẩm có thương hiệu thì mình đấu trộn gạo”, ông Hoan nói với các nông dân về ba nghịch lý của thị trường.
Trước Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ví von về đoàn tàu chuỗi cung ứng nông nghiệp sản xuất - chế biến - thị trường “mới chỉ làm tốt khoang đầu, hai khoang sau rất kém”. Điều đó cho thấy một thực tế: sản xuất không gắn liền với thị trường thì đoàn tàu sẽ ì ạch.
Nhưng ngay cả khi tổ chức sản xuất tốt và thị trường sẵn sàng mà khâu chế biến và phân phối bị tắc thì đường đi của nông sản hay bất kỳ sản phẩm nào khác cũng sẽ chẳng thể thông.
Con heo chẳng hạn, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, lại giao thương tiểu ngạch, vì thế khi nước này đóng cửa, heo bị dư thừa.
Nay nếu phía Trung Quốc mở cửa trở lại theo lối chính ngạch, nhưng các khâu chế biến như giết mổ, cấp đông, vốn đòi hỏi đầu tư lớn, dài lâu, vẫn chưa sẵn sàng thì bài toán ùn ứ vẫn xảy đến, và giải cứu lại là từ được viện đến và kêu gọi.
Chế biến nông sản chính là yêu cầu của các thị trường nông sản, nhưng vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Dường như chiếc bẫy thị trường đó ai cũng biết do chúng ta giăng ra, biết rằng sẽ sa vào đó, vậy mà giải pháp vẫn cứ là ta “giải cứu” ta mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận