05/09/2021 09:05 GMT+7

Thích ứng với năm học khó khăn

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Học sinh nhiều tỉnh thành trong cả nước khai giảng năm học mới hôm nay 5-9, để bước vào một năm học được đánh giá là có những khó khăn chưa từng gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thích ứng với năm học khó khăn - Ảnh 1.

Võ Nhất Nguyên Thi - học sinh lớp 5 ở quận 7, TP.HCM - cùng mẹ chuẩn bị sách vở cho năm học mới - Ảnh: NGUYÊN ĐẠI

Học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường cần phải thích nghi như thế nào trong bối cảnh đặc biệt của năm nay? Phóng viên Tuổi Trẻ đã trò chuyện với cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội).

Bắt đầu từ giáo viên

* Là một "đầu tàu", để có thể kéo đoàn tàu của mình chạy trong tình huống phải thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh, cô đặt ưu tiên cho điều gì trước nhất?

- Để thích ứng với nhiều tình huống khác nhau - kèm theo đó là các hình thức dạy học khác nhau - cần có một kế hoạch tổng thể, trong đó có những kế hoạch chi tiết hơn. 

Kế hoạch giáo dục nhà trường là yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong định hướng đổi mới giáo dục. Nhưng hơn bao giờ hết, việc này rất cần thiết, có lẽ là yếu tố bắt buộc phải tính đến trong bối cảnh luôn phải thay đổi và thích ứng như hiện nay.

Cách tôi thấy hiệu quả không phải là áp "kế hoạch" lên giáo viên mà bắt đầu từ giáo viên, từ tổ chuyên môn để kiến tạo nên bản kế hoạch thực hiện các nội dung giáo dục. Chính giáo viên suy nghĩ, góp ý, hiến kế thì họ mới thực sự tham gia, chủ động và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu linh hoạt.

Trong kế hoạch giáo dục nhà trường của năm học này, sẽ phải tính luôn một cách chi tiết nếu dạy học trực tiếp thì thế nào, trực tuyến thì thế nào? 

Kèm theo đó là các yêu cầu đối với giáo viên, học sinh để khắc phục khó khăn, khai thác tối đa các ưu điểm của mỗi hình thức dạy học. 

Nếu mỗi trường không có một "bản kế hoạch" như thế là cốt lõi để triển khai thì sẽ dễ bị rối hoặc không thể nào thích ứng ngay với thay đổi, dù chúng ta đã bước sang năm thứ ba chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thích ứng với năm học khó khăn - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội)

Giáo dục phổ thông là góp phần cung cấp năng lực, kỹ năng, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách học sinh. Chúng ta khó có thể trông đợi vào một hình thức dạy học gián tiếp thay thế để đạt mục tiêu giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)

* Nhiều người đang hiểu việc "thích ứng, linh hoạt" là dạy học trực tuyến khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, ý kiến của cô thế nào?

- Dạy học trực tuyến đang là giải pháp chính đối với các trường trong tình thế học sinh không đến trường nhưng không thể ngừng học. Nhưng giáo dục phổ thông là góp phần cung cấp năng lực, kỹ năng, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách học sinh. Chúng ta khó có thể trông đợi vào một hình thức dạy học gián tiếp thay thế để đạt mục tiêu giáo dục.

Vì thế, nên hiểu khác về vấn đề "thích ứng, linh hoạt". Nó là việc sẵn sàng để chuyển trạng thái: dạy học trực tiếp, dạy học gián tiếp (trực tuyến, qua truyền hình và các hình thức khác) tương ứng với diễn biến của dịch bệnh nói riêng và các khó khăn khách quan nói chung tác động đến nhà trường. 

Nó cũng là việc linh hoạt kết hợp cùng lúc nhiều hình thức giáo dục, hình thức dạy học và đánh giá học sinh, trong đó có thể hình thức này bù đắp cho khó khăn, điểm yếu của hình thức kia.

Những điểm yếu từng phổ biến ở giáo dục phổ thông là học sinh ít khả năng tự học, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh còn lỏng lẻo, mới chú trọng dạy chữ, chưa chú trọng rèn những năng lực, kỹ năng cần thiết... Điều này có thể khắc phục nếu các nhà trường trở nên chủ động, linh hoạt dù ở trong hoàn cảnh nào.

Kết nối học sinh

* Cô đánh giá như thế nào về hiệu quả dạy học trực tuyến?

- Việc dạy học trực tuyến hiệu quả đến đâu lệ thuộc nhiều vào điều kiện để thực hiện gồm nền tảng công nghệ thông tin, thiết bị, năng lực dạy và học, khả năng điều hành và kiểm soát việc dạy học của mỗi trường, mỗi vùng miền. 

Nên sẽ rất khó nói. Chỉ nói trong phạm vi trường, chúng tôi có khoảng 2/3 số giáo viên thích ứng và có những thay đổi sáng tạo khi dạy học trực tuyến nhưng 1/3 vẫn chậm thay đổi.

Tuy nhiên, một cách khách quan về dạy học trực tuyến, nếu triển khai đúng, khó khăn sẽ biến thành cơ hội. Đó là cơ hội để giáo viên, học sinh có khả năng tốt hơn ứng dụng công nghệ trong dạy và học, có nhiều phương pháp dạy học, đánh giá khắc phục được những điểm yếu khi dạy học trực tiếp. 

Ví dụ khi ứng dụng công nghệ, cùng lúc giáo viên có thể kiểm tra kết quả làm bài tập của tất cả học sinh thay vì gọi một vài học sinh. Hay giáo viên có thể theo dõi việc học sinh tự học qua việc giao nhiệm vụ trước và sau các bài học trực tuyến. Học sinh được rèn khả năng tự đọc sách, đọc tài liệu, sử dụng thông tin từ tài liệu phục vụ nhiệm vụ được giao...

Thích ứng với năm học khó khăn - Ảnh 4.

Cô Nhan Thị Xuân Lan - giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4, TP.HCM - dạy học môn hóa trực tuyến cho học sinh lớp 8A2 sáng 4-9 - Ảnh: LÂM TÀI LỘC

* Đối với giáo dục phổ thông, có nhiều nội dung mà dạy học từ xa không thể thay thế được. Ví dụ như hoạt động thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm và các hoạt động để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Phải làm gì để bù đắp trong tình thế hiện nay?

- Đây là một khó khăn rất lớn khi dịch bệnh đang còn phức tạp cho thấy việc học sinh dừng đến trường không còn là tạm thời 1-2 tuần. Với các nội dung dạy học thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin có thể hỗ trợ một phần. 

Ví dụ các thí nghiệm ảo hay việc triển khai các dự án học tập giao cho học sinh tự đọc, tìm tài liệu để thực hiện, thực hiện thảo luận, mời chuyên gia chia sẻ trực tuyến...

Trong năm học này, chúng tôi cũng đã triển khai nhiều hoạt động khởi động đầu năm học để kết nối học sinh, qua đó cũng giáo dục học sinh những kỹ năng, hiểu biết cần thiết. Nhưng vẫn hy vọng học sinh được quay trở lại trường. 

Vì trong việc giáo dục để học sinh có ý thức trách nhiệm, biết chia sẻ, biết hợp tác, có lòng trắc ẩn... thì rất cần những hoạt động trực tiếp. Chúng ta cần tận dụng tối đa thời gian trực tiếp để củng cố kiến thức cho học sinh và triển khai những hoạt động không thể làm trực tuyến. Muốn thế ngay từ đầu năm học cần phải chuẩn bị trước.

* Theo cô, với mục tiêu thích ứng, linh hoạt, khó khăn nhất đối với các nhà trường là gì?

- Vẫn là yếu tố con người. Ai sẽ nỗ lực, trách nhiệm, nhiệt huyết và ai sẽ tụt hậu? Tôi chưa nói tới cơ chế đãi ngộ vì điều này liên quan tới những khó khăn chung của cả nước, mà chỉ muốn nói đến môi trường để giáo viên được khích lệ. 

Đó là môi trường tạo điều kiện cho giáo viên tự học, được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, được chia sẻ và được ghi nhận. Sự ghi nhận ở đây không chỉ là nêu gương, khen thưởng mà là lắng nghe ý kiến của học sinh, chắt lọc những ý tưởng, kinh nghiệm hay để ứng dụng, nhân rộng...

Để không sợ bị "gõ", bị "phê"

* Hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề thích ứng, linh hoạt theo cô còn điều gì phải băn khoăn hay kiến nghị?

- Tôi mong có một sự thống nhất đồng bộ ở tất cả các cấp giáo dục từ trung ương xuống các nhà trường.

Dựa trên những quy định, hướng dẫn nhất quán đó, mỗi cơ sở tùy theo điều kiện, đặc thù mới có thể cụ thể hóa thành giải pháp, kế hoạch hành động mà không sợ bị "gõ", bị "phê". Ngược lại, các nhà trường cũng phải dần thoát ra khỏi tư duy "chờ hướng dẫn", chờ cầm tay chỉ việc hay xin - cho để chủ động trong hành lang pháp lý đã có.

Cũng liên quan tới quy định pháp lý, tôi mong các nhà trường thực hiện tự chủ thì có thể được rộng quyền trong quyết định về con người.

Khó khăn, thách thức và phía trước là phải chủ động, thích ứng, linh hoạt sẽ là cơ hội để mỗi đơn vị sàng lọc đội ngũ, buộc những ai chậm chạp phải cố gắng hơn. Nhưng nếu hiệu trưởng không có quyền sàng lọc thì việc đó rất khó khăn.

Cần có phương án cắt gọt chương trình

240938177_190483379831750_5116197457119354621_n

Hiện nay khá nhiều tỉnh đang phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 15+, 16, 16+. Hàng triệu gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn chưa thể nào khắc phục được ngay.

Để chuẩn bị cho con đến trường không hề dễ dàng trong việc mua sắm áo quần, phương tiện học tập. Chưa kể đến nhiều gia đình đang rối bời vì mất mát người thân, không có việc làm, không có nơi ở, đang phải sơ tán ở quê.

Dạy học online vùng được vùng chưa, nhiều gia đình đang sống nhờ vào gói cứu trợ an sinh thì con cái làm sao học được...

Việc quản lý như vậy càng rối rắm hơn, các cơ sở trường học sẽ thực hiện kiểu đối phó, hiệu quả thực chất không có.

Ngay lúc này Bộ GD-ĐT cần có phương án cắt gọt chương trình bộ môn, sao cho giảm được từ một đến hai tháng học. Triển khai đến tận cơ sở trường học để chuẩn bị cho việc nhập học trễ và biến động của những đợt dịch tiếp theo. Tình hình nào thì có giải pháp tương ứng để chủ động sống chung với dịch...

Ông Tạ Quang Sum
(nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh, Khánh Hòa)

Hôm nay 5-9: Lễ khai giảng năm học mới Hôm nay 5-9: Lễ khai giảng năm học mới 'chưa từng có'

TTO - Sáng nay 5-9, thầy, trò tại 57/63 tỉnh, thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Tại TP.HCM, HTV sẽ trực tiếp truyền hình lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Hồng Phong vào lúc 8h sáng trên kênh HTV9, HTV4 và kênh YouTube HTV Tin tức.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp