04/12/2020 13:35 GMT+7

Thích ứng giữa mùa dịch, doanh nghiệp thắng lớn

MINH NGỌC
MINH NGỌC

TTO - Ứng phó trước những tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi thói quen, nề nếp làm việc cũ, đổi mới quản trị và tăng cường áp dụng công nghệ để giữ vững doanh thu, lợi nhuận…

Thích ứng giữa mùa dịch, doanh nghiệp thắng lớn - Ảnh 1.

Tân Cảng Sài Gòn có vị trí 19 trong các cụm cảng container với sản lượng thông qua lớn nhất thế giới - Ảnh: Đ.UẦN

Dịch bệnh như liều thuốc thử cho chúng tôi đánh giá chất lượng dịch vụ mà Lộc Trời cung cấp, đó là giống cây trồng, hiệu quả của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng lực tư vấn quản lý mùa vụ và xử lý dịch bệnh của đội ngũ chuyên gia.

Ông Nguyễn Duy Thuận

Mặc dù là doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, logistics, song trước tác động của dịch COVID-19 khiến giao thương hàng hóa thế giới bị ảnh hưởng, Công ty Tân Cảng Sài Gòn không khỏi chịu tác động. 

Ông Nguyễn Văn Hạnh, phó giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, cho hay khi dịch COVID-19 diễn ra, các nước áp dụng lệnh phong tỏa nên luồng hàng hóa vận chuyển bị giảm.

Đổi mới quản trị, cách làm

"Chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để thích ứng với dịch COVID-19, mà trọng tâm là chuyển đổi số, tăng cường tương tác với khách hàng online và thực hiện các phương pháp an toàn lao động, làm việc từ xa và tự động hóa. Trong đó có các biện pháp như đăng ký thủ tục dịch vụ trên Eport, thanh toán trực tuyến qua EDO, hạn chế di chuyển" - ông Hạnh nói và cho biết các ứng dụng 4.0 khác trong vận tải, logistics cũng được thực hiện như hiện địa hóa quy trình, thủ tục giao nhận hàng tại cảng.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số không những giúp phòng chống dịch hiệu quả mà còn tiết giảm công đoạn di chuyển. Việc triển khai số hóa chứng từ, lệnh giao hàng điện tử vừa an toàn, bảo mật, giảm rủi ro trong giao nhận và kiểm soát giao dịch. Áp dụng cơ bản tại nhiều cảng giúp loại bỏ lệnh giao hàng thủ công, thay đổi tập quán nhận hàng, giảm chi phí. 

Nhờ vậy, Tân Cảng Sài Gòn vẫn đạt kết quả tích cực khi doanh thu đạt trên 24.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 3.300 tỉ đồng, là nhà khai thác cảng container hiện đại lớn nhất Việt Nam với gần 50% thị phần, giữ vị trí 19 trong các cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. 

Đồng thời giữ vị thế là doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 6 lần liên tiếp, với dịch vụ khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển Tân Cảng.

Thích nghi hoàn cảnh mới

Đối với những lĩnh vực nông nghiệp như lúa gạo, năm 2020 cũng là năm đáng nhớ bởi không chỉ tác động của dịch COVID-19 mà còn là thiên tai liên tiếp xảy ra. 

Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay từ đầu năm dịch bệnh bắt đầu diễn ra, việc áp dụng lệnh giãn cách khiến công ty phải thay đổi cách thức làm việc, từ họp trực tiếp sang trực tuyến, sử dụng nhiều công cụ điện tử.

"Ban đầu cũng bị sốc khi dịch COVID-19 xảy ra, nhưng sau đó chúng tôi xem đây là cơ hội để biến nguy thành cơ" - ông Thuận nói và cho hay Lộc Trời đã áp dụng những tiện ích sẵn có mà trước đây ít được sử dụng như họp trực tuyến, phần mềm giao việc văn phòng, kiểm tra công việc theo kết quả, đánh giá khả năng giảm hệ số sử dụng văn phòng, thực hành các giả định rủi ro. Qua đó, công việc được đo đếm chính xác và hiệu quả cao hơn, công ty từng bước số hóa hiệu quả hơn.

Tuy vậy, với đặc thù của nông nghiệp, người nông dân không thể ra đồng, nhà khoa học không thể đi hướng dẫn bà con. Lúc này, thử thách lại đặt ra. Lộc Trời đã mày mò phát triển hai ứng dụng "khám bệnh từ xa" là bệnh viện cây lúa và bệnh viện cây ăn trái để nông dân sử dụng, trao đổi với các nhà chuyên môn. Rồi khoảng cách của con người yêu cầu thông tin phải được chuẩn hóa, nên Lộc Trời đã phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy trình quản lý tổng thể (ERP) để cung cấp các thông tin chuẩn xác.

Nhờ tiết giảm nhiều chi phí, công ty đã duy trì mức lãi trong quý III cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước mặc dù doanh thu giảm. Theo đó, hai sản phẩm Hạt ngọc trời và gạo mầm Vibigaba đã được công nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020.

Sáng tạo không ngừng

Đối với những doanh nghiệp sản xuất, dịch bệnh lại là cơ hội để cơ cấu và phát triển thêm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Là một trong những doanh nghiệp có 7 lần liên tiếp có sản phẩm được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã phát huy những lợi thế vốn có là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành điện gia dụng để nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm mới. 

Theo đó, bộ giải pháp diệt khuẩn mới, tiên phong ứng dụng những giải pháp thông minh, ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 được Điện Quang cho ra mắt là sự nối dài cho các hoạt động tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thái Nga, phó tổng giám đốc Điện Quang, cho hay những giải pháp thông minh được xây dựng trên nền tảng mở, dễ dàng kết nối với các sản phẩm Internet vạn vật IoT. Hệ thống sử dụng các công nghệ truyền thông không dây giúp đáp ứng kết nối đa dạng các thiết bị thông minh một cách dễ dàng, nhanh chóng cũng như mở rộng khoảng cách kết nối và điều khiển thiết bị. 

Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo với bảo mật vượt trội gồm công nghệ bảo mật 2 lớp và mã hóa gói tin "End-to-End" sẽ tạo sự yên tâm khi sử dụng. Giải pháp này sử dụng công tắc lập trình, nút bấm không dây linh hoạt, giọng nói, ứng dụng điện thoại... tiện lợi và linh hoạt.

Theo bà Nga, đây là sản phẩm "Made in Việt Nam" do Điện Quang chủ động nghiên cứu mẫu mã, phát triển tính năng, đã nhận được Giải thưởng Sao Khuê năm 2020. Nhờ vậy, doanh nghiệp duy trì được doanh thu và lợi nhuận ổn định, tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ trong tương lai với các sản phẩm công nghệ.

* Ông Tạ Đức Minh (Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản)

Cánh tay nối dài đưa thương hiệu Việt vươn xa

Những sản phẩm Cholimex và Vinasoy đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản kết nối với khách hàng nhập khẩu vào thị trường này thành công.

gian hang vn ơ nb

Gian hàng Việt Nam có các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở siêu thị Nhật Bản - Ảnh: Đ.MINH

Chúng tôi giới thiệu các sản phẩm này thông qua hoạt động triển lãm, hội chợ, mà cụ thể là đưa khách đến triển lãm quốc tế về thực phẩm Food Expo năm 2018 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, giúp sản phẩm thâm nhập vào thị trường nhanh chóng.

Thực tế, việc kết nối đưa hàng Việt, trong đó có những sản phẩm là Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thương vụ thực hiện. Đặc biệt khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường hơn 380 ngàn người Việt Nam sống tại Nhật. Nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu, hàng hóa để chế biến các món ăn và tiêu dùng tăng cao như nông sản, thủy sản (bánh phở khô, bún khô, nước mắm, gia vị, các loại hoa quả của Việt Nam, bia, rượu...).

Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật trao đổi, lên các chương trình thúc đẩy vận động, tuyên truyền người Việt Nam tại Nhật Bản có ý thức, tinh thần tiêu dùng hàng Việt Nam. Đồng thời phối hợp trao đổi với các thành viên đẩy mạnh kết nối thương mại, đầu tư giữa hai nước, tìm cách tháo gỡ khó khăn trong quá trình kinh doanh, hợp tác đầu tư.

Để thực hiện công tác xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, chúng tôi trực tiếp phối hợp các đơn vị đưa doanh nghiệp Việt Nam sang xúc tiến thương mại tại Nhật Bản trong các hoạt động hội thảo, giao thương.

Chẳng hạn như tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại trung tâm thương mại Lake Town, Saitama của AEON, đưa hàng hóa trực tiếp vào hệ thống siêu thị bán lẻ AEON; tổ chức hội thảo, giao thương tại hai thành phố lớn là Tokyo và Osaka...

Hàng Việt Nam nói chung và sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng luôn được tập trung truyền thông, quảng bá tại Nhật, tập trung tại các siêu thị, các lễ hội Việt Nam ở các địa phương để người dân biết và tiêu dùng sản phẩm. Chúng tôi mong muốn hàng Việt nâng cao hơn nữa chất lượng, đầu tư ứng dụng công nghệ để tạo giá trị gia tăng và uy tín, qua đó có nhiều cơ hội hơn thâm nhập thị trường khó tính.

NGỌC AN

124 Thương hiệu quốc gia Việt Nam làm nên 1,4 triệu tỉ đồng cho đất nước 124 Thương hiệu quốc gia Việt Nam làm nên 1,4 triệu tỉ đồng cho đất nước

TTO - Với 283 sản phẩm được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến từ 124 doanh nghiệp, doanh thu tạo nên lên tới 1,4 triệu tỉ đồng trong năm 2020.

MINH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp