Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, mô hình vẫn cần hoàn thiện hơn nữa.
Nhiều đặc tính bền vững
Vài năm trở lại đây, trước xu hướng nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền, tại đồng bằng sông Cửu Long, mô hình tôm - lúa với nhiều đặc tính bền vững có điều kiện mở rộng.
Hiện nay mô hình nuôi tôm-lúa quảng canh cải tiến nuôi 1 vụ tôm - 1 vụ lúa phổ biến nhiều ở các vùng chuyên canh lúa năng suất thấp ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Còn tại Sóc Trăng và Trà Vinh, mô hình lúa-tôm này cũng được triển khai dưới dạng bán thâm canh phổ biến, qui mô nhỏ, khoảng 2 ha/hộ.
Mô hình này năng suất tôm cao, mực nước ruộng sâu thuận lợi cho nuôi tôm và lượng mưa trực tiếp, không thiếu nước ngọt nên canh tác lúa ít gặp khó khăn.
Các địa phương áp dụng mô hình này đều nhận xét mô hình có vốn đầu tư thấp, canh tác hiệu quả. Tôm nuôi trong ruộng tận dụng được thức ăn tự nhiên, chi phí thức ăn thấp, ít dịch bệnh. Tôm thương phẩm có chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Pháp triển nông thôn), quá trình lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp để mô hình tôm - lúa ổn định và bền vững cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất.
Do vậy, các địa phương cần tiếp tục rà soát quy hoạch chi tiết để phát triển vùng quy hoạch tôm - lúa, đầu tư nâng cấp thủy lợi, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng GAP để gia tăng giá trị. Trong đó chú ý lựa chọn sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm đặc sản địa phương như 11 giống lúa thích nghi trong điều kiện hạn mặn của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long vừa công bố.
Sớm hoàn thiện mô hình
Theo phản ánh của tỉnh Bạc Liêu, việc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang áp dụng theo mô hình luân canh tôm-lúa có 26.000-29.000ha, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Kết quả qua nhiều năm cho thấy lúa phát triển tốt, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ đó giảm thiểu nạn ô nhiễm đồng ruộng, hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm.
Tuy vậy, muốn canh tác lúa trên đất nuôi tôm đạt hiệu quả, yêu cầu ruộng phải nằm xa cửa biển, khi gặp thời tiết bất lợi như nắng hạn thì không bị nước mặn xâm nhập gây thiệt hại cho cây lúa; kênh rạch dẫn nước trong cánh đồng cần có lượng nước ngọt tối thiểu 4 tháng trong năm để chủ động khi gặp nắng hạn dài ngày.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh trong vùng kiến nghị nhà khoa học các viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu, sớm hoàn thiện mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa để có thể mở rộng sản xuất trên cánh đồng lớn.
Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định: vấn đề trở ngại hiện nay là ở một số địa phương điều kiện thủy lợi, kênh cấp-thoát nước chưa đảm bảo; kỹ thuật sản xuất, giống lúa, giống tôm, vật tư nông nghiệp… cùng với hoàn thiện qui trình sản xuất để tăng năng suất cho cả hai vụ lúa và tôm. Tiềm năng mở rộng mô hình lúa-tôm ở đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đến 2030 có thể đạt 300.000 ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận