06/04/2025 20:11 GMT+7

Thi vào ngành y tại Nhật: Có thể 'vắng' môn sinh học, không thể thiếu quốc ngữ

Thi vào khoa y tại Nhật không chỉ yêu cầu điểm cao mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng môn tiếng Nhật, toán và các môn tự nhiên.

thi vào khoa Y tại Nhật - Ảnh 1.

Đậu vào ngành y mới là bước chân tới vạch xuất phát - Ảnh minh họa do AI tạo

Thi vào khoa y tại Nhật không chỉ dừng lại ở việc vượt qua kỳ thi, mà còn là hành trình đầy thử thách và cam go. Học sinh phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ môn quốc ngữ cho đến các môn tự nhiên và phải trải qua các vòng thi viết luận, phỏng vấn. 

Đặc biệt, việc chọn môn học từ lớp 10 và xây dựng lộ trình học tập rõ ràng là yếu tố quan trọng để thành công. Những thí sinh đam mê y khoa cần nỗ lực không ngừng để đặt chân vào ngành nghề đầy trách nhiệm này.

"Chúc mừng em. Em đã rất cố gắng. Thầy sẽ báo lại cho các thầy cô khác nhé. Nhìn cách em ôn thi cho vòng 2 không chút lơ là, tuy thầy rất an tâm nhưng thú thật là thầy thở phào nhẹ nhõm khi em báo tin đậu thế này.

Còn đây là điều thầy không thể nói với các em luyện thi y cho đến khi có kết quả đậu, đó là ở đại học, mọi thứ chỉ thật sự bắt đầu sau khi nhập học.

Nhà toán học có sai lầm cũng không ai chết, nhưng bác sĩ mà sai lầm sẽ có người chết. Mong em trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực có thể đảm đương trách nhiệm to lớn. Thầy rất kỳ vọng vào tương lai của em".

Đó là tin nhắn của một thầy giáo ở trung tâm luyện thi (juku) sau khi nhận tin học sinh của trung tâm có kết quả đậu vào khoa y, suất tiến cử học bổng khu vực của một trường đại học quốc lập mà không phải thi vòng 2.

Có thể hiểu, thi đậu đại học khoa y không phải là đích đến cuối cùng, mà chỉ là cột mốc đánh dấu các tân sinh viên đặt chân vào vạch xuất phát mà thôi.

Chọn ngành học từ sớm và không có môn chính, môn phụ

Học sinh Nhật bắt đầu chọn khối ngành học giữa khối ngành xã hội (Bunkei) và khối ngành tự nhiên (Rikei) từ lớp 10. Sau khi xác định khối ngành, lên lớp 11, ngoài những môn chung như toán, quốc ngữ (tiếng Nhật), tiếng Anh, thông tin, các em lại chọn tiếp môn học phù hợp với sở thích, nguyện vọng và tiêu chí tuyển sinh của trường đại học muốn thi vào cho các môn tự nhiên và xã hội còn lại như vật lý, hóa học, sinh học, địa học, lịch sử, công cộng (liên quan đến xã hội)…

Việc chọn lựa này được xem như một chiến lược khai thác thế mạnh, cũng như giảm tải những môn học trái ngành nguyện vọng, không phải để loại bỏ hoàn toàn môn học nào trong chương trình. 

Nghĩa là dù thi khối ngành xã hội, học sinh vẫn phải học các kiến thức nền của môn hóa, lý, hoặc khối ngành tự nhiên vẫn phải học kiến thức cơ bản môn lịch sử, công cộng…

Vấn đề đặt ra ở đây là học sinh phải tự mình tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Muốn học gì, muốn làm gì trong tương lai?”.

Vì vậy, không hiếm học sinh có học lực không xuất sắc nhưng có ước mơ làm bác sĩ đã nỗ lực học tập, chọn môn học phù hợp, thậm chí chuẩn bị tâm lý thi lại bao nhiêu năm nếu không thi đậu ngay.

Điều này thể hiện qua những bản khảo sát lộ trình tương lai mỗi học kỳ. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi tâm tư của học sinh thông qua các khảo sát này, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những lời động viên, giúp xác định tư tưởng trong buổi gặp mặt ba bên gồm giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh vào cuối mỗi học kỳ.

Đặc biệt, trước khi nộp hồ sơ thi tuyển sinh, học sinh và phụ huynh xác định tư tưởng lẫn nhau thông qua một bản khảo sát do nhà trường soạn thảo, xem bố mẹ có biết và hiểu rõ trường nguyện vọng của con hay không, có ủng hộ hay không, có đồng ý với phương án ôn thi lại vào sang năm nếu thi rớt hay không… Và cuối cùng, thường là quyết định của học sinh được tôn trọng.

Thi vào khoa y tại Nhật có thể không có môn sinh vật, nhưng không thể thiếu môn quốc ngữ (tiếng Nhật)

thi vào khoa Y tại Nhật - Ảnh 2.

Thi tuyển đầu vào đại học ở Nhật bắt buộc có môn quốc ngữ. Học sinh muốn nhận được học bổng địa phương còn phải viết luận bằng tiếng Nhật sau khi đọc một bài bằng tiếng Anh - Ảnh do AI tạo

Như trên đã nói, học sinh có thể chọn môn để tập trung học thi phù hợp với điều kiện của trường mình muốn thi vào. Do đó, thí sinh thi y có thể chọn môn vật lý, địa học để thi, chứ không bắt buộc phải học và thi môn sinh vật.

Có em nói mình chọn môn vật lý vì cơ hội học vật lý không còn nữa, trong khi thi đậu vào khoa y rồi thì chắc chắn được học sinh vật.

Nhưng bắt buộc, các thí sinh ở Nhật không thể lơ là môn quốc ngữ, chiếm 200/1.000 điểm tổng 9 môn thi cho kỳ thi chung (Kyotsu Tesuto, có thể hiểu là kỳ thi đánh giá năng lực toàn quốc) vào tháng 1.

Thậm chí, những thí sinh được trường cấp 3 chọn cho kỳ thi tiến cử (Suisen) còn phải chuẩn bị năng lực viết luận bằng tiếng Nhật sau khi đọc một bài đọc tiếng Anh.

Kỳ thi tiến cử có thể hiểu là suất học bổng toàn phần hay bán phần của địa phương, với cam kết phục vụ địa phương sau khi tốt nghiệp. Đây được xem như là thêm một cơ hội cho các thí sinh thi y khi kỳ thi tuyển sinh của Nhật chỉ cho phép các thí sinh thi duy nhất một trường quốc lập hoặc công lập.

Ngoài ra, các thí sinh thi y phải chuẩn bị cho kỳ thi phỏng vấn, một mình đối diện với ba vị giám khảo.

Với thí sinh có thêm cơ hội thi tiến cử, trước tiên phải trải qua vòng loại ngay trong trường. Em phải trình bày trong hồ sơ lý do mình chọn hình thức thi này, tại sao muốn làm bác sĩ, tầm nhìn tương lai của mình với địa phương, với khu vực… cũng như những thành tích, hoạt động ngoại khóa, tình nguyện đã tham gia trong ba năm học. Tất cả hồ sơ đều phải viết tay.

Sau đó, thí sinh phải trải qua một bài thi gọi là “tiểu luận” với nội dung là đọc khoảng hai bài đọc hiểu có liên quan đến y tế bằng tiếng Anh và trả lời, viết luận theo yêu cầu bằng tiếng Nhật.

Thi vào ngành y tại Nhật: Có thể 'vắng' môn sinh học, không thể thiếu quốc ngữ - Ảnh 5.

Cẩm nang thông tin tuyển sinh khoa y các trường quốc lập, công lập và tư lập năm 2024 và 2025 (do các trung tâm, học viện lớn chuyên luyện thi y phát hành)

Xin đơn cử đề thi tiểu luận năm nay của Trường đại học Quốc lập Ryukyu đề cập đến căn bệnh thời đại Alzheimer và “cảm giác cô độc”. Cả hai bài đọc đều được trích dẫn từ hai bài báo chuyên ngành tiếng Anh. Sau đó là vòng thi phỏng vấn để đánh giá liệu thí sinh có phù hợp với khoa y, với nghề bác sĩ.

Cùng với các bạn thí sinh khác, các em này vẫn phải tiếp tục ôn luyện cho kỳ thi chung vào tháng 1 gồm các môn: toán, quốc ngữ, ngoại ngữ (thường là tiếng Anh và bao gồm môn nghe hiểu), 2 trong 3 môn tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh vật), 2 trong 3 môn xã hội (địa học, lịch sử, công cộng), thông tin.

Kỳ thi này theo hình thức trắc nghiệm, nên ngay sau 2 ngày thi căng thẳng, các thí sinh tự tính điểm và xác suất đậu (dựa vào thông tin trong các cẩm nang về các trường đại học có khoa y trên toàn nước Nhật) để cân nhắc nộp hồ sơ thi vòng 2 của trường đại học phù hợp nguyện vọng và số điểm ước tính đã đạt được qua kỳ thi chung này.

Bộ hồ sơ này không chỉ đơn thuần điền thông tin cá nhân, mà còn có mục trình bày động cơ thi vào trường, các thành tích đã đạt được trong và ngoài trường PTTH để thí sinh tự giới thiệu bản thân sao cho nổi bật.

Do kết quả của kỳ thi tiến cử được công bố sau thời hạn nộp hồ sơ thi vòng 2, các thí sinh thi tiến cử vẫn phải ráo riết ôn luyện cho đến ngày công bố kết quả.

Các môn thi vòng 2 bao gồm toán, 2 trong 3 môn tự nhiên (hóa, lý, sinh), ngoại ngữ và phỏng vấn. Tuy nhiên, các trường quốc lập hàng đầu như Đại học Tokyo (được gọi tắt là Todai), Đại học Kyoto (được gọi tắt là Kyodai) thì vòng 2 vẫn không thể thiếu môn quốc ngữ.

Như vậy, để đặt chân vào khoa y tại Nhật, thí sinh phải học đều các môn và không thể coi thường môn quốc ngữ, cũng như phải chuẩn bị tinh thần cho 5 phút phỏng vấn.

Đề thi môn quốc ngữ năm 1-2025 vừa qua đề cập đến tác phẩm văn học cổ kinh điển nhất của Nhật Bản, truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu.

Thậm chí kỳ phùng địch thủ của bà Murasaki Shikibu là bà Sei Shonagon cũng không kém cạnh khi xuất hiện cả trong đề thi môn hóa học.

Đây có thể chỉ là những phút ngẫu hứng của ban ra đề thi trước cơn sốt của bộ phim truyền hình nhiều tập của đài NHK Hikaru kimi e, nhưng vẫn cho thấy tầm quan trọng của văn học cổ trong môn quốc ngữ.

Các bác sĩ tương lai ở Nhật đều phải đảm bảo có kiến thức văn học kinh điển, năng lực viết lách đủ để vượt qua kỳ thi đầy cam go.

Có nhiều bác sĩ Nhật rất sung sức với nghề tay trái là viết tiểu thuyết với chính đề tài “cây nhà lá vườn” y khoa của mình. Một trong số bác sĩ kiêm nhà văn đã có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt là bác sĩ Natsukawa Sosuke với Bệnh án của thần linh, hay Chuyện con mèo lập kèo cứu sách...

>> Phần 2: Tỉ lệ cạnh tranh ngành y tại Nhật và mách bạn 2 cuốn sách sinh viên y khoa phải đọc khi vào năm nhất.

Thi vào khoa Y tại Nhật: Có thể 'vắng' môn sinh học, không thể thiếu quốc ngữ - Ảnh 6.Học viện Tài chính bỏ xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy

Học viện Tài chính vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều thay đổi, như bỏ phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp