04/06/2024 05:59 GMT+7

Thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Giáo viên chia sẻ bí quyết làm bài thi

Ngày mai (5-6), hơn 98.600 thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM năm học 2024-2025.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9/4 Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) phát phiếu báo danh và dặn dò học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9/4 Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) phát phiếu báo danh và dặn dò học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh cần lưu ý gì để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi này?

Môn toán: sai sót nhỏ, hậu quả lớn

"Đối với môn toán, nhiều thí sinh thường mắc phải những sai sót tưởng là nhỏ nhưng hậu quả rất lớn, dẫn đến mất điểm.

Thứ nhất là việc đổi đơn vị, làm tròn số không theo yêu cầu của đề thi. Thứ hai là lập luận giải hệ phương trình nhưng không có cơ sở lý luận. Thứ ba là chứng minh bài toán hình học nhưng không nêu luận cứ; không khai thác được kết quả của câu hỏi phía trên cho câu hỏi phía dưới, nhất là câu hỏi nâng cao.

Với bài toán thực tế, có em lại không lọc được dữ liệu..." - thầy Lô Quốc Khải, chuyên viên môn toán, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết.

Theo thầy Khải: "Thí sinh cần nhớ là về độ dài thì làm tròn đến 1 chữ số thập phân. Nếu làm tròn đến đơn vị phút thì bỏ qua phần hiển thị giây trên máy tính. Nếu bài toán chỉ có 1 câu hỏi thì chọn cách chính xác nhất là ít làm tròn.

Còn nếu bài toán có nhiều câu, trong đó câu dưới có sử dụng kết quả của câu trên thì lấy kết quả làm tròn ở câu trên để tính tiếp cho câu dưới. Trên thực tế, nhiều thí sinh không lấy kết quả làm tròn ở câu trên dẫn đến sai đáp số ở câu dưới".

Thầy Khải cũng lưu ý các thí sinh cần phân phối thời gian làm bài một cách hợp lý: "Đề thi phần bài toán thực tế thường khá dài, yêu cầu thí sinh cần có kỹ năng đọc - hiểu tốt chứ yêu cầu về kỹ năng toán học không cao. Vậy nhưng nhiều em lại dành quá nhiều thời gian cho phần này dẫn đến việc phải bỏ luôn cả câu hình học trong khi câu này chiếm 3/10 điểm.

Thêm nữa, khi làm bài, các thí sinh cần có "chiến thuật". Câu nào dễ làm trước, khó làm sau nhưng đã làm được câu nào thì phải xem lại để chắc chắn là phần đó mình không có sai sót nào. Sau đó, mới tính tới những câu khó. Nhiều năm đi làm công tác ở hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp 10, tôi thấy một số thí sinh giải được cả các câu hỏi nâng cao nhưng lại sai ngay ở những câu hỏi dễ".

Môn văn: đừng đoán đề

Theo thạc sĩ Trần Lê Duy - giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - một trong những sai sót mà nhiều thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi môn văn chính là việc đọc đề không kỹ: "Vì đọc đề không kỹ nên nhiều em làm không đúng theo câu lệnh của đề.

Có em mất điểm ở câu nghị luận xã hội là do chỉ đọc ngữ liệu chứ không quan tâm đến câu lệnh. Ở phần nghị luận văn học, chỉ vì đọc không kỹ đề mà có trường hợp đề yêu cầu phân tích nhân vật thì thí sinh lại phân tích toàn bộ tác phẩm. Đề có hai phần, phân tích và liên hệ nhưng nhiều thí sinh không làm phần liên hệ".

Thầy Duy cho hay: "Bản chất của văn nghị luận là phải có luận điểm, có lý lẽ, dẫn chứng... Nhưng trên thực tế, một số thí sinh cứ học thuộc đề cương rồi vào phòng thi viết lại theo đề cương ấy, không có luận điểm thì khó mà đạt được kết quả như mong muốn.

Một trong những sai lầm nữa của thí sinh là yêu cầu liên hệ trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ này thí sinh chỉ cần giới thiệu ngắn gọn rồi so sánh sự giống, khác nhau chứ không cần phân tích. Vì nếu phân tích sẽ không đủ thời gian, chưa kể phần liên hệ này chiếm tỉ lệ điểm khá nhỏ, chỉ khoảng 0,75 - 1 điểm".

Thầy Duy đưa ra lời khuyên: "Tốt nhất là các thí sinh đừng đoán đề rồi học tủ. Các em nên học tất cả những bài mà thầy cô đã dạy, hiểu kỹ năng làm bài, các dạng đề... để làm cho đúng. Nếu thí sinh nắm vững kiến thức, có kỹ năng làm bài, làm theo đúng câu lệnh của đề thì ít nhất cũng được trên 7 điểm".

Thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Giáo viên chia sẻ bí quyết làm bài thi- Ảnh 2.

Tiếng Anh: tránh mất điểm vì bất cẩn

Theo cô Hồ Thị Bích Ty - tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh: "Nhiều thí sinh mất điểm ở môn tiếng Anh vì bất cẩn và viết sai chính tả. Các em sai chính tả nhiều nhất ở phần sắp xếp từ và câu, viết lại câu...

Có em viết 1 câu nhưng sai chính tả đến 2 từ. Có những từ có ngay trong đề, thí sinh nhìn trên đề và viết lại vẫn bị sai. Ngoài ra, thí sinh cũng hay bị sai hay nhầm lẫn ở phần cấu trúc câu".

Cô Bích Ty lưu ý: "Tôi khuyên các thí sinh trước hết là phải cẩn thận. Trong đó, phần đoạn văn khiến khá nhiều thí sinh bị mất điểm. Vì vậy, tốt nhất là các em nên tìm key word (từ khóa) của đoạn, gạch chân nó để tránh bị nhầm lẫn.

Cuối cùng, khi bước vào phòng thi, các em hãy hít vào thật sâu và thở ra từ từ, thật bình tĩnh để tập trung làm bài, đừng quá áp lực dẫn đến việc nghĩ một đằng nhưng lại viết ra một nẻo".

Đón xem gợi ý bài giải trên Tuổi Trẻ Online

Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật nhanh nhất về tình hình thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM, đề thi, gợi ý bài giải sau khi kết thúc mỗi môn thi. Mời bạn đọc đón xem tại tuoitre.vn.

Tránh vi phạm quy định phòng thi

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tất cả các trường hợp thí sinh có mặt tại cổng điểm thi chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Trường hợp thí sinh đến cổng điểm thi trễ trong thời gian cho phép thì trưởng điểm thi là người chịu trách nhiệm xác định thí sinh đủ điều kiện tham gia thi hay không. Tuy nhiên, các trường hợp đến trễ mà được phép dự thi thì vẫn nộp bài đúng như quy định chứ không được cộng thêm thời gian.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: N.H.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: N.H.

Trong đó, sở yêu cầu các thí sinh cần phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định cho từng buổi thi. Thí sinh cần mang theo phiếu báo danh có dán hình, giấy khai sinh (bản photo không cần công chứng) để đối chiếu hồ sơ, thẻ học sinh hoặc thẻ BHYT hoặc căn cước công dân có gắn chip.

Nếu thí sinh bị mất một trong các loại giấy tờ trên hoặc thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên... phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xử lý kịp thời.

Ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Phòng thi sẽ được xếp theo số báo danh, mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh và bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 m theo hàng ngang.

Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của mình vào đề thi, giấy thi, giấy nháp. Khi nhận đề thi, cần phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi".

Ông Lê Hoài Nam cũng chia sẻ thêm: "Thí sinh chỉ có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Trường hợp này thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.

Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, cán bộ coi thi thứ nhất sẽ yêu cầu thí sinh ngừng làm bài ngay và tiến hành thu bài, kể cả bài thi của thí sinh đã bị lập biên bản. Còn cán bộ coi thi thứ hai sẽ duy trì trật tự và kỷ luật phòng thi. Cán bộ coi thi thứ nhất vừa gọi tên từng thí sinh lên nộp bài thi vừa nhận bài thi của thí sinh"

Thi vào lớp 10 tại TP.HCM 8 năm qua: Chỉ tiêu liên tục tăngThi vào lớp 10 tại TP.HCM 8 năm qua: Chỉ tiêu liên tục tăng

Năm 2024 sẽ có hơn 21.000 thí sinh không đậu vào lớp 10 công lập tại TP.HCM. Đó là chưa kể hơn 16.000 thí sinh không đăng ký dự thi lớp 10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp