15/07/2020 07:56 GMT+7

Thi tuyển sinh lớp 10: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Làm sao để có được một chỗ học lớp 10 như ý trong trường THPT công lập tại Hà Nội và TP.HCM? Các giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy luyện thi vào lớp 10 đã đưa ra những lời khuyên.

Thi tuyển sinh lớp 10: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM ráo riết ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ diễn ra vào ngày 16, 17-7 (TP.HCM) và 17, 18-7 (Hà Nội) với gần 200.000 thí sinh dự thi.

TP.HCM: tăng cường năng lực vận dụng kiến thức

"Đề thi năm nay sẽ tăng cường những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để giải quyết tình huống thực tế" - ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói về nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM năm 2020.

Với định hướng này, thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 - cho rằng: "Điều quan trọng nhất của một bài văn là phải viết đúng: đúng bố cục, đúng phương pháp. Thứ hai là các thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu hỏi. Thông thường, nên dành 20 phút cho phần đọc hiểu, 40 phút cho phần nghị luận xã hội và 60 phút cho phần nghị luận văn học".

Về câu hỏi nghị luận xã hội, thầy Bảo hướng dẫn: "Học sinh cần đọc kỹ đề để xác định dạng bài phù hợp (nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý). Làm bài sai phương pháp, sai dạng bài sẽ bị trừ điểm rất nặng. 

Khi thí sinh viết bài quá dài so với giới hạn của đề thường được châm chước bỏ qua nhưng các em sẽ mất rất nhiều thời gian không cần thiết. Đề yêu cầu viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi thì nên đảm bảo giới hạn này nhưng phải có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Phần thân bài cần được trình bày thành các đoạn văn, mỗi đoạn văn trình bày một nội dung cụ thể. Giữa các đoạn cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau".

Với câu hỏi về nghị luận văn học, thầy Bảo nhận xét nhiều học sinh thường mắc sai lầm khi phần mở bài chỉ dừng lại ở việc giới thiệu tác phẩm mà không giới thiệu nội dung đề bài yêu cầu (trong khi vài năm gần đây, câu hỏi của phần nghị luận văn học thường có giới hạn nhỏ, không yêu cầu phân tích hết tác phẩm). 

"Theo tôi, sau khi viết phần mở bài, học sinh cần viết một đoạn văn ngắn để giới thiệu chung về tác phẩm trước khi triển khai phân tích các ý. Đoạn văn đó thường có các nội dung như: giới thiệu về phong cách, sự nghiệp của tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tóm tắt truyện... 

Tóm lại, phần thân bài nên thực hiện theo phương pháp: các đoạn văn triển khai luận điểm phải có câu chủ đề rõ ràng, nên đặt câu chủ đề ở đầu đoạn văn, giữa các đoạn có sử dụng biện pháp liên kết, khi phân tích luận điểm cần có các dẫn chứng cụ thể...

Với môn toán, cô Phạm Thị Thanh Thúy - giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình - nhận định: "Năm 2019, các câu hỏi về toán thực tế trong đề thi toán vào lớp 10 ở TP.HCM chiếm đến 4,5 điểm. Vậy nhưng, khá nhiều em lại mất điểm ở phần này với các lỗi: làm tròn số bị sai, nhầm lẫn hoặc ghi thiếu đơn vị, đọc không kỹ đề hoặc không hiểu đề bài".

Cô Thúy đưa ra lời khuyên: "Bài toán thực tế thường cho nhiều dữ liệu, dữ kiện. Thí sinh cần lấy bút chì gạch dưới các dữ liệu cơ bản. Trên cơ sở đó, các em sẽ chọn lọc những dữ liệu cần thiết để giải quyết yêu cầu của bài toán. 

Đối với bài hình học, nếu cần vẽ thêm hình vào hình mà đề bài đã cho thì thí sinh phải vẽ lại hình trong phần bài làm của mình. Nếu không cần vẽ thêm thì thí sinh khỏi vẽ lại để đỡ mất thời gian. Điều quan trọng là thí sinh cần đọc thật kỹ đề trước khi vẽ hình, bởi nếu vẽ hình sai là bài hình học sẽ không có điểm".

Ở môn tiếng Anh, thầy Vũ Vạn Xuân - nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 - đúc kết: "Với cấu trúc đề như những năm gần đây, thí sinh nên chọn và làm những câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi tiếng Anh trước. 

Nếu làm bài đọc hoặc bài điền từ trước sẽ tốn nhiều thời gian suy nghĩ và dễ bị căng thẳng. Thứ hai là tránh tập trung vào một câu hỏi nào đó quá lâu. Thời gian làm bài thi môn tiếng Anh chỉ có 60 phút, nếu chưa làm được các em nên chuyển sang câu khác".

Thi tuyển sinh lớp 10: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ - Ảnh 2.

Ôn thi vào lớp 10 tại Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hà Nội: đề thi bám sát chương trình đã giảm tải

Theo ông Phạm Quốc Toản - trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu lớp 9 đã được giảm tải.

"Các bài được ghi chú tự học có hướng dẫn, theo quy định học sinh vẫn phải thi nhưng nhiều học sinh, thậm chí cả giáo viên vẫn nhầm tưởng là phần giảm tải nên không ôn tập. Về việc này, các em học sinh phải rà soát lại nội dung chương trình giảm tải đã được Bộ GD-ĐT công bố rộng rãi để nắm rõ, không bỏ sót kiến thức" - cô Thu Hằng, giáo viên THCS quận Cầu Giấy, trao đổi.

Theo cô Hằng, đề thi các năm trước của Hà Nội vẫn có những câu ra vào phần kiến thức lớp 7 - 8 nhưng thường là các câu hỏi kiểm tra kiến thức học thuộc lòng. Nếu học sinh không nhớ được kiến thức cũ thì dễ bỏ sót. Ngoài ra, những câu hỏi kiểm tra kiến thức về ngữ pháp cũng rất có thể rơi vào kiến thức ở các lớp 7 - 8.

Cô Nguyệt Thu, giáo viên dạy ngữ văn ở quận Hoàng Mai, cũng lưu ý học sinh về câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu có thể lấy ngữ liệu nằm ngoài chương trình. Nếu học sinh không được rèn luyện kỹ năng tốt có thể sẽ bị cuống khi gặp ngữ liệu lạ.

Ở nội dung chuẩn bị cho bài thi toán, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi, khuyên học sinh nên tổng hợp kiến thức theo các chủ điểm, chuyên đề để dễ ôn tập. Cụ thể, các em cần chú ý dạng bài toán về căn thức (1 điểm), giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình (1,5 - 2 điểm), tam thức bậc hai và đồ thị hàm số (1 điểm); phần hình học gồm có bài toán về góc trong đường tròn - tứ giác nội tiếp và hình không gian (3 - 3,5 điểm). Theo thầy Quang, nếu nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh có thể đạt điểm 8 - 9. Câu hỏi phân hóa chỉ chiếm tỉ lệ rất ít.

Lịch thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Thi tuyển sinh lớp 10: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ - Ảnh 3.

Gợi ý giải đề thi

Tuổi Trẻ Online sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, ngay sau khi hết giờ làm bài ở mỗi môn thi, Tuổi Trẻ Online sẽ đăng đề thi và gợi ý bài giải đề thi các môn thi. Mời bạn đọc đón xem trên tuoitre.vn.

Nên uống nước, ngậm kẹo

Khi đi thi, các em cần mang 2 chiếc bút cùng màu mực (để phòng việc đang viết dở bài thì bút hết mực, tắc mực), giấy thấm mồ hôi và 2 chiếc kẹo bạc hà để ngậm lúc đầu giờ và giữa giờ thi. Trước lúc trống phát đề thi, các em nên uống nước, đi vệ sinh rồi ngậm kẹo, không nên lo lắng, hồi hộp, không cần phải cố ôn lại trong đầu bất cứ nội dung nào. Hãy để đầu óc thật sự thoải mái! Khi nhận đề bài, cần đọc toàn bộ đề một lượt để chọn câu nào làm trước. Không sa đà ngay vào câu khó mà chọn câu dễ, chắc chắn làm trước.

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh (giáo viên Trường THPT Hà Nội Amsterdam)

Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm 2020: Hướng đi nào cho các em không đậu công lập? Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm 2020: Hướng đi nào cho các em không đậu công lập?

Để có một 'chân' trong các trường THPT công lập, nhiều bạn học sinh lớp 9 cũng như phụ huynh đã rơi vào áp lực và căng thẳng.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp