Ngư dân cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) không mua được dầu để ra khơi đánh bắt - Ảnh: ĐỨC TRONG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) - cho rằng những bất thường trên thị trường xăng dầu cần được nhìn nhận thẳng thắn là có sự thiếu nghiêm túc của một số doanh nghiệp khi không tuân thủ đúng quy định pháp luật và sự thiếu sâu sát của cơ quan chức năng địa phương trong nắm bắt tình hình.
* Thưa ông, ông có thể khái quát điểm bất thường của thị trường xăng dầu hiện nay như thế nào?
- Cơ quan chức năng là Bộ Công thương khẳng định không có biến cố gì về nguồn, hai nhà máy sản xuất vẫn giao hàng đầy đủ, việc nhập khẩu vẫn thực hiện theo hạn ngạch được phân giao. Trước đó, mức chiết khấu vẫn còn rất lớn, từ 1.200 - 1.300 đồng/lít nhưng sau khi điều chỉnh giá được vài ngày thì chiết khấu bằng 0 và có hiện tượng khan hàng, mua hàng từ các đầu mối khó khăn. Sau kỳ điều hành ngày 22-8 khi giá thế giới có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp tính toán có thể vượt quá biên độ gây ra lỗ thì tâm lý găm hàng, giữ hàng là không thể tránh khỏi.
Tôi cho rằng đây là vấn đề của các doanh nghiệp với nhau, tức là trong quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý. Tại sao lại không mua được hàng thì phải xem xét từ gốc, đó là hợp đồng kinh tế giữa các bên.
Không có hợp đồng hoặc bất tuân thủ hợp đồng không chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp mà còn xảy ra ngay cả với các nhà máy lọc dầu và thương nhân đầu mối.
Ông Bùi Ngọc Bảo
* Ông có thể phân tích thêm về hợp đồng này, thưa ông?
- Xăng dầu không phải là mặt hàng như thịt cá ngoài chợ, muốn kinh doanh, muốn bán là được. Kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, và một trong những điều kiện quan trọng đó là yêu cầu phải có hợp đồng kinh tế, tức là hợp đồng trao đổi mua bán xăng dầu giữa các thương nhân với nhau.
Từ đó có thể thấy các doanh nghiệp không ký hợp đồng chặt chẽ với nhau, có hiện tượng mua bán hàng trôi nổi trên thị trường bên cạnh việc mua từ các nguồn chính thức ở các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối. Nếu căn cứ vào sản lượng xăng dầu đã đăng ký mua theo hợp đồng kinh tế, thì chắc chắn không thể có chuyện đầu mối không cấp hàng. Lúc đó, những đơn vị không mua được hàng theo sản lượng đã ký kết với nguồn cấp thì có thể "chìa" hợp đồng ra, cung cấp cho cơ quan chức năng. Vấn đề là kêu không mua được hàng nhưng đã ai "chìa" được hợp đồng, chứng minh rằng đã đăng ký mua mà không cấp hàng chưa?
Còn rõ ràng, nếu hỏi các thương nhân đầu mối rằng có thiếu hàng không, có cấp đủ hàng không thì chắc chắn tôi khẳng định họ sẽ nói vẫn đủ đáp ứng, đảm bảo 20 ngày. Nhưng việc đảm bảo đó là trong hệ thống của họ, cấp hàng theo những hợp đồng đã ký, còn giờ hệ thống phân phối bên dưới muốn mua thêm ngoài hợp đồng thì chắc chắn là không thể đủ, vì không có ràng buộc về hợp đồng.
* Như ông vừa chia sẻ thì chuyện các doanh nghiệp mua rất nhiều nguồn và thậm chí cả "hàng trôi nổi"...
- Thực tế này trước đây không ai thừa nhận nhưng phải thừa nhận trên thị trường có hàng trôi nổi được đưa vào thị trường và vừa rồi các cơ quan chức năng đã xử lý như xăng dầu giả, xăng dầu lậu. Những nguồn hàng đó đi vào thị trường cũng không cần có hợp đồng. Khi "đứt" nguồn này thì quay sang mua nguồn "chính thống" thì không có hợp đồng ràng buộc nên mới dẫn tới tình trạng trên.
Rõ ràng, khi khan hàng mới thấy hợp đồng kinh tế cực kỳ quan trọng, chặt chẽ bao nhiêu thì tính tuân thủ càng cao. Sự đứt gãy cục bộ một phần lớn là do sự lỏng lẻo trong ràng buộc hợp đồng cung cấp giữa các doanh nghiệp.
Sự bất tuân thủ hợp đồng, những bất cập này trên thị trường cũng xảy ra ngay cả với các nhà máy lọc dầu và thương nhân đầu mối. Hai nhà máy lọc dầu của mình thì việc giao hàng cũng theo kiểu mình: khi giá xuống thì giãn ra chưa lấy hàng, giá lên lại đổ xô nhập, cho thấy tính tuân thủ pháp lý của mình không cao.
Đã vậy, khi xảy ra vấn đề là không biết đổ lỗi cho ai, quay lại kiểm tra, xác định trách nhiệm thuộc về bên nào là khó.
Trong khi đó, nếu đi nhập hàng phải ký hợp đồng với sản lượng đăng ký trước cả tháng, nếu "chệch ra", hàng đến muộn hoặc không giao hàng đúng hợp đồng đã ký là bị phạt.
Ngư dân tại cảng cá Phan Thiết không thể mua được dầu để đi biển đánh bắt vụ cá cuối năm - Ảnh: ĐỨC TRONG
* Ngoài vấn đề hợp đồng lỏng lẻo thì theo ông, sự "lộn xộn" còn nguyên nhân nào khác nữa?
- Trước đây khi sửa đổi nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, nay là nghị định 95, chúng tôi cũng đã đề nghị có những sửa đổi các quy định được cho là bất cập nhưng đã không sửa đổi. Thực tế, trong những vi phạm được phát hiện vừa qua đã cho thấy những tồn tại này tiếp tục được bộc lộ.
Đơn cử, chúng tôi đề nghị bỏ hình thức đại lý bởi hiện nay có ai đăng ký hình thức đại lý đâu. Đại lý được xem là nơi gửi hàng, nhưng thực tế đều mua đứt bán đoạn hết. Vì vậy, trên thực tế hình thức đại lý là không tồn tại nhưng mình vẫn quy định là phải có, thì rõ ràng không tránh khỏi những vi phạm vốn đã được cảnh báo. Nếu bình thường thị trường vận hành, nguồn cung ổn, giá không biến động thì sẽ không thấy rõ vấn đề.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, không ai nói được giá xăng dầu sẽ thế nào, giá đi xuống không ai kêu ca gì cả, nhưng giá lại đi lên. Vậy cơ chế chưa tốt thì phải sửa cơ chế, còn "lộn xộn" do tự các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp tham gia thị trường gây ra, "lộn xộn" do không tuân thủ hợp đồng, không tuân thủ quy định dẫn tới kết cục không có hàng thì phải có biện pháp xử lý như rút giấy phép vừa qua, đó là biện pháp cần thiết.
Các sở công thương cần sát sao hơn nữa!
* Trong buổi họp mới đây, Bộ Công thương nói không thiếu hàng, doanh nghiệp thì mời bộ "vi hành". Là đại diện doanh nghiệp tham gia cuộc họp, ông suy nghĩ gì về những giải pháp được bộ đưa ra?
- Cuộc họp vừa qua tập trung vào việc đánh giá tổng nguồn cung ứng và khẳng định rằng nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Thực tế đúng là như vậy. Vì thế, trước hết cơ quan chức năng địa phương, mà cụ thể là sở công thương các địa phương cần phải ghi nhận, đánh giá đúng tình hình, những vấn đề phát sinh trong chuỗi phân phối xăng dầu trên địa bàn.
Trực diện nhất nắm tình hình của doanh nghiệp là sở công thương thì phải rõ tình hình để báo cáo chứ không phải chỉ là kiểm tra kiểm soát, kiểm tra liên tục cũng không nên. Có nắm được sát tình hình, nhận diện vấn đề mới có giải pháp trúng được.
Tuy vậy, tôi thấy chưa thấy có sở nào bảo tình hình náo loạn hay cảnh báo đóng cửa đến nơi. Địa phương nào cũng nói ổn cả, tình hình không nghiêm trọng. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng đại lý, cửa hàng phải đóng cửa nghỉ bán vì không có hàng, vì chiết khấu thấp, kinh doanh lỗ là có thực chứ không phải là không có. Đặc biệt hiện nay giá đang có xu hướng lên cao thì càng bán sẽ càng lỗ là tất yếu.
Có sức chơi phải có sức chịu
* Thị trường xăng dầu đang vận hành với sự tham gia của rất nhiều thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối lẽ ra phải cạnh tranh hơn, minh bạch hơn...
- Kinh doanh xăng dầu là ngành rủi ro, khi đã chấp nhận kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro này và doanh nghiệp phải tự lo trước đã. Đây là ngành nghề lựa chọn nên phải tính toán khi đầu tư.
Đặc biệt khi hiện nay, mạng lưới cửa hàng quá dày đặc, cấp phép nhiều quá mức cần thiết, lên tới gần 17.000 theo tôi là nhiều, quá dày đặc mà không hiệu quả. Có những cửa hàng mỗi tháng chỉ bán 30 - 50 khối thì với biến động của thị trường như hiện nay, chắc chắn chấp nhận "lỗ sặc".
Hiện chúng ta quá chú trọng số lượng mà quên vai trò vô cùng quan trọng là của thị trường, là vai trò của doanh nghiệp cung cầu. Bởi vậy, thị trường sẽ tự thanh lọc, khi không có năng lực tài chính, năng lực kinh doanh. Không có cơ chế nào ngăn cấm là không cấp phép, doanh nghiệp cứ đủ điều kiện là cấp phép nhưng tồn tại được hay không thì sẽ để thị trường tự thanh lọc, không đáp ứng được điều kiện nữa thì Nhà nước rút giấy phép.
Một cửa hàng xăng dầu tại huyện Thoại Sơn, An Giang đóng cửa nhiều ngày qua - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Cần rút ngắn kỳ điều hành cho phù hợp thị trường
* Theo ông, giải pháp nào để lành mạnh thị trường và chấm dứt được tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn cung cục bộ và những bất cập như hiện nay?
- Phải nhìn nhận thực tế này, khi doanh nghiệp kinh doanh lỗ thì không muốn bán nữa, hạn chế bán ra, dẫn tới ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường như vừa qua. Ngoài những vấn đề bất cập tôi đã phân tích ở trên, thì việc rà soát lại chi phí kinh doanh định mức cần được thực hiện sớm hơn, việc này đã có chỉ đạo của Phó thủ tướng rồi. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang bị lỗ một phần vì chi phí định mức chưa được tính toán, cập nhật đầy đủ.
Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ đầu năm nay, khi đó giá xăng dầu đang ở mức thấp, với 85 USD/thùng nhưng nay lên tới 130 - 140 USD/thùng thì lẽ ra phải điều chỉnh tăng chi phí lên, chưa kể các chi phí khác như vận tải giá cước cũng tăng vượt quá quy định hiện nay (1.050 đồng với xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa là 950 đồng) nhưng chưa được điều chỉnh.
Tôi cho rằng xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý và quản lý về giá không đồng nghĩa với việc là không tuân thủ theo thị trường. Quản lý về giá, cần đưa ra mức giá trần để thay vì kiểm soát chi phí ngày một. Có như vậy mới đảm bảo được cho nền kinh tế không bị quá tải, đi kèm với các biện pháp về thuế như thời gian qua chúng ta giảm nhiều loại thuế thì sẽ tốt hơn.
Với nghị định 95, kinh doanh xăng dầu đã tiệm cận theo thị trường song với biến động trên thị trường như hiện nay, biên độ điều chỉnh giá cần ngắn hơn nữa, để về lâu dài cho giá cả cần sớm tiệm cận hơn theo thị trường. Khi "buông" thị trường ở mức độ phù hợp hơn nữa thì không thể có chuyện thiếu xăng dầu và giá cả cũng tăng giảm theo thị trường phù hợp hơn. Tôi cũng cho rằng đây cũng là thời điểm tốt nhất để ngành xăng dầu chuyển sang giai đoạn thị trường.
Ngoài ra, những bất cập và biến cố trên thị trường xăng dầu thời gian qua cũng là để thị trường xăng dầu thanh lọc, doanh nghiệp phải sắp xếp lại kỷ luật, không còn trông chờ vào hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và phải làm ăn bài bản, nghiêm túc hơn. Việc này cần được cơ quan chức năng làm mạnh tay, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận