Đó là ý kiến đề xuất của chuyên gia tham dự tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4-12.
Thị trường đã có dấu hiệu phục hồi
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Dương - phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) - cho biết sau các vụ việc xảy ra từ tháng 10-2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề.
Nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp phát hành chịu áp lực bị mua lại trái phiếu đã phát hành và khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới.
Kể từ đầu tháng 3, khi nghị định 08 có hiệu lực đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực. Doanh nghiệp quay lại phát hành, khối lượng trái phiếu phát hành quý sau cao hơn quý trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỉ đồng.
Cùng với đó, doanh nghiệp và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2 lên 63% vào tháng 10. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
Có lộ trình về xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách.
"Nghị định 08 được coi là giải pháp tháo gỡ chưa có tiền lệ, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, nhiều quy định gia hạn theo nghị định 08 sắp hết hiệu lực, thị trường sẽ phải quay lại thực hiện theo nghị định 65 năm 2022.
Do đó, chính sách nên có lộ trình để kiến tạo thị trường phát triển. Như quy định xếp hạng tín nhiệm đối với đơn vị phát hành, tới đây cần có lộ trình áp dụng cụ thể. Vì thị trường mới chỉ có ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp" - ông Lực khuyến nghị.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng lưu ý quy định xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần có sự phân biệt theo nhóm lĩnh vực ngành nghề. Đối với nhóm ngân hàng, chính sách không nên buộc các ngân hàng phải xếp hạng tín nhiệm vì đã được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng cần có sửa đổi, bổ sung chính sách mới. Nhưng quan điểm là chính sách vẫn phải đảm bảo kiến tạo để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, ông Hiếu đề nghị giải pháp thời gian tới là cơ quan quản lý cần tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Về hệ thống giao dịch trái phiếu tập trung riêng lẻ sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, ông Nguyễn Anh Phong - tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - cho biết ngày đầu tiên giao dịch có 19 mã trái phiếu của ba doanh nghiệp giao dịch.
Đến nay, có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung. Quy mô giao dịch trung bình 3.000 tỉ đồng/phiên, góp phần tác động thị trường phát hành sơ cấp. Đây là tín hiệu tốt đối với thanh khoản trên thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận