Sau khi dự thảo nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia phải rút lại các đề xuất như không được kinh doanh bia trên vỉa hè, chuyển từ “cấm” thành khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống bia (!)..., các doanh nghiệp sản xuất bia cho biết sẽ tiếp tục phản đối để bộ này loại bỏ tiếp quy định dán tem bia lên vỏ lon/chai trước khi được phép lưu thông ra thị trường.
Quy định dán tem bia, theo quan điểm của Bộ Công thương, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và của bản thân doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia, góp phần chống hàng giả, chống nhập lậu, chống gian lận thương mại, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên theo ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), việc dán tem lên bia không đơn giản, nhất là cho sản phẩm bia lon. Máy dán tem phải tích hợp rất sát với máy đóng lon.
Nếu máy dán tem hỏng thì bia cũng... hư theo vì không thể để lâu trên băng chuyền. Cũng chẳng thể tính theo phương án đóng lon trước rồi dán tem sau, mà bắt buộc hai cái này phải song hành cùng lúc. Rồi ai, cơ quan nào sẽ là người được quản lý và phát tem này?
Với mức tiêu thụ 3,2 tỉ lít bia như năm 2014, ông Tuất tính sơ sơ cần có 10-10,05 tỉ con tem để bán cho doanh nghiệp.
Nếu giá là 200 đồng/tem, vị chi sẽ có 2.000-2.500 tỉ đồng tiền tem được bán ra. Nhà nước thu được tiền về, nhưng doanh nghiệp sản xuất lại bị gánh thêm chi phí và người tiêu dùng cuối cùng chịu.
Riêng tại Sabeco, với 46 dây chuyền sản xuất hiện có, nếu tính cả tiền mua máy dán tem, thuê chuyên gia lắp đặt vận hành, chi phí mua tem..., doanh nghiệp này ước phải bỏ ra hơn 1.300 tỉ đồng cho năm đầu thực hiện.
Khi đó ngân sách nộp cho Nhà nước chắc chắn sẽ giảm. Và khả năng cạnh tranh đương nhiên sẽ ảnh hưởng vì chi phí đầu vào mặc nhiên tăng.
“Chúng tôi sẽ quyết liệt đấu tranh. Đấu tranh tới cùng để Bộ Công thương bỏ quy định này. Nếu không, sẽ chẳng doanh nghiệp nào trong ngành bia còn sống được” - ông Tuất khẳng định.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” này dự báo còn kéo dài. Các doanh nghiệp sẽ còn phải trình nhiều “tờ sớ” lên nhiều cơ quan chức năng để họ xem xét vì quy định dán tem bia không chỉ có trong dự thảo nghị định nói trên, mà còn đang nằm trong đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia thông qua việc dán tem”, cũng do Bộ Công thương thực hiện và sắp trình Chính phủ phê duyệt.
Nhưng điều các doanh nghiệp sản xuất lo ngại hơn cả là một thị trường tem sẽ được hình thành. Một vấn nạn tham nhũng mới có nguy cơ được hình thành một cách không cần thiết vì gần như trên thế giới chẳng còn ai dán tem bia trên sản phẩm để quản lý sản lượng hay chống hàng giả cả!
Cơ chế xin - cho lại xuất hiện, khi ở những thời điểm như tết đến doanh nghiệp cần tăng sản lượng, buộc phải mua thêm tem thì tem có... lên giá không?
Có dễ dàng được cấp bán không? Những băn khoăn này của các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở và cần được các cơ quan chức năng nghiên cứu thấu đáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận